Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng lại bắt đầu. Trong các kế hoạch cho năm 2017, một điểm chung dễ nhận thấy của các nhà băng là nhu cầu tăng vốn.
VPBank, dự kiến đại hội cổ đông vào ngày 10/4, cho biết muốn tăng vốn tổng cộng hơn 4.800 tỷ đồng so với năm 2016. Sau đợt tăng vốn đầu năm, thời gian còn lại ngân hàng cần tăng thêm khoảng 3.000 – 4.000 tỷ nữa.
“Với kế hoạch dư nợ tín dụng hơn 200 nghìn tỷ và ảnh hưởng tác động của thông tư 35/t2016-TT-NHNN thì để đảm bảo hệ số CAR của ngân hàng tối thiểu 9%, dự kiến tổng vốn tự có của ngân hàng tối thiểu phải là 18.000 tỷ đồng.
Đồng thời, với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị nội bô cũng như các cam kết với các đối tác quốc tế và để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo, Ngân hàng liên tục cần tăng trưởng vốn tự có trong hoạt động của mình.
Với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng thì thì trong năm 2017 VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng vào Vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của ngân hàng và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.”
Đó là những gì lãnh đạo VPBank đã gửi gắm tới cổ đông trước thềm đại hội.
Một ngân hàng được xem là đối thủ nặng ký của VPBank trên thị trường – Techcombank- cũng có tham vọng tăng mạnh nguồn vốn trong năm nay. Vốn điều lệ của Techcombank hiện là 8.878 tỷ đồng và muốn nâng lên 13.878 tỷ đồng vào cuối năm bằng cách chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Nếu các phương án nói trên được chấp thuận, VPBank và Techcombank sẽ cùng đưa vốn lên vùng trên dưới 14.000 tỷ đồng, vượt qua quy mô vốn của các ngân hàng Eximbank, SHB và chỉ đứng sau Sacombank (hơn 18.000 tỷ), MB (hơn 17.000 tỷ), SCB (gần 14.300 tỷ) trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
LienVietPostBank là một trường hợp khác lên kế hoạch tăng vốn năm nay và đã được cổ đông ủng hộ. Năm nay ngân hàng sẽ tăng vốn từ 6.460 lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông một phần (38,76 triệu cổ phiếu) và phần còn lại để chào bán ra công chúng hoặc cho cán bộ nhân viên (15,24 triệu cổ phần).
Ngân hàng ACB cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng, từ mức hơn 10.200 tỷ hiện nay.
Trong tờ trình gửi tới cổ đông chuẩn bị họp vào ngày 10/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết việc tăng vốn là cấp thiết vì “các quy định mới của NHNN đều gắn với tỷ lệ giới hạn an toàn chẳng hạn như cấp tín dụng với vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ.
Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng các giới hạn liên quan đến cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các hoạt động tín dụng…và rằng việc tăng vốn sẽ giúp ACB nâng cao năng lực tài chính…”.
Các ngân hàng khác chưa có kế hoạch rõ ràng cho lộ trình tăng vốn năm nay, nhưng quy định của NHNN về giới hạn an toàn là không dành cho riêng một ngân hàng nào mà toàn bộ hệ thống. Vì thế, để đảm bảo được các chỉ tiêu, các ngân hàng không còn cách nào khác là phải nâng vốn điều lệ.
Nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ siêu nhỏ (chưa đến 5.000 tỷ) chắc hẳn đang đứng ngồi không yên với các kế hoạch tăng tiềm lực tài chính.
Thậm chí áp lực này còn hiện hữu và nặng nề với cả những ngân hàng lớn nhất hệ thống như là VietinBank, Vietcombank và BIDV cũng như các ngân hàng cổ phần tư nhân khác nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II kể từ tháng 9/2017.
Và sẽ không ngoa khi nói rằng thị trường sẽ chứng kiến những cơn “bão” tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng trong năm nay.