Những ngày đầu tháng 8, các trường ĐH trên khắp cả nước tưng bừng chào đón các tân sinh viên đến làm thủ tục nhập học. Trải qua kì thi tốt nghiệp khắc nghiệt hồi cuối tháng 6, những bạn học sinh xuất sắc nhất đã và đang chuẩn bị cho những ngày tháng "sinh viên" sắp tới.
Một lượng lớn các bạn đổ xô lên thành phố đã tạo sức ép về vấn đề ký túc xá cũng như nhà trọ - câu chuyện cũ nhưng dường như năm nào, cứ vào dịp tựu trường lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Và cuộc chiến tìm nhà trọ vô cùng cam go và khốc liệt xem ra mới chỉ là bắt đầu!
Công cuộc tìm phòng trọ: Người may mắn dễ dàng - kẻ khó khăn trăm bề!
"Chân ướt chân ráo" lên Thủ đô, bỡ ngỡ và lạ lẫm là cảm giác đầu tiên mà sinh viên năm nhất cảm nhận được. Học cách tập xa bố mẹ, người thân, tự sống và sinh hoạt trong môi trường hoàn toàn mới là thách thức mà không phải bạn nào cũng đủ bản lĩnh để đương đầu.
Tạm vứt bỏ cảm xúc sang 1 bên, nhiều bạn lao vào kiếm tìm chỗ "an cư", chạy ngược chạy xuôi mong có phòng trọ không quá đắt đỏ giữa đất thành phố này.
Nhiều bậc phụ huynh đưa con em tới nhập học.
Bạn có nhận ra, sinh viên thường được chia làm 2 nhóm mỗi khi tìm kiếm nhà trọ: nhóm đồng hành cùng anh chị em thân quen - nhóm chinh chiến cô độc. Và đương nhiên nhóm 1 luôn luôn dễ dàng và bớt lo âu hơn các bạn nhóm còn lại rồi!
Đơn giản ra ĐH có sẵn người quen, chuyện tìm nhà trọ nhiều khi không quá khó khăn, hoặc là bạn chuyển đến ở cùng người đó, hoặc cả 2 cùng "hợp lực" tìm căn phòng khác thoải mái, phù hợp hơn.
"Mình có chị bạn ở cùng xã học ở ngoài Hà Nội trước rồi nên khi ra nhập học mình chuyển qua đó sống cùng chị ấy luôn. Mọi thứ trong phòng đã có sẵn, mình chỉ cần mang theo quần áo, sách vở và vật dụng cá nhân cần thiết thôi", Mỹ Linh (tân SV ĐH Ngoại Thương) chia sẻ.
Một dãy phòng trọ ngay phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội).
Căn phòng nhỏ nhắn dành cho 2 bạn sinh viên.
Trung Nhật - tân sinh viên trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết cậu khá may mắn khi có nhiều anh chị sẵn sàng đón cậu về sống cùng ngay khi vừa ra nhập học. Nằm ở tầng 5 khu tập thể cũ tại quận Ba Đình, căn nhà đủ lớn để Nhật cùng 4 người nữa sinh sống và làm việc.
"Mình rất may vì không phải suy nghĩ nhiều về việc sẽ ở đâu khi học ĐH. Ngay khi vừa ra Hà Nội mình chuyển đến nhà của các chị ở khu tập thể vừa rộng rãi, thoải mái, an ninh rất đảm bảo, nơi này cũng cách trường không xa lắm".
Phần lớn sinh viên ở trọ đều chọn cách ở ghép, tuy không thoải mái bằng lúc "một mình một cõi" nhưng tiền thuê nhà rẻ hơn, giảm được nhiều khoản cho gia đình.
Mặc dù học ĐH Ngoại Thương ở phố Chùa Láng nhưng Đồng lại thuê phòng trọ ở tận Xóm Hoa (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cách trường gần 6km. Điều oái oăm hơn là tuy đã có phòng nhưng phải đến thứ 2 (21/8) Đồng mới được dọn về do nhà vẫn trong thời kỳ sửa chữa.
"Việc tìm nhà trọ ở ngoài này rất gian nan, vì không muốn làm phiền bố mẹ nên mình nói dối là đã có nhà rồi ra Hà Nội tìm kiếm. Mình không có người ở cùng do mấy bạn nam cùng cấp 3 đi du học hết rồi, mãi mới có 2 người anh cùng trường đồng ý cùng nhau tìm phòng.
Dù nhà xa trường nhưng phải chấp nhận thôi, hiện giờ mình vẫn phải đi ở nhờ nhà người quen chờ thứ 2 nhận phòng", Đồng chia sẻ.
Mọi thứ được bày biện gọn gàng.
So với những căn phòng trọ bên ngoài, ký túc xá là niềm ao ước của nhiều tân sinh viên!
Sự lựa chọn ban đầu của sinh viên vẫn là khu ký túc xá của trường - nhà trọ lý tưởng cho các bạn năm nhất. Tuy nhiên những "căn phòng trong mơ" luôn trong tình trạng quá tải do lượng sinh viên thì đông mà phòng ốc lại có hạn.
Để trải qua hàng ngàn ứng viên tranh suất tại đây, bạn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, từ hồ sơ thủ tục đến xét diện chính sách,...
"Đưa con gái lên nhập học, bác cho nó làm thủ tục để xin ở ký túc xá nhưng chờ 2 ngày rồi chưa có kết quả. Nếu không được thì phải chấp nhận ra ngoài ở trọ, bác cũng lo vì chi phí ở đây đắt đỏ, con gái còn "lạ nước lạ cái"", một phụ huynh chia sẻ.
Với những căn phòng đã đủ nội thất như này, tân sinh viên chỉ cần mang thêm quần áo, sách vở và đồ dùng cá nhân khác.
Nếu phương án 1 không được thông qua, sinh viên chỉ còn cách tìm chốn "dung thân" ở những khu nhà trọ, chí ít là gần trường để tiện cho việc học tập. "Lùng sục" khắp các trang facebook, các trang web thuê trọ, những hình ảnh lung linh về những căn phòng cũng long lanh không kém thu hút sự chú ý của nhiều bạn.
Nhưng sự thật đôi khi tàn nhẫn đến mức đắng lòng, ảnh với ngoài đời không phải là... một! Phải chăng phần mềm photoshop thần kỳ nào đó đã tài trợ cho những bức ảnh này...
"Mình thấy phòng đẹp nên hùng hục cùng mẹ tới xem, nhưng mà trời ơi, phòng xập xệ, ẩm thấp không sạch sẽ, thoáng đãng như trên hình. Quá thất vọng, 2 mẹ con lại dắt nhau về nhà nghỉ chờ tìm phòng khác ưng ý hơn thì qua xem", Thùy Trang (tân SV Đại học Ngoại ngữ) tâm sự.
Công tơ điện được bố trí ngay bên ngoài phòng trọ.
Cứ hễ vào khoảng thời gian nhạy cảm này, chả hiểu sao giá cả cứ tự động tăng lên không lý do. Như một quy luật tất yếu, giá điện nước được thu khá cao so với mức trung bình: 4-5 nghìn đồng/ số điện, nước cứ đều đều 30-35 nghìn đồng/ khối, có những nơi nhẹ nhàng hơn chỉ tầm 26 nghìn đồng/ khối.
Đặc biệt là có những khoản phí phụ trội đâu đâu cũng được thêm vào để bòn rút "quỹ còm" của sinh viên.
"Mình mới ra nhập học thuê nhà gần trường cho tiện đi học. Phòng ở tận tầng 6 nhưng tòa nhà không có thang máy. Giá phòng là 1 triệu 8 dành cho 2 người cũng không quá đắt nhưng điện 4 nghìn đồng/ số, nước 50 nghìn đồng/ người thì mình thấy hơi "chát"", Mỹ Hiền - tân sinh viên Học viện Ngoại giao kể.
Ở Hà Nội, tấc đất tấc vàng, nay treo bảng "Có phòng cho thuê" chiều có thể đã thay bằng tấm biển "Hết phòng", bởi thế sinh viên cứ phải chật vật tìm nơi "an cư lạc nghiệp" mong bình yên cho cả 4-5 năm tới.
Một hành trình mới lại bắt đầu, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dù sao đi nữa, với mỗi sự lựa chọn, các tân sinh viên đều sẽ có những trải nghiệm đầu đời và là hành trang cho những chặng đường sau này.