Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, kinh tế quý 1/2023 vẫn duy trì mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng nhiều quốc gia suy thoái.
Tốc độ tăng GDP quý 1/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh giảm sâu nhất, âm 11,85%.
GRDP quý 1/2023 của Bắc Ninh giảm sâu nhất cả nước.
Bắc Ninh nêu nguyên nhân khách quan tác động lên tăng trưởng quý 1/2023
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý 1 năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh nêu một số nguyên nhân. Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2023 tiếp tục được dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1%.
Trong đó, kinh tế Mỹ và EU tăng trưởng dưới 1%, không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm, lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong đầu năm 2023. Giá năng lượng tiếp tục biến động do xung đột tại Ukraine và sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt, tăng nhu cầu nhập xăng dầu để đáp ứng sự phục hồi kinh tế.
Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp… dẫn tới hệ lụy tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu…
Ở trong nước, cán cân thương mại được giữ vững cân đối theo hướng xuất siêu, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với những thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Cục Thống kê Bắc Ninh nêu ra một số nguyên nhân tác động lên tình hình kinh tế của tỉnh.
Do các yếu tố trên, kinh tế Bắc Ninh đã chịu tác động rõ rệt, hiện hữu và đẩy gánh nặng nhiệm vụ tới các quý còn lại để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh này, tăng trưởng với xu hướng giảm từ quý 4/2022 đã tiếp tục đà giảm mạnh trong quý 1/2023. Tăng trưởng chung quý 1 năm nay có mức giảm sâu và bị kéo xuống chủ yếu do khu vực công nghiệp, đặc biệt ở một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh.
"Các ngành này tăng trưởng âm, thậm chí âm rất nhiều như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đã xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp", báo cáo có đoạn.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu sản phẩm. Hiện nay, theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp của Bắc Ninh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Cùng với đó là do thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Bởi vừa qua khi Trung Quốc thực thi chính sách Zero Covid, đóng cửa hoạt động nhiều nhà máy làm đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu. Điều này đã tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bởi nhiều ngành phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc như sản xuất điện tử, sản xuất kim loại… Mặt khác, do chi phí đầu vào tăng cao do các yếu tố phi kỹ thuật như cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài đã phần nào chia cắt cung - cầu thế giới.
Bắc Ninh cần giái tỏa các điểm nghẽn trong đầu tư công.
Đề xuất giải pháp tăng trưởng
Tuy vậy, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh quý 1/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng nổi bật là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng nhiều nhất, chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư thực hiện tăng đột biến (+61,3%) là mức tăng cao nhất trong giai đoạn (2019- 2023).
Ở chiều ngược lại, vốn ngân sách Nhà nước giảm, vốn ngoài Nhà nước sụt giảm nhiều, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư FDI ghi nhận kỷ lục gấp hơn 2 lần về số dự án đăng ký mới và gấp hơn 8 lần về vốn đăng ký mới. Lũy kế hai tháng đầu năm 2023 Bắc Ninh thu hút đầu tư FDI đứng thứ 4 cả nước.
Cục Thống kê Bắc Ninh đề xuất một số giải pháp. Trong đó, thứ nhất là tăng cường công tác phân tích dự báo; chủ động với các tình huống diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước nói chung do kinh tế của tỉnh hiện nay có độ mở lớn, kịp thời quyết liệt trong xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề đột xuất phát sinh.
Thứ hai là cần đẩy mạnh giải quyết triển khai nhanh có hiệu quả những điểm nghẽn lớn hiện nay trong đầu tư công, phân bổ, giải ngân nguồn vốn hiệu quả thúc đẩy cho kinh tế của tỉnh; đồng thời thu hút được các suất đầu tư lớn để tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh.
Thứ ba, tập trung và quyết tâm, quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của tỉnh về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thứ tư là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển bền vững.
Và cuối cùng là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần phải cải thiện mô hình kinh doanh, tái sắp xếp lại chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị trường mới.