Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3/2023 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cải thiện hơn so với mức tăng trưởng 0,5% hồi quý 2/2023.
Theo Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), tăng trưởng GDP vào năm 2023 của Singapore dự kiến sẽ ở mức 0,5% đến 1,5%.
“Triển vọng của nền kinh tế Singapore có thể không mấy khả quan trong thời gian tới nhưng sẽ cải thiện dần dần trong nửa cuối năm 2024”, Ngân hàng trung ương Singapore nhận định.
Ước tính, lĩnh vực sản xuất ở Singapore trong quý 3/2023 đã giảm 5% so với cùng kỳ. Theo bà Selina Ling, kinh tế trưởng kiêm Giám đốc bộ phận nghiên cứu và chiến lược thị trường toàn cầu tại Ngân hàng OCBC, sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất so với cùng kỳ nhẹ hơn dự kiến.
Trong khi đó, tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ ở mức vừa phải nhưng vẫn tương đối tích cực, giúp bù đắp lực cản liên tục từ ngành sản xuất.
Lĩnh vực xây dựng tăng 6% so với cùng kỳ trong quý 3, được thúc đẩy nhờ các hoạt động xây dựng trong khu vực công và tư nhân, mặc dù đà tăng trưởng đang bắt đầu suy yếu.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế Singapore, lĩnh vực này trong quý 3/2023 ghi nhận tăng 4,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6,1% trong quý 2.
Tiến sĩ Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế tại Maybank, cho biết tăng trưởng GDP quý 3 cao hơn kỳ vọng vì MTI đã tính đến sự phục hồi sản xuất trong tháng 9.
Ông cũng lưu ý rằng, Singapore đang bắt đầu nhận thấy một số tín hiệu tích cực trong lĩnh vực sản xuất điện tử, củng cố quan điểm của ông rằng quá trình phục hồi tăng trưởng đang diễn ra.
“Một số quốc gia châu Á khác, bao gồm cả Hàn Quốc và Việt Nam, đang chứng kiến sự cải thiện trong sản xuất và xuất khẩu điện tử trong tháng 9, điều này có thể là cơ sở cho dự báo tăng trưởng của MTI", chuyên gia kinh tế tại Maybank đánh giá.
Maybank giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Singapore ở mức 0,8% cho năm 2023 và 2,2% vào năm 2024.
Trước đó, theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%, quý 3 tăng 5,33%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.
Theo Báo cáo triển vọng Phát triển Châu Á (Cập nhật tháng 9/2023) được ADB công bố mới đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Mặc dù dự báo tăng trưởng của Việt Nam có sự điều chỉnh giảm so với hồi tháng 4/2023, nhưng mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.