Một sản phẩm đậm chất Việt được quốc gia Trung Đông này cực kỳ mê mẩn: Xuất khẩu tăng hơn 100%, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng

Khánh Vy |

Sản phẩm này đang được đẩy mạnh xuất khẩu và dần có vị trí nhất định trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của người Trung Đông.

Một sản phẩm đậm chất Việt được quốc gia Trung Đông này cực kỳ mê mẩn: Xuất khẩu tăng hơn 100%, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8 đạt 12.178 tấn, đạt gần 22 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 19,4% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu chè của cả nước đạt thu về hơn 121,8 triệu USD, tương đương 71.000 tấn chè các loại, giảm 13,9% về lượng và giảm 16,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 1.718 USD/tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý trong các thị trường, một quốc gia tại Trung Đông đang tăng mạnh nhập khẩu chè của Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu chè sang Iraq đạt 526 tấn, thu về 786.615 USD, tăng mạnh 104,6% về lượng và tăng 83% về giá trị. Tính chung 8 tháng đầu năm, Iraq đã nhập 4.342 tấn chè từ Việt Nam, tương đương trên 6,5 triệu USD, tăng 48,7% về lượng và tăng 30,3% về giá trị. Xuất khẩu chè sang quốc gia Trung Đông trong 8T/2023 đã chiếm 98,4% tổng lượng cả năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm sang Iraq đạt 1.499 USD/tấn, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Một sản phẩm đậm chất Việt được quốc gia Trung Đông này cực kỳ mê mẩn: Xuất khẩu tăng hơn 100%, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, chè Việt Nam, đặc biệt là chè xanh thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng do mức thu nhập của người Trung Đông ngày càng tăng. Họ muốn sử dụng các sản phẩm giúp đảm bảo sức khỏe.

Về thị trường nói chung, Pakistan là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với tỷ trọng gần 41% về khối lượng. Đứng sau lần lượt là Đài Loan (13,4%), Nga (6,7%) và Iraq (6,1%). Xuất khẩu chè sang các thị trường Pakistan, Đài Loan và Nga vẫn trong xu hướng giảm, bởi kinh tế các nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu ngoại tệ của Pakistan khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể mua được ngoại tệ để thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, cơ quan hải quan Pakistan quy định tất cả các lô hàng nhập khẩu tồn đọng trong cảng quá thời hạn 30 ngày sẽ bị đưa vào danh sách tịch thu bán đấu giá.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu mặt hàng chè nói riêng của Việt Nam tới thị trường Pakistan cần lưu ý đối với các lô hàng bị chậm thanh toán, đặc biệt là quá thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm hàng đến cảng Karachi cần báo cho Thương vụ Việt Nam tại Pakistan để phối hợp xử lý, không để phát sinh chi phí và tiền phạt của cảng, hãng tàu và bị cơ quan hải quan Pakistan tịch thu bán đấu giá.

Một sản phẩm đậm chất Việt được quốc gia Trung Đông này cực kỳ mê mẩn: Xuất khẩu tăng hơn 100%, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng - Ảnh 3.

Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), theo Văn phòng Thống kê Đài Loan, nền kinh tế của thị trường này năm 2023 có thể tăng trưởng chậm nhất trong hàng thập kỷ qua do xuất khẩu có xu hướng giảm, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới vẫn cao để đối phó lạm phát, kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp.

Tại thị trường Nga, lạm phát tăng và đồng Ruble yếu có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất và kiểm soát chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài. Do đó, nhu cầu tiêu dùng tại Nga cũng bị hạn chế.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 7 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Chè đang dần có những vị trí nhất định trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của người Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á. Văn hóa uống chè đang dần thay đổi, đây cũng là cơ hội cho chè Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại