Cầu Cổng Vàng không chỉ nối liền thành phố San Francisco và quận Marin với phía bắc mà còn là một biểu tượng rực rỡ của thành phố, cũng như là điểm đến du lịch không thể bỏ qua ở Hoa Kỳ.
Sau khi xây dựng suốt 4 năm với kinh phí 27 triệu đô la, vào năm 1937 Cầu Cổng Vàng chính thức khánh thành. Kể từ đó, không ít lần nó xuất hiện trong các bộ phim Hollywood, trong thơ ca và cả những giai thoại truyền miệng của người dân. Tuy vậy, có 2 câu hỏi gây nhức não mà chưa chắc người địa phương nào cũng biết trả lời.
1. Vì sao gọi là Cầu Cổng Vàng?
Rất đơn giản, đó là do cây cầu bắc qua vùng địa lí có tên Eo biển Cổng Vàng (Golden Gate Strait). Ông Paolo Cosulich-Schwartz từ đơn vị vận hành cây cầu cho biết thêm: "Eo biển Cổng Vàng là vùng nước trải dài 3 dặm, rộng 1 dặm; nối liền giữa Thái Bình Dương với vịnh San Francisco".
Bên dưới cây cầu
"Người ta đã muốn xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển vào giữa thế kỉ 19. Nhưng lúc đó, ý tưởng bị cho là viển vông do vùng nước quá sâu và chảy xiết", ông Paolo nói.
Mãi đến thập niên 30 của thế kỉ XX, cây cầu đã mới được xây dựng. Và do... làm biếng nghĩ tên mới hay từ một ý nghĩa đặc biệt nào đó, nó cũng được đặt tên là Cầu Cổng Vàng luôn.
Cầu Cổng Vàng bắc qua Eo biển Cổng Vàng, cũng hợp lí quá đi chứ!
2. Cầu Cổng Vàng có màu gì thế?
Mặc dù mọi du khách đều nói cây cầu màu đỏ, nhưng chính xác thì không phải thế.
Khi công trình còn đang xây dựng, lực lượng hải quân Mỹ nhìn ra mặt nước và họ muốn sơn cầu màu đen xen kẽ với vàng neon, nổi bật như một chú ong để gây chú ý với mọi phương tiện qua lại. Đây là tiết lộ của một thợ sơn từ ngày xưa ấy - ông Jarrod Bauer.
Nhưng đến khi người ta chở thép đến xây cầu, vô tình thế nào mà trên ấy lấm lem màu sơn đỏ nâu. Chi tiết này lập tức gây chú ý với vợ chồng kiến trúc sư Irving và Gertrude Morrow - những người chịu trách nhiệm chính của dự án.
Không phải màu đỏ...
Màu sắc ấy quá hoàn hảo, mang một vẻ đẹp cổ điển và nổi bật lên giữa trời nước xanh ngắt. Thế là cặp đôi quyết định mô phỏng gam màu đó. Họ đã thành công, sáng tạo nên loại màu gọi là International Orange (Màu cam quốc tế).
Nó gần giống màu của hợp chất hóa học Chì (II,IV) oxit, nghĩa là pha giữa cam với một chút đỏ tươi.
Ngay từ lúc quét sơn, màu sắc International Orange đã rất được công chúng yêu thích. Ông Brian Russell - kĩ sư từng tham gia xây dựng công trình kể lại: "Khi chúng tôi sơn cầu, rất nhiều người dân đứng hai bên quan sát và nhờ chúng tôi tô lên giày da hay áo khoác của họ nữa".
... mà là cam đỏ
Nói tóm lại, thật may mắn khi ý tưởng ban đầu là sơn màu đen xen vàng đã không được thực hiện. Thay vào đó, cây cầu khoác lên một màu cam nền nã pha chút sắc đỏ. Bạn có thể đọc thêm về công thức pha màu chính xác tại đây .
Ngày nay, một số chi tiết nằm phía trên Cầu Cổng Vàng được quét sơn lại mỗi năm để bảo vệ nó khỏi các tác động của môi trường, cũng như đảm bảo tính thẩm mĩ. Nhưng còn những phần khác thì đến 25 - 30 năm mới sơn lại một lần, cứ để thép trần chống chọi với mưa gió, xỉn đi cùng cây cầu hơn 80 năm tuổi.