Rồi chỉ một mạch đến tận nơi ông ở. Ông là Nguyễn Văn Chiến (Tám Nhơn), năm nay đã bước qua tuổi 90. Xung quanh mái tóc của ông, có nhiều chuyện thú vị, lạ lùng, ai nghe cũng tò mò, muốn biết thực hư.
Cứ cắt tóc là lăn ra ốm
Ông Tám Nhơn sống một mình trong căn nhà nhỏ chừng 20m2, sát bên con rạch có tên Ông Hổ, ấp Dầu, xã Đông Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây vừa là chỗ ăn ở, vừa là nơi ông tụng kinh, thờ cúng đạo Tứ ân hiếu nghĩa.
Búi tóc to, nặng đến khoảng 3 ký đã theo cụ Tám Nhơn mấy chục năm nay
Gặp ông Tám, tôi khá bất ngờ. Mặc dù năm nay đã bước qua tuổi 90 nhưng ông còn khá khoẻ mạnh, khuôn mặt dù nhiều đốm đồi mồi, nhưng vẫn hồng hào, tác phong nhanh nhẹn, nói chuyện lưu loát...
Điểm gây sự chú ý nhất của ông là một búi to tướng trên đỉnh đầu, bên trong chiếc khăn bằng vải nâu sồng, được người con gái “thửa” riêng cho ông để bảo vệ mái tóc dài bên trong.
Giống như bao người khác, tôi tò mò đến gần mái tóc ông Tám Nhơn nhìn cho kỹ, quả là đặc biệt. Mái tóc ông dù không tết nhưng vẫn bện chặt như sợi thừng. Một đoạn màu trắng bạc, đoạn khác lại có màu vàng óng.
“Cụ bắt đầu dưỡng tóc từ khi nào?”, tôi hỏi. Cụ Tám Nhơn im lặng giấy lát rồi kể: “Cha mẹ tôi có 3 người con, tôi thứ 3 (người Nam gọi anh cả là anh Hai - PV) sau tôi còn em trai.
Hiện anh hai đã mất, chỉ còn tôi và chú út, năm nay cũng đã 89 tuổi rồi, sống dưới ghe. Cả 3 anh em tôi hồi nhỏ đều để đầu 3 chỏm (đầu ba giá), đến khi 10 tuổi mới dưỡng tóc theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa.
Năm 17 tuổi, tóc tôi đã dài lắm rồi. Nhưng lúc đi học, thầy cô nói quá nên tôi về xin cha mẹ cho cắt. Khi vừa cắt tóc xong thì lăn ra bệnh.
Người cứ mềm oặt như cọng bún, đầu nhức, mắt hoa. Đi khám thầy lang, chẳng phát hiện ra bệnh gì, ổng đành chỉ cho thuốc bổ, thuốc an tịnh tâm về dùng để cải thiện ăn ngủ.
Nhưng chẳng ăn nhằm gì, bệnh vẫn không hết. Chuyện học hành lỡ dở từ đó. Rồi thời gian qua, tóc dài dần, bệnh cũng thuyên giảm. Tôi để ý, tóc càng dài tôi càng thấy trong người khoẻ hơn, tinh thần sảng khoái hơn.
Rồi một lần, tôi nằm võng ngủ trưa, mơ thấy có cụ già tóc dài như suối, về vuốt tóc tôi, bảo tóc dài đẹp lắm. Tôi giật mình dậy, kể cho cha nghe, cha bảo từ nay không được cắt tóc nữa. Kể từ đó, tôi không dám đụng đến mái tóc nữa”.
|
"Gia đình tôi tôi theo đạo Tứ ân hiếu nghĩa thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Một trong những quan niệm của đạo là da thịt, râu tóc trên cơ thể mình do cha mẹ tạo ra, nên không được đụng dao kéo. Nếu không sẽ bị coi là bất hiếu, bị quở phạt", ông Tám Nhơn.
“Tóc nhiều và dày như vậy, cụ có thấy khó chịu hay bất tiện không ạ?”, tôi hỏi. “Thời gian đầu, khi tóc mới bị bết lại tôi cũng cảm thấy khó chịu, vướng víu, nặng trĩu trên đầu. Còn bất tiện cũng có, nhưng chỉ với người ngoài không biết thôi, còn bà con quanh nhà đều biết lý do tại sao chúng tôi để tóc như vậy. Sau đó dần dần rồi cũng quen”, ông Tám Nhơn giải thích.
Tóc càng dài càng thọ?
Đó là câu hỏi mà nhiều người muốn được giải đáp, nhưng chưa có. Còn cụ Tám Nhơn khẳng định, sức khỏe của ông liên quan trực tiếp đến mái tóc.
Ông chỉ cần đưa lọn tóc ra trước, nhìn màu đuôi tóc thôi là ông biết sức khoẻ, tâm trạng của mình ngày hôm ấy có tốt hay không.
“Anh Hai tôi mất năm 92 tuổi, trước khi mất khoảng 3 năm, tôi thấy tóc ảnh đổi màu, rồi tự nhiên rụng dần. Tôi bảo điềm xấu. Chẳng ai tin, khi tóc rụng gần hết thì anh qua đời. Dù chẳng có bệnh gì", ông Tám Nhơn kể.
90 tuổi, cụ Tám Nhơn vẫn tự làm mọi việc, trừ gội đầu |
Trong số 7 người con của vợ chồng ông Tám Nhơn, người con trai thứ 4 tên Nguyễn Văn Lượm (Năm Lượm), năm nay 59 tuổi và bà Nguyễn Thị Bích Thủy, 54 tuổi, cũng có mái tóc dài hơn 1 mét và chưa từng cắt.
“Hồi xưa, mỗi lần gội đầu, cả mấy anh em ba tôi lại ngồi gỡ tóc ra để gội cho sạch, dễ chải, nhưng sau đó ai cũng bị giống nhau là chóng mặt, nhức đầu. Kể từ đó, mấy cụ chỉ gội phần sát da đầu và không gỡ đoạn tóc đã kết dính lại ra nữa.
Riêng ba tôi, nếu lỡ làm ướt toàn bộ phần đầu và đuôi tóc là lập tức bị cảm lạnh và mái tóc thì phải mất cả ngày hong, sấy mới khô. Hơn 30 năm qua, mỗi khi tắm, gội, cụ giữ cái “đuôi rồng” rất cẩn thận, không cho dính một hạt nước nào.
Tóc tôi mới được chừng mét rưỡi, so với cha thì chưa nhằm nhò gì. Tôi không biết khi cắt tóc đi có bị đau bệnh, đau đầu như cha không, vì sợ nên chưa từng cắt. Nhưng thấy tóc giống tóc cha lắm”, ông Năm Lượm cho biết.
Điều lạ là, dù mấy chục năm chưa hề có giọt nước nào tắm, gội, nhưng phần đuôi tóc của cụ Tám Nhơn vẫn rất sạch sẽ, như những mái tóc được gội định kỳ bình thường khác.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Tám Nhơn không những khoẻ mạnh, minh mẫn, mà còn không hề bệnh tật. Như lời ông Năm Lượm: “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa thấy ba đi bệnh viện bao giờ.
Cả bác và chú ruột cũng vậy. Hiện nay, cụ vẫn xỏ kim, may vá, đọc sách bình thường dưới đèn dầu mà không cần đeo kính”.
Cụ đọc sách không cần đeo kính |
Bà Thuỷ, con gái ông Tám Nhơn nói thêm: “Ba má tôi ăn chay trường xưa giờ. Hồi mẹ tôi còn, ông bà ăn ngày 2 bữa vào đúng 12 giờ trưa và 6 giờ chiều.
Năm 2010, mẹ tôi qua đời, ba chỉ còn ăn ngày 1 bữa vào lúc 12 giờ trưa. Mỗi bữa một chén (bát) cơm, dĩa rau luộc chấm nước tương, vậy là xong.
Ba vẫn tự làm mọi việc, tôi chỉ thay má phụ ba một việc duy nhất là mỗi tuần một lần, phụ ba giữ tóc, gội đầu”.
Nói về bí quyết sống khoẻ của cụ Tám Nhơn, ông Lê Văn Vân, cán bộ xã, đồng thời là hàng xóm thân thiết của gia đình cụ nói: “Chuyện mái tóc giúp các cụ sống thọ, không bệnh tật gì chưa biết đúng sai thế nao, nhưng có điều chắc chắn, các cụ sống thọ là nhờ ăn uống thanh đạm, điều độ, sống chan hoà, không tham, sân, si, tinh thần luôn nhẹ nhõm”.
Ông Năm Lượm, con trai thứ tư cụ Tám cũng có mái tóc giống cha |
"Tôi có nghe về trường hợp cụ Tám Nhơn bên Đông Hoà.
Theo tôi, đây là trường hợp đặc biệt. Lý do cụ để tóc dài là do gia đình cụ thờ Tứ ân hiếu nghĩa, đây không phải là một tôn giáo, mà chỉ là một tín ngưỡng văn hoá, đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của cha ông ta.
Tín ngưỡng này cũng nhiều người theo, nhưng không phải ai cũng để được mái tóc dài như các thành viên trong gia đình cụ Tám.
Còn chuyện cắt tóc đi là ốm đau, bệnh tật, theo tôi nó nghiêng về tâm lý nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp đặc biệt, cần có sự nghiên cứu của các chuyên gia", ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang.