“Là chị thì phải nhường em” - nỗi buồn khó chia sẻ của con cả trong nhà

Như Quỳnh |

Mọi người sinh ra đều bình đẳng, cả chị và em đều cần làm tròn trách nhiệm với cha mẹ, chị đối với em, giúp đỡ là tình thương, không giúp đỡ thì nó vốn là vậy...

01

Gia đình hạnh phúc thì đều giống nhau, nhưng gia đình không hạnh phúc lại bất hạnh theo nhiều cách riêng. Hôn nhân của cha mẹ ảnh hưởng tới hôn nhân của con cái, hạnh phúc có thể được di truyền, nỗi đau và bất hạnh cũng có thể được di truyền.

Cuộc sống của Lam thay đổi kể từ khi có em trai. Ngày còn nhỏ khi tới nhà ông bà nội chơi, bà nội thường không để ý cô, bà quý cậu em họ nhà chú hơn.

Lam không hiểu vì sao, cô hỏi bà, bà thở dài nói, ai bảo cháu không phải con trai…

Mặc dù mẹ cũng mong mình đẻ được con trai, nhưng khi chưa có em trai, ba mẹ vẫn đối xử rất tốt với Lam.

Năm cô 10 tuổi, em trai ra đời. Sau khi em ra đời, là chị, cô chăm sóc em, có đồ ăn ngon, mẹ sẽ luôn nói phải nhường em trước; nếu em trai không muốn chia sẻ đồ ăn với Lam, mẹ cũng sẽ nói như này: “Em còn nhỏ, con là chị, lúc nào cũng phải nhường em.”

“Là chị thì phải nhường em” - nỗi buồn khó chia sẻ của con cả trong nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Pinterest

Mặc dù rất muốn ăn, nhưng nghe mẹ nói như vậy, Lam chỉ đành ngoan ngoãn nghe lời: “Vâng, con không ăn, con nhường em ạ.”

Lam cũng chỉ là một đứa trẻ, cô ngoan ngoãn hiểu chuyện như vậy, cũng chỉ hi vọng ba mẹ thương mình hơn một chút…

02

Năm Lam sắp tốt nghiệp chuẩn bị thi đại học, mẹ nói với cô rằng con gái kiểu gì chẳng gả cho người ta, không cần đi học nữa, tiền để cất đi cho em, sau này nó đi học đại học sẽ dùng.

Lam từ bỏ cơ hội thi đại học, cô xin vào làm ở một công ty du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch. Lam rất thích du lịch, cô thích đi tới những nơi khác nhau ngắm nhìn những phong cảnh khác nhau, nghe những câu chuyện khác nhau. Làm hướng dẫn viên du lịch, vừa có thể ngắm cảnh đẹp, lại vừa kiếm được tiền, đúng là một công đôi việc.

Khoảng thời gian vài năm làm hướng dẫn viên, Lam tiết kiệm tiền mua một căn nhà cho mình, cô mua được một căn hộ nhỏ 40 mét vuông cho bản thân, dù phòng hơi nhỏ, nhưng dẫu sao thì ở thành phố, Lam cũng đã có một thứ thuộc về mình.

Sau khi em trai lên đại học, mẹ luôn gọi điện thoại nói Lam gửi sinh hoạt phí cho em trai, có tháng 3 triệu, có tháng 5 triệu.

“Là chị thì phải nhường em” - nỗi buồn khó chia sẻ của con cả trong nhà - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Pinterest

Khoảng thời gian đó vì công việc thuận lợi, dẫn được nhiều tour nên dù tiền sinh hoạt cho em có hơi nhiều một chút, cô cũng không kêu ca.

Sau vài năm làm hướng dẫn viên, Lam thấy mình ngày càng lớn tuổi, không đủ sức để đi lại nhiều nơi nên cô quyết định xin một công việc văn phòng để làm.

Lúc này, em trai bắt đầu yêu đương, ba mẹ bắt đầu nghĩ tới chuyện gom tiền mua cho một căn nhà. Mẹ thì luôn nghĩ rằng nên mua đứt căn nhà cho em trai, để sau này em trai không phải chịu gánh nặng tiền nhà nữa, sẽ đỡ vất vả hơn.

03

Mẹ tìm đến Lam hỏi chuyện tiền nong, Lam nói không có, muốn trả một lần cho xong căn nhà, lấy hết tiền tiết kiệm, hưu trí của ba mẹ ra cũng còn thiếu gần một nửa.

Ý của Lam là ba mẹ có thể trả trước khoản đầu, sau đó để cho em trai trả tiền nhà theo tháng, đàn ông con trai, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc gia đình, không nên quá chiều em như vậy.

Nghe xong những lời nói đó của Lam, mẹ đùng đùng mắng cô, nói cô là chị cả mà không biết thương em, nói cô không giúp em thì thôi còn làm khó em.

Mẹ biết Lam không có nhiều tiền nên ép cô bán căn hộ hiện tại của mình để lấy tiền mua nhà cho em trai, mẹ nói con gái rồi cũng gả cho người ta, mua nhà để làm gì, sau này kết hôn, đằng trai có nhà là được rồi.

Lam không đồng ý, vất vả bao nhiêu năm mới mua được nhà, cô không muốn bán, nó có nhỏ thì nó cũng là nhà của mình, ai nói phụ nữ trước khi lấy chồng không được tự mua cho mình một căn nhà.

Nhưng cuối cùng, Lam cũng không còn cách nào khác, nghĩ đến ba mẹ, cô vẫn phải bán căn nhà nhỏ của mình để có tiền cho em trai mua nhà.

Lam lại quay trở lại cuộc sống thuê nhà sống qua ngày. Cô rất buồn, cùng là con của bố mẹ, nhưng chị thì bắt buộc phải chăm lo cho em, thậm chí phải hết lòng giúp đỡ em, dù có phải hi sinh hạnh phúc của bản thân để giúp em thì trong mắt bố mẹ, đó cũng là điều đương nhiên.

Lam tự nhủ, đây sẽ là lần cuối cùng cô giúp em trai của mình.

“Là chị thì phải nhường em” - nỗi buồn khó chia sẻ của con cả trong nhà - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Pinterest

04

Sau khi bán nhà lấy tiền mua nhà cho em, Lam sống được vài năm yên ổn. Lúc em trai kết hôn, đằng gái yêu cầu một món tiền sính lễ khá lớn mới đồng ý kết hôn.

Mẹ lại gọi điện khóc lóc với Lam, nhờ cô giúp em. Khoảnh khắc đó Lam mới nhận ra rằng, trong mắt mẹ, dù cô có giúp đỡ em trai ra sao thì đó cũng là lẽ tự nhiên, nó sẽ không bao giờ có điểm dừng, bởi lẽ, cô là “chị”.

Góp tiền mua nhà cho em là chưa đủ, tiền sính lễ của em, con là chị, con cũng phải nghĩ cách, đó là logic của ba mẹ.

Lúc đó công ty vừa tổ chức du lịch, là miễn phí, lúc mẹ gọi điện qua nói Lam giúp đỡ em, cũng biết được tin là Lam chuẩn bị đi du lịch.

Biết tin xong, mẹ mắng: “Sao con vô tâm thế hả con, em trai thì đang đau đầu không có tiền sính lễ, con thì vẫn có tiền mà đi du lịch.”

Lam thở dài nói: “Đều là con của mẹ, em thì được bố mẹ mua cho cả một cái nhà, con thì phải tự mình mua một căn hộ nhỏ, thế nhưng cũng phải bán đi để giúp em. Em kết hôn không có tiền sính lễ, là chị thì phải giúp em, tại sao vậy? Em đã bao giờ giúp con được lần nào chưa? Lần này đi du lịch là công ty bao, con đâu phải bỏ ra đồng nào đâu. Kể từ lúc tốt nghiệp cấp ba đến giờ, con đều tự dựa vào sức mình để có cuộc sống như hôm nay, còn em thì luôn luôn được bố mẹ bao bọc giúp đỡ, mẹ có biết là mẹ làm vậy là đang hại em hay không? Lần này con nói không giúp là không giúp, con cũng không có tiền để giúp!”.

“Là chị thì phải nhường em” - nỗi buồn khó chia sẻ của con cả trong nhà - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Pinterest

Người mẹ chưa bao giờ nghĩ rằng cô con gái trước giờ rất hiểu chuyện của mình lại nói ra những lời như vậy. Có thể những lời nói đó mới có thể khiến người mẹ nhận ra rằng mình đối xử với hai chị em khác biệt như thế nào.

Sau đó mẹ không gọi điện cho Lam hỏi chuyện tiền sính lễ cho em trai nữa. Lam cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn, kể từ bây giờ, cô sẽ chỉ sống vì mình, dù người nhà có tìm sự giúp đỡ thì cũng cần có cái độ, có giới hạn, cô sẽ không để mọi chuyện đi quá ranh giới nữa.

Lời kết

Mỗi người đều đóng một vai trò khác nhau trong xã hội, và mỗi vai trò thể hiện những trách nhiệm và nhiệm vụ khác nhau.

Đối với những người bình thường, ba đóng vai ba, mẹ đóng vai mẹ, chị đóng vai chị, em đóng vai em.

Còn trong nhà của Lam, vì ba mẹ trọng nam khinh nữ, chị gái gần như đóng vai ba mẹ, còn em trai thì đóng vai người nhu nhược.

Có thể nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng yêu con là phải đối xử tốt với con hết mực, chuẩn bị mọi thứ cho con, giúp con mua nhà, chuẩn bị quà cưới cho con, để con bớt áp lực về kinh tế, mà không biết rằng làm vậy là đang âm thầm hại con.

Và ngay cả trong chuyện tình cảm, trong các mối quan hệ, mọi thứ cũng đều cần có nguyên tắc, có giới hạn nhất định, khả năng phân biệt đúng sai cũng vô cùng quan trọng.

Không có lý do gì để lấy em ra làm cái cớ để trói buộc chị, không có lý do gì để câu nói “Con là anh/là chị thì phải giúp em” trở thành điều hiển nhiên.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng, cả chị và em đều cần làm tròn trách nhiệm với cha mẹ, chị đối với em, giúp đỡ đơn giản là tình thương, không phải là nghĩa vụ...

Theo QQ


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại