Tuy nhiên, Reuters nhận định không phải ai cũng nghĩ thế. Cũng theo hãng tin này, từ những năm 1980 đến nay, Mỹ đã chi hơn 200 tỉ USD để phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nhiều lớp - cả trên biển và đất liền - nhưng vẫn chưa "bọc kín" được hoàn toàn nước Mỹ trước một cuộc tấn công bằng ICBM từ Triều Tiên.
Cụ thể, hệ thống Aegis - triển khai trên tàu chiến và đất liền - đạt tỉ lệ thử thành công 83% và hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được 100%. Tuy nhiên, hệ thống Phòng thủ Đánh chặn trên mặt đất (GMD) - chịu trách nhiệm bảo vệ lục địa Mỹ trước ICBM, với mạng lưới gồm nhiều bộ cảm biến, radar và 36 tên lửa đánh chặn bố trí ở Alaska và California - đã thất bại 3 trong số 5 lần thử nghiệm. Ngay cả 2 lần thành công cũng là theo kịch bản có sẵn.
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 5-7, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cảnh báo Mỹ sẵn sàng dùng vũ lực để tự bảo vệ mình và đồng minh nhưng Washington nghiêng về phong tỏa thương mại hơn.
Theo AP, tuy bà Haley không cung cấp chi tiết song bà nhấn mạnh nếu đoàn kết, cộng đồng quốc tế có thể cắt đứt các nguồn ngoại tệ mạnh của Triều Tiên, hạn chế nguồn dầu cho quân đội và chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, tăng cường phong tỏa trên không và trên biển, hạn chế công nhân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài...
Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tính toán mở rộng trừng phạt đối với các nước và các công ty giao thương với Triều Tiên, theo báo Los Angeles Times. Đây có thể xem là thông điệp dành cho Trung Quốc, nước chiếm đến 90% giao dịch thương mại với Triều Tiên.
Trong dấu hiệu cho thấy sự kiên nhẫn với Bắc Kinh đang cạn dần, ông Donald Trump phàn nàn trên Twitter hôm 6-7: "Giao dịch giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng gần 40% trong quý I năm nay". Đài ABC News dẫn lời bà Haley cảnh báo Bắc Kinh có nguy cơ mất cơ hội làm ăn với Mỹ nếu các hợp đồng kinh doanh của Trung Quốc với Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.