Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ đi đến đâu?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

So với lời lẽ trong danh sách 13 điều kiện trao cho Qatar ngày 22/6 vừa qua - được coi như một tối hậu thư không thể đàm phán, thì tuyên bố Cairo ngày 6/7 đã ôn hòa hơn nhiều.

Tuyên bố Cairo về Qatar đã "dịu" hơn nhiều

Sau khi nhận được thư trả lời của Qatar về 13 điều kiện của Ả rập Xê út, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai cập, ngày 5/7/2017, Bộ trưởng Ngoại giao của bốn nước này đã họp tại thủ đô Cairo của Ai cập để bàn các biện pháp tiếp theo đối với Qatar.

Hội nghị đã ra một bản Tuyên bố chung 6 điểm và tối hôm sau 6/7/2017 lại ra tiếp một Tuyên bố chung nữa với nội dung tương tự, chủ yếu nhắc lại những tố cáo Qatar tài trợ các tổ chức khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ các nước vùng Vịnh.

Các đòi hỏi trước đây được đưa lên hàng đầu như hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đóng cửa kênh truyền thông Al-Jazeera đã không được nhắc tới.

Tuyên bố 6/7/2017 còn cho rằng 13 điều kiện đưa ra trước đây cho Qatar không còn giá trị nữa vì đã hết thời hạn Qatar phải đáp ứng. Đặc biệt, các nước này đã tránh dùng những lời lẽ gây căng thẳng mà chỉ bày tỏ lấy làm tiếc và cho rằng bức thư trả lời của Qatar không đáp ứng các điều kiện của họ là tiêu cực.

Trái với dự đoán của nhiều người, Hội nghị Cairo đã không đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Qatar. Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập Xê út Adel Al-Juber cho biết "các nước này sẽ thực hiện các bước đi mới với Qatar vào thời điểm thích hợp".

Không có nước nào dự hội nghị nêu vấn đề đình chỉ tư cách thành viên của Qatar trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC cũng như trong Liên đoàn Ả rập (AL).

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ đi đến đâu? - Ảnh 1.

Mỹ được coi là nhân tố tác động chính tới sự "dịu giọng" của tuyên bố Cairo.

Các Bộ trưởng tham gia hội nghị tuyên bố các biện pháp cấm vận Qatar sẽ tiếp tục được duy trì như hiện nay và hội nghị sắp tới sẽ được tổ chức tại thủ đô Manama của Bahrain, nhưng vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể.

So với lời lẽ trong danh sách 13 điều kiện trao cho Qatar ngày 22/6 vừa qua - được coi như một tối hậu thư không thể đàm phán, Qatar phải chấp nhận trong vòng 10 ngày, và những tuyên bố của một số lãnh đạo của các nước cấm vận đe dọa sẽ đoạn tuyệt và áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với Qatat, thì giọng điệu của Tuyên bố Cairo ôn hoà hơn nhiều.

Sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế đã giúp Qatar?

Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị tại Trung Đông cho rằng, thái độ kiên quyết của Qatar không chấp nhận những điều kiện "phi thực tế" của bốn nước cấm vận đưa ra, cộng đồng quốc tế tỏ thông cảm với Qatar, ủng hộ quan điểm giải quyết cuộc khủng hoảng bằng thương lượng hoà bình là một sức ép lớn và là nhân tố tác động đến kết quả của hội nghị Cairo.

Chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ xem xét lại các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá 500 tỷ đô la cho Ả rập Xê út nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết.

Trước khi Hội nghị Cairo khai mạc, từ trên máy bay trên đường đi châu Âu dự Cấp cao G-20, Tổng thống Mỹ D. Trump đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Ai cập Abdul Fatah El-Sisi kêu gọi cần giải quyết sớm cuộc khủng hoảng bằng đối thoại hoà bình, tập trung thực hiện tuyên bố Ryadh ngày 22/5/2017 về chống khủng bố.

Có ý kiến cho rằng, Tuyên bố Cairo tránh thông qua các biện pháp gây căng thẳng mới là do sức ép của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ.

Ngay sau khi hội nghị Cairo ra tuyên bố, lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập Abu Gheit, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp.....đã lên tiếng ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bằng đối thoại trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.

Cùng với cố gắng của Kuwait và một số nước, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman đã đến các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Kuwait và Qatar để thảo luận cuộc khủng hoảng và khả năng Liên hợp quốc giúp đỡ giải quyết các bất đồng giữa các nước vùng Vịnh.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ đi đến đâu? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed Bin Abdul Rahman Al-Thani cũng khẳng định lại sẵn sàng đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tuyên bố Cairo ngày 5/7 với những lời lẽ dịu hơn so với danh sách 13 điều kiện ngày 22/6 có thể đem lại một tia hy vọng nào đó theo hướng làm dịu tình hình, nhưng chưa thể nói lên được điều gì.

Không ai có thể tiên đoán được bốn nước cấm vận Qatar sẽ hành động như thế nào trong những ngày tới và họ sẽ đưa ra những quyết định gì tại hội nghị Manama.

Với cố gắng trung gian hoà giải của Quốc vương Al-Sabah Ahmed Al-Sabah của Kuwait, với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng bằng đối thoại hoà bình, hy vọng tình hình sẽ dần dần đi theo chiều hướng tích cực hơn, các bên liên quan sẽ tìm ra giải pháp hợp tình, hợp lý cho cuộc xung đột, bảo đảm lợi ích chính đáng của mỗi nước, vì hoà bình, anh ninh và ổn định ở khu vực vùng Vịnh và Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại