Kyrgyzstan và Tajikistan: Khi thoả thuận ngừng bắn bị phớt lờ

Vũ Anh Tuần |

Hôm 16/9, những cuộc giao tranh giữa Kyrgyzstan và Tajikistan tiếp diễn bất chấp việc lãnh đạo hai nước đã gặp nhau và ra lệnh cho lực lượng quân sự rút khỏi cuộc xung đột ở biên giới.

Bản đồ Kyrgyzstan và Tajikistan. Đồ họa: al Jazeera.

Bản đồ Kyrgyzstan và Tajikistan. Đồ họa: al Jazeera.

Vụ giao chiến mới nhất làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái hiện cuộc xung đột nữa giữa hai nước từng thuộc Liên Xô như năm ngoái khiến hơn 50 người thiệt mạng.

Theo thông báo của Kyrgyzstan, phía Tajikistan nổ súng vào lính biên phòng Kyrgyzstan đồng thời sử dụng súng cối, xe tăng và xe bọc thép để bắn phá các vị trí của nước này. Kyrgyzstan cũng cáo buộc, lực lượng biên phòng Tajikistan nhắm bắn một sân bay gần biên giới và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự.

Ông Kamchybek Tashiev, người đứng đầu ủy ban quốc gia Kyrgyzstan về an ninh quốc gia cho biết thêm: "Với những xung đột đang diễn ra giữa hai bên sẽ rất khó đoán những gì xảy ra trong ngày mai. Không ai có thể đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Hiện chúng tôi đã cho sơ tán 18.000 người tại khu vực Batken”.

Bộ Y tế Kyrgyzstan thông báo, các cuộc đụng độ ở biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan vào hôm qua (16/9) đã khiến 2 người thiệt mạng và 55 người khác bị thương, phải nhập viện. Trong khi đó, phía Tajikistan có 1 dân thường thiệt mạng và 3 người bị thương.

Xung đột leo thang giữa lúc lãnh đạo hai nước đang có mặt tại Uzbekistan để dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trong cuộc gặp hôm qua, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon đồng ý ra lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực.

Những cuộc đụng độ giữa Tajikistan và Kyrgyzstan khiến dư luận lo ngại. Năm 1991, Tajikistan và Kyrgyzstan cùng là hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, do đó biên giới giữa hai nước chủ yếu mang tính chất quản lý hành chính. Sau khi tách ra vào năm 1991, hai nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhưng chưa thể phân định hoàn toàn đường biên giới.

Xung đột tại khu vực biên giới vào năm ngoái đã khiến hơn 50 người thiệt mạng. Ngoài ra, cũng giống như phần lớn các nước thuộc Liên Xô cũ, các vùng đất của nước này thường có những dân tộc từ nước khác sinh sống. Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của bên thứ ba mới có thể ngăn chặn các cuộc xung đột đi xa hơn nữa bằng cách thiết lập một khu phi quân sự trong khu vực.

Làn sóng bạo lực mới nhất giữa Kyrgyzstan và Tajikistan làm dấy lên quan ngại về một cuộc xung đột toàn diện, gây bất lợi cho sự ổn định của khu vực, Nga đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai nước, đồng thời kêu gọi các bên có biện pháp khẩn cấp nhằm chấm dứt chiến sự.

EU cũng kêu gọi Kyrgyzstan và Tajikistan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao, hòa bình. Bên cạnh đó, EU cũng nhắc lại đề nghị cung cấp viện trợ và khẳng định sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ chính trị cho sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại