Hình ảnh minh họa về tin tặc.
Người phát ngôn Cảnh sát Indonesia, ông Ade Yaya Suryana, ngày 16/9 cho biết nghi phạm có biệt danh “MAH” đã bị bắt và thẩm vấn tại khu vực Madiun thuộc tỉnh Đông Java hôm 14/9. Nghi phạm này bị cáo buộc dính líu tới hoạt động của tin tặc “Bjorka”.
Trước đó, “Bjorka” tuyên bố xâm nhập vào hệ thống thư tín của Tổng thống Indonesia và đánh cắp gần 680.000 tài liệu, gồm cả một số thư tín của Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN).
Theo điều tra ban đầu, “MAH” sử dụng một tài khoản Telegram để giúp tin tặc “Bjorka” truyền tải các thông điệp đe dọa phát tán dữ liệu của chính phủ. Cảnh sát cho rằng động cơ của “MAH” là giúp “Bjorka” trở nên nổi tiếng và có thể kiếm tiền từ các dữ liệu đánh cắp. Cảnh sát đã thu giữ một số bằng chứng gồm SIM điện thoại, 02 chiếc di động và thẻ căn cước của “MAH”. Tuy nhiên, nghi phạm “MAH” chưa bị giam giữ vì đang hợp tác với cơ quan điều tra.
Chính phủ Indonesia đã lên tiếng xác nhận vụ rò rỉ dữ liệu song khẳng định các dữ liệu không chứa đựng thông tin mật; đây chỉ là các thông tin cơ bản có thể tiếp cận từ nhiều nguồn khác. Mặc dù vậy, Chính phủ Indonesia vẫn thành lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành gồm Cảnh sát quốc gia; Bộ Điều phối Các vấn đề chính trị, luật và an ninh; Bộ Thông tin và Truyền thông, Cơ quan An ninh mạng và Tiền điện tử (BSSN); Cơ quan Tình báo Quốc gia (BIN) để điều tra, xác minh vụ việc.
Thời gian qua, Indonesia đối mặt với hàng loạt vụ nghi vấn rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng như rò rỉ dữ liệu của hơn 105 triệu công dân; rò rỉ thông tin cá nhân của 1,3 triệu người dùng ứng dụng theo dõi Covid-19; rò rỉ dữ liệu y tế của 6 triệu bệnh nhân… Cảnh sát Indonesia yêu cầu người dân thận trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, không phát tán bất hợp pháp các dữ liệu cá nhân. Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani kêu gọi lập tức kiểm tra hệ thống an ninh thông tin của tất cả cơ quan chính quyền, đồng thời cho biết Hạ viện nước này đang xem xét sớm thông qua Dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân ./.