Làng Đắk Re, xã Đắk Na, nằm phía Tây Bắc huyện Đắk Tô (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông) tỉnh Kon Tum, hướng về đỉnh Ngọc Linh cao ngất mù sương.
Ở đó, năm 1945 trong một gia đình Xê- đăng nghèo khổ nhưng vẫn âm thầm hoạt động giao liên cho cách mạng, là vợ chồng ông A Đức và bà Y Bla, sinh được một con gái nhỏ nhắn dễ thương có nước da màu nâu đất, mái tóc xoăn. Đứa bé được đặt tên Y Buông.
Lớn lên trong cái nôi cách mạng giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, 13 tuổi, cô bé Y Buông đã nổi tiếng là một “thủ lĩnh liên lạc thiếu niên” gan dạ thuộc từng ngóc ngách nơi rừng sâu núi thẳm, đưa đường cho cán bộ vào vùng tạm chiếm hoạt động.
Năm 1960, Y Buông gia nhập lực lượng vũ trang của huyện. Với bản tính chăm chỉ, nhanh nhẹn chị được giao nhiệm vụ nuôi quân.
Năm 1965, chị được điều về làm nhiệm vụ nuôi quân ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum). Đây là đơn vị chiến đấu mới được thành lập trong chiến trường, phải thường xuyên cơ động, di chuyển trong tầm pháo địch qua những vùng núi cao, suối sâu thuộc các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi.
Y Buông luôn bám sát đơn vị. Lúc bộ đội chiến đấu ở tuyến phòng ngự, chị lùi phía sau. Một mình chị đào bếp, kiếm củi, nấu cơm. Cơm chín là cho vào gùi, nước uống đựng trong các ống lồ ô, gùi lên trận địa. Chị phải vượt qua nhiều dốc cao, qua 3 đến 4km để phục vụ cơm nóng sốt dẻo cho 80 cán bộ chiến sỹ.
Chị thương bộ đội lắm, cứ sợ mình nấu cơm sống hoặc cháy khê thì các đồng chí ăn được ít, không có sức để chiến đấu nên bao giờ cũng nấu thật khéo.
Có thời kỳ địch đánh phá ác liệt, lương thực không đến được với chiến trường, một mình chị ngày đêm vào rừng vượt qua các ổ phục kích của địch để đào củ mài, môn thục, hái rau rừng, xuống suối bắt cá, bắt ốc đảm bảo bữa ăn cho anh em trong đơn vị.
Nhiều khi thương anh em vất vả chị còn nhường khẩu phần ăn của mình cho đồng đội, còn mình nhịn đói hoặc ăn rau rừng trừ bữa. Ngoài việc khắc phục khó khăn đảm bảo bữa ăn hàng ngày, Y Buông còn tìm cách nuôi lợn, gà cung cấp thêm mỗi năm hơn 3 tạ thịt và hàng trăm con gà, góp phần cải thiện bữa ăn, bồi dưỡng cho bộ đội để tăng thêm sức chiến đấu.
Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Y Buông. Ảnh Hội LHPN tỉnh Kon Tum.
Làm nhiệm vụ hậu cần phục vụ đơn vị chiến đấu, thường xuyên phải hành quân cơ động vô cùng vất vả. Nhiều khi chị phải hành quân 5, 6 đêm liền. Vật dụng nhà bếp gồm nồi xoong, bát đũa, gạo, muối, thức ăn… tính ra cũng vài chục kg, được chị đeo trên lưng, quàng dây quấn quanh người “cùng hành quân” theo bộ đội.
Những lúc đơn vị dừng chân chị lại đi đào bếp, kiếm củi, nấu cơm. Chiến trường dù ác liệt đến mấy, bếp của đơn vị do chị phụ trách lúc nào cũng đỏ lửa, vẫn có cơm, có rau, chẳng bao giờ Y Buông để anh em đứt bữa. Đối với chị, nuôi quân là một nhiệm vụ hết sức cao cả và thiêng liêng, bộ đội no bụng yên tâm chiến đấu là chị vui.
Không chỉ nuôi quân, đã rất nhiều lần, chị Y Buông trực tiếp tham gia vào các trận đánh của đơn vị. Năm 1967, trong lúc anh em đi tải gạo, ở lán chỉ còn 3 thương binh, chị và 1 chiến sĩ khác do Đại đội trưởng Hòe phụ trách.
Lúc đó, hơn 10 tên địch tập kích bất ngờ, Y Buông đã kịp thời giấu nồi cơm, dụng cụ cấp dưỡng và ba lô của anh em vào vị trí bí mật, sau đó cùng Đại đội trưởng Hòa chiến đấu với địch. Chị đã dùng lựu đạn tiêu diệt 3 tên địch.
Những tên còn lại tìm đường bỏ chạy, bị Y Buông dùng súng cạc-bin tiêu diệt 1 tên. Chuyện của nữ chiến sĩ nuôi quân tiêu diệt 4 tên địch đã lan tỏa khắp các đơn vị, làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường Tây Nguyên.
Vào khoảng cuối năm 1968, địa điểm trú quân của Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 bị địch phát hiện. Chúng nã pháo dữ dội vào chỗ ở của đơn vị, sau đó cho máy bay lên thẳng đổ các toán biệt kích xuống lùng sục.
Lúc này chị vừa nấu cơm xong, thay vì phải chạy vào hầm trú ẩn, như một phản xạ tự nhiên, chị đã nhoài người lấy thân mình che cho nồi cơm cho đến khi không còn tiếng pháo. Khi anh em trong đơn vị trở về, chị và nồi cơm đều bị đất vùi, mọi người phải bới chị từ trong đất lên, nồi cơm thì vẫn còn nguyên vẹn, không một tí đất lọt vào.
Tất cả mọi người nhìn chị, ai nấy đều cảm động và hỏi chị sao lại làm như vây? Chị khiêm nhường giảng giải:
“Tui che nồi cơm để đạn pháo, đất đá không trúng vào nồi cơm, để còn cái nồi nấu cơm và còn cơm cho anh em ăn. Nếu đạn có trúng vào tui, dẫu có hy sinh thì còn... cái nồi, có người khác nấu cơm thay. Mình phải lo cho bộ đội, nếu bộ đội đói cái bụng, ai là người đánh giặc. Mình thương anh em lắm!”
Nồi cơm mà chị lấy thân mình che giữ hôm ấy đã đến được điểm chốt. Cầm bát cơm trên tay, anh em trong đơn vị ai nấy đều cảm động. Nồi cơm như tiếp thêm sức mạnh cho Đại đội 1 chiến đấu. Nhiều trận đơn vị đã đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch, tiêu diệt hàng trăm tên, buộc chúng phải rút chạy. “Nồi cơm huyện thoại” có gốc tích từ đấy.
Bát tô và muôi canh của nữ anh hùng Y Buông trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam. Ảnh BTHC.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968, địch khủng bố, càn quét quyết liệt, chúng sử dụng bom đạn đánh chặn ác liệt các đường tiếp tế từ đồng bằng lên vùng căn cứ ở Tây Nguyên, dùng thám báo, biệt kích đốt phá các kho tàng nhằm “bịt đường sống” của các lực lượng vũ trang.
Âm mưu thâm độc của chúng khiến công việc của Y Buông trở nên khó khăn, vất vả hơn, chị phải dành nhiều thời gian tìm kiếm thức ăn, cùng anh em tăng gia, cải thiện bữa ăn. Mỗi khi thấy một đồng đội bị thương hoặc hy sinh, Y Buông khóc rất nhiều. Với Y Buông tất cả anh em đồng đội là những người ruột thịt thân yêu.
Đối với anh em bị thương, Y Buông hết lòng chăm sóc. Bát cháo nóng của Y Buông đã giúp anh em giảm bớt sự đau đớn, vết thương như mau lành hơn. Nồi cơm “huyền thoại” của chị Y Buông đã góp phần làm nên chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Với công việc bình dị, lo nồi cơm cho chiến sĩ của Y Buông đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, chí khí đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trải qua những năm tháng nuôi quân ở chiến trường, trên ngực áo của chị lấp lánh những tấm huân, huy chương cao quý.
Đó là Huân chương kháng chiến, Huân chương giải phóng. Đặc biệt, ngày 20/12/1973, Y Buông đã vinh dự được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Chị cũng là người dân tộc Xê Đăng đầu tiên ở Kon Tum được tặng thưởng danh hiệu cao quý này.
Y Buông tiếp tục làm công tác nuôi quân đến năm 1973 thì được tổ chức đưa ra Thái Nguyên học thêm văn hoá và bồi dưỡng chính trị tại Trường Dân tộc Trung ương, tháng 9/1975 được vào Đà Lạt nghĩ dưỡng, một tháng sau về phục vụ tại trường Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ).
Năm 1976, Y Buông được bầu Đại biểu Quốc hội Khoá IV - Khoá đầu tiên khi nước nhà thống nhất, đại diện cho đông đảo bà con Đắk Tô nói riêng, KonTum - Tây Nguyên nói chung nói lên những nguyện ý của buôn làng.
Năm 1977, khi đang phục vụ tại trường Quân sự tỉnh, thấy tiêu chuẩn ăn của học viên còn thiếu kém, Y Buông lại lặn lội vào khu rừng le ven thị xã Kon Tum (gần trường) đào hái măng rừng để kiếm thêm tô canh tươi cho anh em. Thật không may, chị giẫm phải mìn “cóc” của địch ngày trước còn sót lại. Chị bị mất một chân và trở thành thương binh sau cuộc chiến!
Tháng 11 năm 1996, chị được vinh dự về dự Hội nghị “Nuôi quân giỏi, quản lý tốt” toàn quân lần thức 2. Mặc dù việc đi lại khó khăn, phải ngồi trên xe lăn nhưng chị đã đến thăm Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chị nói trong xúc động: “Chiếc nồi ngày trước đưa vào trưng bày ở Bảo tàng Kon Tum, tôi chỉ dành được hai thứ này; bát tô và muôi canh - kỷ vật thời đánh Mỹ để tặng bảo tàng. Nó gắn với tôi suốt hàng chục năm trời làm nhiệm vụ nuôi quân phục vụ bộ đội đánh giặc”./.