Ký ức về một thời bán máu mua thuốc cho chồng của người đẹp sân khấu cải lương Ngọc Đáng

Hoàng Dung - Lê Nguyễn |

Những thế hệ khán giả năm ấy ai mà không biết đến tên tuổi cô đào Ngọc Đáng "làm mưa làm gió" sân khấu cải lương. Đặc biệt là những năm tháng cô ấy làm bầu gánh hát Ngọc Kiều, đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Hùng Cường. Thế mà "hồng nhan bạc phận"...

Là con nhà nòi đời thứ 4 theo nghiệp cầm ca, Ngọc Đáng, người nghệ sĩ lão làng trong dòng nhạc cải lương lừng danh một thời với những vai diễn đa tính cách. 

Bà đã đóng góp lớn cho sự phát triển của dòng nhạc này ở những thập niên 70 bằng việc đỡ đầu cho những tên tuổi lớn như NSND Ngọc Giàu, NS Hùng Cường, NS Thanh Sang… Nay Ngọc Đáng đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà nương tựa tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM và luôn hoài vọng về một thời rực rỡ.

Từng "làm mưa làm gió" trên sân khấu cải lương

Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với nghệ sĩ Ngọc Đáng là bà có giọng nói hào sảng, khuôn mặt phúc hậu ánh lên vẻ đằm thắm. Tuy tuổi đã cao, nhưng nghệ sĩ vẫn còn khỏe, đi đứng khá nhanh nhẹn. 

Hơn 10 năm nay, nghệ sĩ Ngọc Đáng cũng giống như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác đang sống đạm bạc trong Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM khiến nhiều người phải xót xa.

Khi tôi hỏi điều đó thì trong sâu thẳm ánh mắt bà hiện về biết bao nỗi niềm. Bà nói: "Chúng tôi đã từng rất trẻ, cống hiến say mê. Nhưng đã mang nghiệp cầm ca thì phải  biết trước được cái bạc bẽo của nó. 

Xưa miệng lưỡi người đời thường nói đó là cái nghề "xướng ca vô loài". Nhưng họ có thấu được sau ánh hào quang sân khấu, tẩy rửa hết lớp phấn son trên mặt thì những cô đào, kép chánh sống cuộc sống khổ cực như thế nào. Để đem lại những vở diễn từng đêm mua vui cho khán giả, chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt mặn đắng".

 Ký ức về một thời bán máu mua thuốc cho chồng của người đẹp sân khấu cải lương Ngọc Đáng  - Ảnh 2.

Con cái thành tài, nhà cửa ổn định nhưng nghệ sĩ Ngọc Đáng lại vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM sống vì "nhớ nghề"

Lời kể của người nghệ sĩ đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về với những năm tháng đằng đẵng sinh ra, lớn lên và hoạt động nghệ thuật của bà. Ngọc Đáng được sinh ra trong gia đình 4 đời theo nghiệp cải lương. Từ thưở lọt lòng, cô bé đã theo bố mẹ rong ruổi khắp nơi ca hát. Sẵn máu nghệ sĩ trong người nên từng lời ca, điệu nhạc cải lương đã khiến cô bé mê mẩn.

Mới vài tuổi đầu, Ngọc Đáng đã bộc lộ khả năng ca hát nổi trội. Cũng chính vì bố mẹ, ông bà đều theo nghiệp cầm ca nên họ biết trước cái bạc bẽo, khổ cực của nghề mà ra sức cấm cản Ngọc Đáng.

Dẫu vậy, mặc những lời can ngăn, cô bé Ngọc Đáng đã dứt áo ra đi khi mới 10 tuổi đầu. Em rong ruổi theo đoàn hát khắp các tỉnh thành từ nam ra bắc, chịu biết bao cay đắng buổi đầu vào nghề. Không lâu sau, với năng khiếu bẩm sinh cộng thêm kinh nghiệm học hỏi đã đem đến thành công cho Ngọc Đáng.

15 tuổi, Ngọc Đáng đã trở thành đào chánh nổi tiếng trên sân khấu đoàn Năm Châu. Nay hỏi đến những vở diễn mình đã thủ vai, nghệ sĩ Ngọc Đáng cười ái ngại nói: "Ngày xưa diễn một đêm phải mấy vở cải lương. Nhiều quá tôi cũng không còn nhớ nỗi. Nhưng tôi tâm đắc nhất là bài "Làng tôi", nay tôi vẫn thường hát lại cho nhiều người nghe".

Thời đó, nghệ sĩ Ngọc Đáng được nhiều ký giả kịch trường của các tòa soạn báo tung hô là cô đào có chất giọng ngọt ngào, thu hút người nghe. 

Hơn nữa, vẻ đẹp của cô được ví "hơn người" với làn da trắng, khuôn mặt trái xoan thánh thiện, mũi cao… Ấn tượng nhất là nụ cười tươi tỏa nắng và vóc dáng thiếu nữ thanh tao. Vẻ bề ngoài đến "hớp hồn" đó đã khiến nhiều đoàn hát phải săn đón, khán giả mê đắm ngắm nhìn.

Giữa chừng câu chuyện, bất chợt một nghệ sĩ chừng 70 tuổi, thường trực trong ban quản lý nơi này đi từ phía xa tới cười tươi dí dỏm giới thiệu: "Ngày xưa, cô Ngọc Đáng đẹp lắm. Những tấm biển quảng cáo treo hình cô khắp Sài thành. Đêm nào biết cô diễn là người ta ùn ùn kéo nhau mua hết sạch vé, dẫm chân lên nhau mà đứng.

Những thế hệ khán giả năm ấy ai mà không biết đến tên tuổi cô đào Ngọc Đáng "làm mưa làm gió" sân khấu cải lương. Đặc biệt là những năm tháng cô ấy làm bầu gánh hát Ngọc Kiều, đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Hùng Cường. Thế mà "hồng nhan bạc phận", nay già cả chẳng còn ai nhớ tới công lao của cô".

Bà bầu gánh hát đỡ đầu những nghệ sĩ nổi tiếng sau này

Năm 18 tuổi, cô đào xinh đẹp nên duyên với nghệ sĩ Huỳnh Kinh. Họ được nhiều người ca tụng là cặp đôi "trai tài gái sắc" của làng cải lương. Sau nhiều năm đứng trên sân khấu với vai trò là đào hát, hai vợ chồng Ngọc Đáng quyết định thành lập gánh hát năm cô 25 tuổi. Nhưng để thành lập được một gánh hát thời đó là chuyện không dễ dàng như Ngọc Đáng nghĩ.

Số tiền tích góp sau nhiều năm đi hát của hai vợ chồng cũng chẳng được là bao. Thiếu vốn, đôi vợ chồng nghệ sĩ chạy vạy khắp nơi, phải lấy cả danh tiếng của mình làm "tin" cho chủ nợ. Khó khăn hơn, khi một gánh hát nhỏ như Ngọc Kiều phải gồng mình cạnh tranh với nhiều đoàn lớn như Thống Nhất, Kim Chung… để tìm được chỗ đứng cho mình.

"Thời đó đi hát không như bây giờ có thể thuê đạo cụ mà ông bầu phải sắm hết nên chi phí bỏ ra rất lớn. Ban đầu khó khăn ngồn ngộn nhưng bằng kinh nghiệm, tiếng tăm nhiều năm đứng trên sân khấu của mình nên vợ chồng tôi cũng vượt qua được. 

Hơn nữa, bầu gánh ngày xưa đứng ra lập gánh hát là cho thỏa lòng "tự do sáng tác". Rồi có huy hoàng hay lụi tàn chúng tôi vẫn cháy bỏng lòng yêu nghề, để giữ nghề và giữ đạo", nghệ sĩ Ngọc Đáng tâm sự.

Bà cùng chồng gồng gánh cả đoàn hát với một tư chất mạnh mẽ, rất uy nghiêm khiến các nghệ sĩ rất nể trọng. Không chỉ vậy, bà thương diễn viên trong đoàn như những người thân. Ai ốm đau, gặp nạn, bà cưu mang không toan tính. Ngọc Đáng bảo, nghề làm bầu được xem là nghề coi khán giả. 

Mỗi đêm diễn, từ màn nhung sau cánh gà sân khấu nhìn xuống, thấy khán giả đầy thì ông bầu cũng đầy, mà khán giả lửng thì cảm xúc của bầu cũng ..lưng lửng. Ngoài chuyện hát, vợ chồng Ngọc Đáng còn phải lo từ vở diễn đến chuyện tiền bạc trả lương cho anh em.

Gánh hát Ngọc Kiều của vợ chồng bà ngày đó tuy tên tuổi không lớn để sánh ngang với những đoàn hát lớn, nhưng nó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều nghệ sĩ lừng danh thế hệ sau. Đặc biệt, họ đều do chính tay nghệ sĩ Ngọc Đáng rèn giũa, tôi luyện nên. 

NSND Ngọc Giàu được bao thế hệ người Việt biết đến với giọng ca cải lương mùi mẫn, khiến bao người nghe xúc động rơi nước mắt là một trong số đó. Năm 13 tuổi, Ngọc Giàu đã trở thành đào hát cho đoàn "Ngọc Kiều".

 Ký ức về một thời bán máu mua thuốc cho chồng của người đẹp sân khấu cải lương Ngọc Đáng  - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng hát bài "Làng tôi" cùng ca sĩ Mỹ Tâm tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM

Chưa dừng lại, những tên tuổi nổi tiếng như NS Thanh Sang, Hùng Cường… cũng là những người có xuất phát điểm từ gánh hát của Ngọc Đáng. Họ đã thành danh nhờ vào một phần công nghệ sĩ Ngọc Đáng "bẻ tay, bé chân". 

Sau bao nhiêu năm, nay nhắc lại, người nghệ sĩ già vẫn nhớ như in từng khuyết điểm, nhược điểm của từng người. Bà chia sẻ: "Hùng Cường những ngày đầu bà gặp nói giọng nửa Nam nửa Bắc nhưng ca rất hay. Còn Ngọc Giàu thì không đẹp nhưng lại có duyên, ca hay lắm".

Trở thành bà bầu có vị thế trong làng cải lương nhưng cô đào Ngọc Đáng vẫn không quên được món nghề ca hát của mình. Thời gian này, bà đã đứng chung sân khấu đóng cặp với NS Hùng Cường trong rất nhiều vở diễn nổi tiếng như "Mộng đẹp đêm trăng" của soạn giả Việt Bằng, "Màu Tím hoa giấy"…

Bán máu mua thuốc cho chồng

Nổi danh chưa được bao lâu, gánh hát "Ngọc Kiều" lâm vào cảnh khó khăn, vốn liếng cạn kiệt. Cùng lúc đó, nghệ sĩ Huỳnh Kinh lâm trọng bệnh, một mình Ngọc Đáng đứng ra vực dậy gánh hát nhưng bất thành. 

Không có tiền chạy chữa cho chồng, bà đã từng đi bán máu lấy tiền mua thuốc. Năm 1972, nghệ sĩ Huỳnh Kinh qua đời trong nghèo khổ. Vài năm sau đó, gánh hát Ngọc Kiều cũng tan rã mỗi người một nơi.

Đang từ một chủ gánh hát lớn ăn sung mặc sướng, gặp lúc sa cơ lỡ vận bà phải bỏ lại phía sau những ánh hào quang ấy lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Người đàn bà góa bụa một nách nuôi 5 con nghèo khổ, bơ vơ đứng giữa dòng đời khi không còn một xu dính túi. 

Quá chua xót cho phận mình nhưng bà vẫn kiên cường bắt đầu lại từ đầu bằng công việc buôn gánh bán bưng. Ngọc Đáng rong ruổi khắp các ngõ hẻm, chợ Sài thành để bán không từ một mặt hàng nào.

"Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ biết mặc những bộ trang phục lộng lẫy, trang điểm cho đẹp rồi đứng trên sân khấu hát mua vui cho người ta. Đời biết đâu được chữ ngờ, gánh hát tan rã, bao nhiêu tiền bạc tôi đều phân phát trả lương cho anh em trong đoàn để họ về quê hay đi tìm một gánh hát mới.

Thời ấy, tôi bấn loạn như muốn ngã quỵ. Song nhìn 5 đứa con cứ khóc oe oe vì đói, buộc tôi phải cố gắng hơn nữa. Ngoài no bụng, tôi phải cho các con ăn học đàng hoàng, không thể vì nghèo mà cho chúng mất con chữ được. Hàng ngày, tôi ra chợ bán hàng, cứ canh chừng 10h trưa phải chạy về nấu cơm cho các con rồi lại trở ngược ra bán", Ngọc Đáng bồi hồi nhớ lại.

Bao nhiêu năm, nghệ sĩ Ngọc Đáng quay cuồng trong dòng xoáy cơm tiền, đến khi nhìn lại bà mới nhận ra mình đã già đi trong cơ cực. Và cũng chính sự hy sinh thầm lặng của bà đã nuôi nấng 5 người con khôn lớn, thành đạt.

Sống cùng con cháu chưa được bao lâu, nỗi niềm về nghiệp ca hát khiến bà không hết nhớ thương, day dứt. Nghệ sĩ Ngọc Đáng bàn với các con ý định muốn xin vào viện dưỡng lão nghệ sĩ sống cùng đồng nghiệp, nhưng bị phản đối vì ai nấy đều khá giả dư sức để lo cho bà có cuộc sống thảnh thơi. 

Nhưng rồi họ cũng đành gói gém đồ đạc cho mẹ vào viện khi thấy bà ngày ngày thẫn thờ hoài niệm đến từng lời ca, điệu nhạc cải lương.

Đến nay nghệ sĩ Ngọc Đáng sống trong viện dưỡng lão đã được hơn 10 năm. Gặp khách bà tươi cười chia sẻ: "Ở đây vui lắm. Từ ngày vào đây tôi tăng được 10kg rồi cơ đấy. Ngày ở với con cháu, mình chẳng biết được đồng nghiệp ngày xưa nay sống như thế nào. Vào đây mới biết, họ sống cơ cực cũng chẳng kém tôi. Rồi lần lượt từng người ra đi trong nghèo khó, bệnh tật".

Hàng ngày, trong khuôn viên viện dưỡng lão, nghệ sĩ Ngọc Đáng cùng các nghệ sĩ khác vẫn ngồi ôn lại kỉ niệm của thời xa xưa. Họ nhớ đến từng động tác diễn, từng lời ca cải lương ngọt ngào. Rồi lại cất giọng ca, từng câu vọng cổ ngân nga vang vọng khắp khuôn viên.

Tuy đã tuổi 93 nhưng nghệ sĩ Ngọc Đáng ca vẫn rất ngọt. Hễ có khách hay ngày rằm hàng tháng bà đều bước lên sân khấu trong viện dưỡng lão hát, diễn lại những vở cải lương ngày xưa cho mọi người nghe lại. Bà bảo, mình còn sống là còn hoài niệm, còn mê ca cải lương…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại