Tối qua (13/10), tập 7 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với nhiều khách mời đặc biệt.
Chương trình tuần này đã dành một thời lượng dài để tôn vinh cố NSND Phùng Há, người được xem là một trong những Tổ nghề của ngành sân khấu cải lương, có tầm ảnh hưởng vĩ đại tới mọi thế hệ nghệ sĩ sau này.
MC Quyền Linh: Má Bảy thường xoa đầu tôi nói: "Ráng lên nhé con!"
Sau khi những hình ảnh về NSND Phùng Há được chiếu lên, nghệ sĩ Bạch Long nói: "Má Bảy Phùng Há là thần tượng trong lòng tôi.
Tôi gọi má Phùng Há là bà tổ sáng lập ra hát bội, tuồng cổ Việt Nam vì ở bộ môn tuồng cổ này, má Bảy gắn liền dòng họ Vĩnh Xuân Bảo Khánh, Minh Tơ Khánh Hồng của chúng tôi.
Bạch Long
Vào thập niên 60, hát bội tại Việt Nam bị vắng khách, chính má Phùng Há thọ giáo từ chính Trung Quốc rồi đem về Việt Nam, thành lập đoàn hát Phụng Hảo.
Lúc đó, cậu Minh Tơ, Khánh Hồng, Thành Tôn, Đức Phú mới nhảy qua đoàn Phụng Hảo để học nghề cải lương từ má Phùng Há rồi về mở rộng, phát triển ra.
Đó là lí do vì sao bây giờ tôi tôn vinh má Phùng Há làm bà Tổ của nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam".
MC Lại Văn Sâm thì gọi Phùng Há là huyền thoại: "NSND Phùng Há là một huyền thoại. Bà cùng NSND Bảy Nam đã sáng tạo ra bộ môn cải lương tại Việt Nam. Tôi vô cùng ấn tượng với giọng hát của bà trong vai Lã Bố, ở vở Phụng Y Đình.
Tôi chắc rằng tất cả nghệ sĩ Việt Nam chứ không riêng gì cải lương, tuồng cổ phải biết ơn bà Phùng Há. Bà là một nghệ sĩ lớn, chân chính. Đây là một nhân vật huyền thoại ở Việt Nam".
NSND Phùng Há
MC Quyền Linh là lớp nghệ sĩ cuối cùng được gặp NSND Phùng Há. Anh rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào tiết lộ lời răn của bà dành cho mình:
"Nói tới má Bảy Phùng Há, một sự xúc động trào dâng trong lòng tôi. Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi câu nói má răn dạy tôi hồi mới bước chân lên sân khấu: "Làm nghệ sĩ khó lắm tụi con. Tụi con có đẹp, tiền hay danh tiếng cũng không quan trọng bằng đạo đức.
Làm gì cũng phải có đạo đức, lòng nhiệt tình. Đừng lấy quần là áo lụa, lấy son phấn để khoe mình đẹp. Quan trọng là nhân cách nghệ sĩ sống thế nào để khán giả yêu thương".
Má Bảy thường xoa đầu tôi nói: "Ráng lên nhé con! Phải đam mê, nhiệt tình, yêu thương, phải cố gắng mới thành công".
Những lời đó của má luôn đọng lại trong lòng mỗi nghệ sĩ chúng tôi".
MC Thanh Bạch: NSND Phùng Há xây cả nghĩa trang cho nghệ sĩ nghèo có nơi dung thân khi khuất bóng
MC Thanh Bạch cũng từng được làm việc với cố NSND Phùng Há. Anh chia sẻ:
"NSND Phùng Há thành danh rất sớm và chứng kiến được nhiều nghệ sĩ nổi danh nhưng về già không nơi nương tựa.
Bởi vậy, bà đã lấy số tiền để dành của mình để mua một miếng đất lớn, xây một ngôi chùa để làm chỗ nương tựa tâm linh và cưu mang cho nghệ sĩ và bất cứ ai lúc tuổi già bóng xế.
Bà xây cả nghĩa trang nghệ sĩ cho nghệ sĩ nghèo có nơi dung thân khi khuất bóng. Nơi đó có rất nhiều nghệ sĩ tài danh của Việt Nam yên nhỉ như nghệ sĩ Thanh Nga, Út Trà Ôn.
Nhiều nghệ sĩ có thể bôn ba khắp thế giới, nhưng đến cuối đời vẫn gửi di ảnh về chùa Nghệ sĩ.
Cuối đời, dù không còn sức đi diễn nữa, nhưng mỗi tháng Phùng Há đều tổ chức các chương trình phát quà cho người dân nghèo. Đồng thời, bà còn mời các bác sĩ đi phát thuốc, chữa bệnh, mỗi lần phải đến 250 phần quà do các mạnh thường quân đóng góp.
Tiếp nối NSND Phùng Há là ông bầu Xuân của đoàn Dạ Lý Hương. Đến giờ, chùa Nghệ sĩ vẫn là một nơi trang trọng, giỗ Tổ được tổ chức linh đình, nhiều người đến thắp hương.
Hơn 300 ngôi mộ tại đó luôn có hoa tươi được khách viếng thăm để lên. Đó là cách để ghi ơn, tưởng nhớ những người đã hi sinh cho nghệ thuật nước nhà.
Ông bà cố chúng ta mà ngoài 90 tuổi là chỉ ở nhà, làm sao dám cho đi đâu xa, vậy mà bà vẫn đi diễn. Tôi còn nhớ lúc đó lịch đi diễn đã lên xong xuôi, bà ngã bệnh trước một tuần nhưng vẫn đòi đi bằng được.
Mọi người không cho bà đi vì sợ có chuyện xảy ra, nhưng bà vẫn năn nỉ bằng mọi cách. Mọi người đành cho bà đi. Dù phải đi lưu diễn rất xa nhưng về một cái là bà khỏi bệnh luôn, khỏi thuốc men gì cả.
Từ đó tôi mới nhận ra nghệ sĩ chỉ cần được gặp khán giả, được yêu thương là khỏe. Năng lượng khán giả cho người nghệ sĩ là sức mạnh để họ có thể đi tiếp được".
Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm dù còn rất trẻ nhưng cũng xúc động: "Tôi tìm hiểu nhiều về các nghệ sĩ, đặc biệt là bà Bảy Phùng Há vì luôn được nghe cô chú trong nghề nói rằng, bà Bảy cả tài, sắc, đức độ đều trọn vẹn.
Có một lần, tôi được đọc một câu chuyện của NSND Kim Cương kể lại, rằng bà Bảy có một cái tật ở chân, đi đứng khập khiễng, nhưng lại biến nó thành ưu điểm riêng của minh.
Mỗi khi nhập vai, bà Bảy luôn uy nghi, những bước đi của bà luôn được nghệ sĩ bắt chước. Bản thân tôi cũng luôn học hỏi bà Bảy ở việc biến khuyết điểm thành ưu điểm của mình".
Diễn viên Văn Báu dù ở ngoài Bắc nhưng cũng biết NSND Phùng Há. Anh nói:
"Đúng như anh Lại Văn Sâm vừa nói, ở miền Bắc từ lâu cũng đã thịnh hành cải lương và chúng tôi từ bé cũng được biết đến các cụ như cụ Phùng Há.
Ngày nay được ngồi đây nghe các anh các chị nói về cụ, công lao của cụ, tôi mới thấy nghệ sĩ chúng ta như con tằm nhả tơ, cứ làm, cứ cống hiến để mọi người yêu thích là đủ rồi.
Cuộc sống có nhiều thay đổi. Ngày xưa nghệ sĩ chúng tôi chỉ biết cống hiến hết mình, kể cả đói, ăn ngô, ăn sắn vẫn đi hát.
Ngày nay điều kiện sống khác, nghệ sĩ giàu có hơn, những giá trị từ xưa dần bị mai một. Nhưng nghệ sĩ chúng ta vẫn luôn lao động, tiếp thu tinh hoa của thế giới để làm giàu nghệ thuật nước nhà".