Kỳ 1: 84 giờ kinh hoàng
Theo tờ Dailymail, năm 1973, ông Roger Mallinson làm nhiệm vụ chôn cáp điện thoại dưới đáy biển Celtic cùng với đồng nghiệp Roger Chapman.
Vụ tàu lặn Titan của công ty OceanGate bị mất tích khiến ông Mallinson nhớ lại vụ chìm tàu Pisces II mà mình và đồng nghiệp được cứu sau một chiến dịch cứu hộ kéo dài 80 giờ đáng kinh ngạc. Họ đã được đưa lên bờ an toàn khi oxy trong tàu ngầm chỉ còn đủ 12 phút nữa là cạn.
Cho đến ngày nay, đây là cuộc giải cứu thành công dưới nước sâu nhất trong lịch sử.
Ông Mallinson giờ đã 85 tuổi. Ảnh: Dailymail
Mọi người có thể hi vọng điều tốt đẹp nhất cho các hành khách trên tàu Titan khi nghĩ về vụ giải cứu khó tin năm 1973. Khi đó, chiếc tàu ngầm mini chở ông Mallinson và Chapman đã lao thẳng xuống 480m dưới mặt nước và chỉ còn oxy đủ cho 80 giờ trên tàu. Vụ tai nạn này xảy ra cách Cork (Ireland) 241km về phía Tây Nam. Một chiến dịch giải cứu quốc tế quy mô lớn đã diễn ra thành công.
Khi được hỏi liệu ông có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ không sống sót thoát ra khỏi chiếc tàu lặn bị mắc kẹt hay không, ông Mallinson nói: “Chúng tôi chắc chắn đã nghĩ mình sẽ không thể sống sót. 84 giờ là một thời gian rất dài và chúng tôi không có đủ thức ăn, không có đủ oxy, chúng tôi không có đủ năng lượng pin để chạy máy lọc khí. Chúng tôi phải phân chia mọi thứ và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi chăm sóc lẫn nhau và đó là điều hỗ trợ lớn cho nhau”.
Trước khi xuống tàu ngầm năm đó, ông Mallinson đã đánh cắp một chai oxy vào phút cuối và chính chai oxy này đã giúp ông sống sót. Ông kể với Sky News: “May mắn thay trước khi chúng tôi bắt đầu lặn, tôi đã lấy trộm một chai oxy. Bởi vì chúng tôi đã đánh cắp nó, nên tôi vẫn ở đây nếu không chúng tôi chắc chắn đã không còn ở đây. Chúng tôi đã hết oxy ngay sau khi chúng tôi rơi xuống đáy”.
Ông Mallison và Chapman cho biết họ đã phải ngồi sát nhau để sưởi ấm và đặt chuông báo thức để tránh ngộ độc khí CO2.
Mọi chuyện bắt đầu sau khi ông Mallison và Chapman ở trong tàu lặn Pisces III dài 6m trong 8 giờ khi họ chôn một dây cáp điện thoại dưới đáy biển dưới đại dương tối tăm.
Ban đầu, tất cả đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Hai kỹ sư giàu kinh nghiệm chuẩn bị nổi lên mặt nước để kịp ăn sáng sau một đêm làm việc vất vả trong chuyến lặn thứ 325 để làm nhiệm vụ.
Hai người đói, kiệt sức và ướt sũng vì độ ẩm khi họ lên mặt nước lúc 9 giờ 18 sáng.
Họ đang chờ được ăn một ít trứng và thịt xông khói khi một thợ lặn từ tàu hỗ trợ Vickers Voyager gắn một sợi dây kéo vào tàu lặn của họ để đưa họ vào bờ.
Tuy nhiên, chính tại thời điểm này, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ. Một cửa sập của tàu đã mở bung ra khi một sợi dây kéo quấn quanh chốt của nắp. Trước chuyến lặn, ông Mallinson đã yêu cầu sửa chữa cửa sập này nhưng bị cấp trên từ chối.
Sự cố xảy ra do thợ lặn đã đặt dây kéo vào cửa sập không đúng cách. Một chuông báo động the thé vang lên, đổ chuông hai lần và thông báo cho cả hai người về khả năng rò rỉ. Nước ào ạt tràn vào.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi chiếc Pisces III bất ngờ bị kéo xuống phía dưới.
Các thợ lặn bắt đầu mở cửa sập của tàu lặn Pisces III khi tàu được giải cứu. Ảnh: Dailymai
Hai kỹ sư đã cố gắng giữ lấy mạng sống và ở độ cao khoảng 60m, dây kéo đột ngột kéo căng ra, khiến họ đung đưa như một con lắc.
Một cục pin dự phòng cho điện thoại dưới nước bị lỏng ra và bắt đầu va từ bên này sang bên kia. Một bộ sonar cũng đã bị hỏng và đang đập vào cả hai người.
Chỉ vài phút sau, dây kéo đứt, khiến tàu của họ rơi thẳng xuống đáy biển. Ông Mallinson kể: “Sự việc rất đáng sợ và chúng tôi đã rơi xuống đáy biển sau 26 giây. Chúng tôi đã mất bốn phút để đi lên. Đột nhiên chúng tôi rơi xuống trong 26 giây”.
Hai kỹ sư vội vã cố định mọi vật lỏng lẻo trên tàu khi tàu lao xuống đáy, sau đó tắt tất cả các thiết bị điện, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ khi va chạm.
Khi rơi xuống 304m và sau đó là 365m, ông Chapman xếp đệm ghế ở phía sau cabin, để giảm bớt va chạm không thể tránh khỏi. Hai người cũng nhét vải vào miệng để không cắn vào lưỡi.
Sau một cú xóc mạnh khác, chiếc tàu mini dừng lại, khiến họ va vào tường và ngã nhào lên nhau. Thiết bị trên tàu Pisces III cho biết họ đang ở độ sâu 480m.
Bất chấp cú rơi kinh hoàng, con tàu vẫn nguyên vẹn và trong bóng tối, ông Chapman viết vào sổ tay của mình: “Ở dưới đáy”.
Họ bị mắc kẹt ở độ sâu gấp đôi so với bất kỳ tàu ngầm nào gặp nạn trước đó.
Khi nhận thức được tình hình, hai kỹ sư phải mò mẫm trong bóng tối và họ nhanh chóng nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với một số vấn đề chính.
Đầu tiên, họ nhận ra rằng nguồn cung cấp oxy đang cạn kiệt nhưng cũng nhận ra rằng cần phải ngăn chặn tích tụ khí CO2, thứ sẽ giết chết họ.
Con tàu cũng lạnh cóng và họ có ít thức ăn. May mắn thay, điện vẫn hoạt động, có nghĩa là họ có ánh sáng và nhiệt.
Tuy nhiên, một tiếng rít lớn báo hiệu rằng bình dưỡng khí chính đang bị rò rỉ. Điều này đã khiến hai kỹ sư vô cùng tức giận. May mắn là họ đã tìm thấy chiếc chai oxy bị vùi dưới đống thiết bị.
Họ lại sợ hãi khi tìm thấy máy lọc - một thiết bị lọc khí CO2 mà họ thở ra. Nói về khoảnh khắc căng thẳng khi họ tìm thấy thiết bị này, ông Chapman nói: “Nếu nó bị hư hỏng không thể sửa chữa, thời gian sống sót của chúng tôi thực sự sẽ rất ngắn. Trái tim tôi như khoét một lỗ trong lồng ngực. Nhưng tôi đã có thể khóc vì sung sướng. Thiết bị này ổn”.
Họ thiết lập hai đồng hồ bấm giờ để kích hoạt báo thức sau 30 phút một lần để nhắc họ bật bộ lọc. Họ biết rằng nếu họ ngủ quên và không bật máy lọc khí, có khả năng cả hai sẽ không thức dậy.
Ông Chapman run lên vì sợ và lạnh, áp lực nước mạnh đến mức có thể nghiền nát cả hai người nếu cửa sập mở ra.
Ông kiểm kê các đồ dùng và thất vọng khi thấy mỗi người chỉ còn lại một chiếc bánh mì sũng nước. Ông Mallinson có mứt, còn ông Chapman có pho mát và tương ớt.
Họ cũng chia nhau một lon nước chanh, nửa bình cà phê đen, một hộp sữa bột, một gói đường, hai quả táo và ba chiếc bánh quy, cũng như khẩu phần tiêu chuẩn trên xuồng cứu sinh là viên glucose.
Mặc dù tất cả các thiết bị đều ở trong tình trạng tốt, nhưng họ chỉ có một tín hiệu vô tuyến chập chờn, nghĩa là họ không biết những gì đang xảy ra phía trên mình.
Để bản thân không nghĩ tới điều tồi tệ, Mallinson tưởng tượng ra bản nhạc organ của Bach trong đầu, di chuyển các ngón tay để bắt chước bàn phím. Đó là chuyển động duy nhất mà họ có thể làm, nếu không họ sẽ bất động và chỉ hít thở nông để duy trì nguồn cung cấp oxy.
Hai kỹ sư thậm chí còn thử nghiệm với máy lọc CO2 để tiết kiệm không khí mặc dù điều này khiến họ đau đầu và đau nhức cơ thể.
Tệ hơn nữa, Mallinson vẫn còn cảm thấy bị ảnh hưởng sau khi ăn một chiếc bánh nhân thịt dở tệ mua trong một quán rượu, khiến ông bị đau bụng. Cuối cùng, ông sử dụng một chiếc túi nhựa để đi vệ sinh, mùi hôi thối càng khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Hai người ngồi sát bên nhau, tranh thủ chợp mắt dù chỉ vài phút khi họ còn có thể vì kiệt sức và khát nước.
Nhiệt độ bên trong tàu ngầm là 10 độ C nhưng với độ ẩm 95% và hơi nước ngưng tụ chảy xuống các bức tường, họ cảm thấy lạnh hơn.
Lực lượng cứu hộ đã cố gắng liên lạc với hai người nhưng âm thanh bị lẫn với tiếng cá heo. Ông Mallinson thấy điều này an ủi mình, còn Champman rất thất vọng. Tương lai của họ vẫn mù mịt.
Kỳ cuối: Cuộc giải cứu nghẹt thở