Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào các nhà khoa học có thể nhìn ngược về quá khứ hàng triệu năm của Trái Đất? Câu trả lời nằm sâu dưới lớp băng vĩnh cửu tại Nam Cực - nơi cất giữ những bí mật về lịch sử khí hậu hành tinh chúng ta. Trong khi rất nhiều băng tan chảy và biến đổi mỗi năm, vẫn có những tảng băng gần như vĩnh cửu nằm sâu hàng trăm mét và không tan chảy trong nhiều thế kỷ.
Mới đây, một video TikTok gây sốt của Austin Carter, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Thám hiểm Băng Cổ đại (COLDEX), đã hé lộ hành trình kỳ thú xuyên qua lớp băng dày hàng trăm mét. Bằng cách thả một camera hành động xuống lỗ khoan sâu 93m, Carter đã đưa người xem vào cuộc phiêu lưu choáng ngợp qua đường hầm băng giá.
Hình ảnh từ camera nhanh chóng biến đổi từ bề mặt tuyết trắng xóa thành một đường hầm băng thẳng đứng, tạo cảm giác như đang lao vút trong không gian vũ trụ. Nhiều người xem không khỏi kinh ngạc trước khung cảnh kỳ ảo này, có người còn ví von nó giống như cảnh nhảy vượt không gian trong phim Star Wars.
Một người xem khác tò mò hơn về lý do đằng sau video: "Rất tôn trọng và không hề có ý xúc phạm, nhưng tại sao? Tại sao lại dành thời gian và tiền bạc cho việc nghiên cứu về tảng băng cũ?" Bạn đang thắc mắc điều tương tự?
Trên thực tế, đằng sau trải nghiệm thị giác đầy ấn tượng đó là mục đích nghiên cứu vô cùng quan trọng. Những mẫu băng từ độ sâu khác nhau giúp các nhà khoa học tìm hiểu về các chu kỳ nóng lên và lạnh đi trong quá khứ xa xôi của Trái Đất. Theo Carter, một số mẫu băng từ lỗ khoan này có niên đại lên tới 2,7 triệu năm - một con số khó có thể tưởng tượng nổi!
Thật thú vị, lỗ khoan này đã được tạo ra cách đây 20 năm nhưng vẫn đang được sử dụng tích cực cho đến ngày nay. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong công cuộc nghiên cứu lịch sử khí hậu Trái Đất.
Trong khi nhiều người vẫn đang mải miết tìm kiếm những bí ẩn bên ngoài vũ trụ xa xôi, hóa ra bên trong lòng Trái Đất vẫn tồn tại nhiều điều thú vị khác mà chúng ta chưa từng được chứng kiến.