Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần "xanh hóa" những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên

Lam Anh |

Không theo đuổi con đường trở thành 1 nhà nghiên cứu nông nghiệp, mong ước của anh Trịnh Xuân Đoàn là có thể mang cây xanh lấp đầy từng không gian sống, để thiên nhiên có cơ hội phát huy hết khả năng của nó - trở thành chất xúc tác dẫn truyền cảm hứng cho con người.

Không bước vào nghề bằng lòng yêu thích hay đam mê trở thành kỹ sư nông nghiệp, anh Trịnh Xuân Đoàn chọn nông nghiệp vì đây là một ngành yêu cầu điểm không cao, chi phí học không quá tốn kém. Nhưng sau đó, chính nhận thức bản chất con người là thiên nhiên và thực trạng tầng tầng lớp lớp các dãy nhà bê tông san sát đến nghẹt thở cộng dồn thành "nỗi sợ đô thị" vô hình đã chuyển hóa ước mơ của người kỹ sư nông nghiệp trẻ tuổi ngày ấy.

"Thời điểm chúng tôi thi đại học, nông nghiệp là một ngành học yêu cầu điểm không cao. Nhưng đấy lại chính là động lực chính để tôi chọn theo học ngành này.

Tất nhiên, sau khi vào học chính thức thì tôi dần cảm nhận được sâu hơn sự kết nối đặc biệt giữa con người với thiên nhiên để từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê với các kiến thức của ngành nông nghiệp", anh Trịnh Xuân Đoàn chia sẻ.

Bản chất con người là thiên nhiên, kiến trúc muốn hướng tới con người cần có thiên nhiên

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 1.

Được biết, năm 2006-2007, anh đã sang Israel học về sản xuất rau an toàn, anh có thể chia sẻ 1 chút về công việc của mình sau khi trở về nước được không?

Sau khi hoàn thành chương trình học tập chuyên sâu tại Israel, tôi trở về nước và tham gia công tác trong viện Lúa của Học viện Nông nghiệp Việt Nam một thời gian ngắn.

Năm 2009, tôi thi đậu viên chức tại Viện Bảo Vệ Thực Vật và làm việc ở đó khoảng 2 năm.

Quãng thời gian học tập ở Việt Nam và Israel có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Tại sao ngày đó anh lựa chọn sang Israel để học và có kỉ niệm đáng nhớ nào của anh trong quá trình học tập tại đây không?

Tôi được học trong nước với những thầy cô có thể nói là giỏi bậc nhất lại Việt Nam, đơn cử có thể kể đến như thầy Nguyễn Viết Tùng - Nguyên Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội; thầy Lê Lương Tề - Miễn dịch thực vật; thầy Vũ Triệu Mân… Đây là thế hệ các thầy cô cực kì giỏi, hầu hết đều học tập hoặc nghiên cứu tại nước ngoài trở về.

Sau đó, tôi đi Israel theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Như các bạn đã biết, Israel là nước đứng hàng đầu về công nghệ. Đối với ngành nông nghiệp, Israel cũng là nước có công nghệ rất cao, nền sản xuất nông nghiệp vô cùng cao và hiện đại.

Trong quá trình học tập, tôi vô cùng ấn tượng với công nghệ tưới của bạn (đất nước coi nước là tài nguyên quan trọng hàng đầu và có rất nhiều vùng sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào việc tưới, không hề có mưa). Tại Israel, cách đây 80 năm đã có Computer điều khiển hoàn toàn tự động việc tưới cây. Cách đây 10 năm computer thông qua tương tác với famer qua vệ tinh, có thể báo cáo các lỗi của hệ thống và tự tiến hành sửa chữa những sai sót đơn giản. Bất kì một loại cây cối hay cảnh quan nào tại vùng sản xuất nông nghiệp đều được tưới (không tưới là cây chết do thiếu nước). Do đó, cách mà nước bạn chọn cây trang trí cũng phải là cây có tác dụng với khoa học ngoài tác dụng cảnh quan. Ví dụ như họ trồng nhiều hoa giấy và trúc anh đào (có rất nhiều loại và màu sắc khác nhau) - đây cũng là 2 cây không bao giờ bị sâu và còn có tính chất xua đuổi côn trùng.

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 2.

Tính đến thời điểm hiện tại, không biết anh đã làm thiết kế thi công sân vườn được bao nhiêu năm rồi? Và lý do anh chọn sân vườn mà không phải là nhà cửa hay không gian sống là gì?

Có lẽ, những người đã và đang sống ở đô thị đã quen thuộc tới mức "bình thường hóa" hình ảnh của khói bụi, kẹt xe, tiếng ồn cùng các dãy nhà bê tông san sát đến nghẹt thở. Nhưng lại dần mất kết nối với thiên nhiên tới mức thèm khát một khoảng xanh hiếm hoi giữa những tảng bê tông đô thị.

Con người đã quá chìm đắm trong tiện nghi nhân tạo đến nỗi không thấy được sự vi diệu của thiên nhiên để từ đó, nỗi sợ đô thị càng lớn, tôi càng ý thức hơn về sức mạnh của việc lựa chọn và đưa thiên nhiên vào căn nhà.

Tuy ý tưởng về thiết kế cây trang trí ban công và sân vườn đã được hình thành từ rất lâu rồi, nhưng tính đến nay, tôi mới chỉ bắt tay vào thực hiện được 4 năm thôi.

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 3.

Là 1 kỹ sư thiết kế/thi công sân vườn, anh có nhận định gì về xu hướng mang không gian xanh vào nhà trong xã hội ngày nay?

Đứng từ góc độ chuyên ngành, đối với các nước trên thế giới khoa học về cây xanh trang trí đã rất phát triển. Thế hệ tôi từng xem trên truyền hình về việc Nhật Bản trồng lúa, rau màu trên nóc nhà cao tầng cách đây cả 20 năm, trình độ trang trí lựa chọn cây cho trang trí của Nhật Bản cũng rất cao. Các nước phương Tây thì thể hiện rõ trong kiến trúc quy hoạch của các thành phố và nhà cửa từ lâu hơn nữa.

Với Việt Nam, ngoài các kiến thức từ thời xa xưa về cây trang trí như: "trước cau sau mít", "trẻ trồng na, già trồng chuối", "nhà ngói cây mít"… trong dân gian (ngoài trang trí còn cung cấp thực phẩm) thì đối với tầng lớp cao có: Vườn thượng uyển, vườn của các quan lại gia đình giàu có trồng các loại kì hoa dị thảo…

Ngành học hoa cây cảnh tại Đại học Nông nghiệp I được thành lập khoảng hơn 10 năm nay để nghiên cứu vấn đề này.

Tất cả những nghiên cứu về hoa lá, cây trang trí này xuất phát từ việc con người gắn bó mật thiết với thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Luôn tìm ra và ưu tiên phát triển lựa chọn thuần hóa các loại hoa thơm cỏ lạ, cây cối đẹp để làm phong phú đời sống của mình là nhiệm vụ của chúng tôi. Việc đưa cây xanh trang trí nằm cả trong quy hoạch của nước ta với quy định khu chung cư cần dành ra một quỹ đất rất lớn cho các công trình trình tiện ích và cây xanh trang trí.

Và như vậy, tôi nghĩ rằng, với một căn chung cư chỉ toàn là hộp bê tông thì việc thêm vào cây trang trí ban công hay cây trong nhà là xu hướng đang và sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam.

Nhìn chung, kiến trúc không chỉ hướng tới con người, vì con người mà phát triển mà còn là sự kết hợp giữa các lĩnh vực thẩm mỹ, nghệ thuật, công nghệ, hình khối khoa học cùng sự thỏa mãn trong nhu cầu của con người. Vậy nên, kiến trúc nếu được điều hướng đi đúng đường thì nó có khả năng tạo ra những không gian ý nghĩa cho con người.

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 4.
Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 5.
Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 6.

Hình ảnh một số dự án mà anh Trịnh Xuân Đoàn đã thiết kế và thi công. (Ảnh: NVCC)

Người làm nghề thiết kế thi công sân vườn giúp mang đến những mảng xanh một sự hài hòa với kiến trúc và mang tính nghệ thuật

Trong số các công trình mà anh đã thực hiện, anh ấn tượng với công trình nào nhất? Tổng chi phí để thực hiện công trình đó là bao nhiêu?

Công trình ấn tượng với tôi nhất là của một doanh nghiệp có nhiều hoạt động liên quan đến việc sáng tạo. Do nhận thấy tầm quan trọng của một không gian xanh thư giãn, mang lại hiệu quả đối với sản xuất kinh doanh nên vị giám đốc đã xây dựng cả một khu vườn rộng 300m2 trên nóc tòa nhà 8 tầng. Toàn bộ hạ tầng và hệ thống cây xanh của dự án này có chi phí khoảng 1 tỷ đồng.

Công việc đầu tiên anh làm khi nhận một đề bài từ khách hàng là gì?

Khảo sát để đưa ra phương án tốt nhất về hạ tầng, tối ưu về không gian và phù hợp với khả năng chăm sóc cũng như mức độ quan tâm của khách hàng mà đưa ra chủng loại cây. Có người thì ưa hoa, người ưa lá, có một vài vị khách của tôi lại thích trang trí nhà cửa bằng các loại cây gia vị.

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 7.

Trong quá trình thiết kế và thi công sân vườn cho khách hàng, anh thấy vấn đề nào là khó khăn nhất và bước nào tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất?

Khó khăn nhất có lẽ là mức độ hiểu biết và quan tâm đúng mức của khách hàng với việc trang trí, thiết kế. Ví dụ như có nhiều vị khách sẽ yêu cầu trồng rất nhiều cây trong một diện tích hẹp hoặc khách sẽ yêu cầu trồng các loại cây quá đặc biệt như hoa dị thảo (vườn thượng uyển) mà không phù hợp với không gian...

Song, ưu điểm của nghề này là hầu như không có rủi ro nào với các công trình sân vườn vì không có gì gây nguy hiểm cho con người và việc thiết kế, thi công cũng đơn giản. Tuy nhiên, cũng có thể gặp tình huống là cây cối không được tưới đúng theo yêu cầu có thể gây chết và phải trồng lại, hoặc chất lượng cây không đạt yêu cầu.

Ngoài ra, mùa vụ thời tiết cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cây trồng.

Sau khi hoàn thành 1 dự án thiết kế và thi công sân vườn, anh có bảo hành gì thêm cho khách hàng về chất lượng cây xanh không?

Xương sống của trang trí sân vườn là cây xanh - đây là sinh vật. Do vậy phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư chăm sóc bảo dưỡng xén tỉa định kì của khách hàng. Việc bảo hành hay không tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Đối với khách hàng có đầy đủ quan tâm thì sau khi cây đã bén rễ tươi tốt thì rất khó chết hoặc hỏng.

Theo anh, để theo được nghề này, điều gì là yếu tố quan trọng nhất?

Nghề này quan trọng nhất là sự yêu thích với lĩnh vực, công việc. Tiếp đến cũng cần khả năng cảm nhận về mỹ thuật.

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 8.

Sau rất nhiều năm học tập và làm việc trong lĩnh vực này, anh cảm thấy mình đã được và mất gì?

Lĩnh vực nào thì cũng giống nhau, nó tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Các bạn bè tôi người thì làm xây dựng, người làm quản lý… Và bởi thế, được hay mất tùy theo quan điểm của mỗi người chọn đặt vấn đề tiền bạc hay sự cân bằng lên làm thước đo về sự thành công của chính mình.

Tuy vậy, có 1 điểm chung mà bất cứ những ai theo ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trang trí sân vườn nói riêng cũng cảm nhận được đó là sự cân bằng về mặt cảm xúc và sức mạnh nội tại của bản thân mỗi người. Được tiếp xúc với bà con nông dân thường xuyên cũng giúp chúng tôi nuôi dưỡng sự chân thành, trung thực còn làm việc với cây xanh mang lại cho chúng tôi sự cân bằng trong tâm hồn, học cách sống cho hiện tại, biết hài lòng với công việc và cuộc sống. Không chỉ thế, tôi còn duy trì được sự hứng khởi và cảm giác yêu đời, cam chịu khi kinh tế đi xuống mà không quá nặng nề về vấn đề tiền bạc.

Nói tóm lại, người làm nghề thiết kế, thi công sân vườn có thể chỉ là một phần rất nhỏ trong việc hình thành một căn nhà rộng lớn nhưng lại giúp mang đến những mảng xanh một sự hài hòa với kiến trúc và mang tính nghệ thuật, kết nối các giác quan và hướng tới việc chữa lành thể chất cũng như tâm lý của con người. Để từ đó, từng mảng cỏ, bụi cây cũng có thể phát huy được hết tác dụng của nó trong việc góp phần tạo nên những mảng xanh lớn, kết nối con người với thiên nhiên, giúp con người cân bằng cảm xúc, khơi dậy cảm hứng.

Cảm ơn những chia sẻ của anh và chúc anh luôn thành công trong sự nghiệp của mình.

Ảnh: NVCC

Kỹ sư thiết kế sân vườn Trịnh Xuân Đoàn: Từng mảng cỏ, bụi cây góp phần xanh hóa những tảng bê tông đô thị, giúp con người tìm về với thiên nhiên - Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại