Khi Wei Sun, một kỹ sư 48 tuổi đang làm việc tại Raytheon Missile Systems, xin nghỉ phép để đi nước ngoài vào năm ngoái, anh này nói với công ty rằng sẽ mang theo chiếc laptop HP EliteBook 840 mà công ty cấp cho theo cùng.
Sun, vốn là công dân Mỹ gốc Hoa, đã làm việc cho Raytheon - nhà thầu quốc phòng lớn thứ 4 của Mỹ - trong suốt một thập kỷ qua. Anh này nắm giữ một giấy phép an ninh mật và làm việc trong nhiều chương trình tên lửa có tính nhạy cảm cao, được sử dụng bởi quân đội Mỹ.
Bởi máy tính của Sun chứa một lượng lớn dữ liệu hạn chế truy cập, nên các lãnh đạo của Raytheon nói với anh rằng mang nó ra nước ngoài không chỉ là hành vi vi phạm chính sách công ty mà còn vi phạm nghiêm trọng luật liên bang nữa.
Tuy nhiên, theo các công tố viên Mỹ, Sun không thèm quan tâm. Khi đang ở nước ngoài, Sun đã sử dụng chiếc laptop này để kết nối đến mạng nội bộ của công ty. Anh này bất ngờ gửi một email vào ngày 7/1 với nội dung thông báo sẽ nghỉ việc sau 10 năm công tác để tập trung nghiên cứu và học tập ở nước ngoài.
Khi Sun quay về Mỹ một tuần sau đó, anh này nói với các lãnh đạo phụ trách an ninh của Raytheon rằng bản thân chỉ ghé thăm Singapore và Phillipines trong suốt chuyến nghỉ phép mà thôi. Nhưng những câu chuyện không nhất quán về hành trình của mình đã buộc Sun phải thừa nhận rằng anh có đi đến Trung Quốc cùng chiếc laptop.
Một luật sư của Raytheon đã khám nghiệm chiếc máy tính và xác nhận rằng nó có chứa các thông tin kỹ thuật bị cấm xuất khẩu bởi Quy định Quốc tế về buôn bán vũ khí (International Traffic in Arms Regulations - ITAR), cùng với phần mềm bảo mật bị kiểm soát xuất khẩu và đòi hỏi phải có một giấy phép đặc biệt mới được mang ra khỏi nước Mỹ.
Vào ngày hôm sau, Sun đã bị các đặc vụ FBI bắt giữ. Luật sư của anh, Camera Morgan, từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Raytheon chỉ nói rằng công ty "hợp tác với cuộc điều tra này", và từ chối trả lời thêm nữa.
Các tài liệu do tòa án cung cấp cho biết Sun nắm giữ nhiều tập tin tuyệt mật liên quan đến nhiều hệ thống phòng không khác nhau do Raytheon thiết kế cho quân đội Mỹ, đồng thời bán cho các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới.
Vụ việc này là một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc ngày càng ráo riết tìm mọi cách để thu thập công nghệ quân sự của Mỹ. Cơ quan an ninh Trung Quốc đã và đang can thiệp vào hàng chục hệ thống vũ khí trọng yếu của Mỹ, như hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD của quân đội, và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis sử dụng bởi Hải quân. Năm 2018, các hacker Trung Quốc đã đánh cắp những bản thiết kế tuyệt mật về tên lửa siêu âm chống hạm có tên gọi Sea Dragon đang được Hải quân phát triển. Những kẻ đột nhập được cho là đã thu thập được một lượng cực lớn dữ liệu cảm biến và các tín hiệu nhạy cảm, cùng với toàn bộ thư viện tác chiến điện tử của Hải quân.
Những hệ thống vũ khí mà Sun tham gia phát triển thuộc loại "hàng đầu trong số các hệ thống của Mỹ" - theo lời Dean Cheng, một nhà nghiên cứu về khả năng quân sự của Trung Quốc tại Heritage Foundation cho biết.
AMRAAM, hay Advanced Medium Range Air to Air Missile (tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến), được sử dụng trên những máy bay chiến đấu của Mỹ như F-16 và F-22 để tiêu diệt các máy bay khác trước khi chúng có thể bị phát hiện bởi bất kỳ trang thiết bị nào, trừ radar. Nó còn được chuyển đổi thành một hệ thống phòng không mặt đất - có thể là thứ được Sun để ý đến, bởi các công tố viên miêu tả công việc của anh này là xoay quanh hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Các tài liệu của tòa còn cho biết các nhân viên của Raytheon sẽ cung cấp lời khai về tên lửa Stinger, một loại tên lửa phòng không gọn nhẹ có thể được bắn bởi lính bộ binh trên chiến trường, nổi tiếng toàn thế giới khi Mỹ cung cấp nó cho các thống chế trong quân đội Afghanistan nhằm đối phó với lính Soviet.
Đáng chú ý nhất có lẽ là việc Sun tham gia vào chương trình Redesigned Kill Vehicle (RKV), một nỗ lực nhằm thay thế máy bay đánh chặn để bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo đang bay đến mục tiêu.
Lầu năm góc đã hủy bỏ chương trình này vào năm ngoái bởi những vấn đề kỹ thuật liên quan đến nó, nhưng thông tin về dự án vẫn sẽ hữu dụng đối với Trung Quốc, giúp họ hiểu rõ hơn về những điều Mỹ có thể làm để phòng thủ trước các tên lửa hạt nhân hoặc truyền thống. Công nghệ tên lửa đã trở thành trung tâm đối với chiến lược của Bắc Kinh nhằm hạn chế sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương, bù đắp những thiếu sót và những lỗ hổng trong kinh nghiệm phát triển các hệ thống vũ khí như máy bay chiến đấu.
Trung Quốc cũng muốn biết được cách đánh bại các tên lửa của Mỹ, bằng cách nắm các chi tiết kỹ thuật liên quan cách chúng tìm kiếm mục tiêu với radar và các cảm biến khác, và cách chúng phản ứng với những thiết bị gây nhiễu hoặc phá rối - Cheng cho biết.
Trung Quốc hiện đã có những loại vũ khí tương đương với của Mỹ, nên nước này không nhất thiết phải sao chép công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, các tên lửa không đối không tiên tiến của Trung Quốc chưa bao giờ được sử dụng trong chiến sự, còn AMRAAM thì đã từng, nên thiết kế của nó có thể mang lại những thông tin quý giá mà ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa được biết.
Cheng nói rằng đây là "một mảnh ghép trong bức tranh gián điệp lớn hơn của Trung Quốc... chúng ta có xu hướng tập trung vào các binh sỹ mạng của Trung Quốc mà quên mất họ còn có trí tuệ con người, họ có những con người cũng đang tìm cách đánh cắp những mẫu vật ở các quốc gia khác nữa".
Các tài liệu nêu trên không chỉ ra liệu Sun có đồng phạm hay không, và cũng không rõ Sun có hành động dưới sự chỉ đạo của tình báo Trung Quốc hay không.
"Tôi có thể đoán rằng các cơ quan chính phủ Trung Quốc đang giám sát các cựu công dân nước mình làm việc cho các công ty lớn của Mỹ (như Raytheon)" - theo lời Janosh Neumann, một cựu sỹ quan phản gián của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, nay đang sống tại Mỹ.
Dù sao đi nữa, William Mackie, công tố viên chính trong vụ án của Sun, cho biết bất kỳ ai như Sun cũng có thể gây ra những tổn thất mà không cần trực tiếp hợp tác với ai khác. Các tập tin Sun bị cáo buộc đã mang ra khỏi Mỹ có thể dễ dàng bị đánh cắp bởi một cơ quan gián điệp đối nghịch mà anh kỹ sư này không hề biết được.
"Nếu máy tính của bạn bị để lại trong một phòng khách sạn, ai đó có thể lấy mọi thứ và bạn chẳng bao giờ biết được" - Mackie nói. "Luôn có nguy cơ xảy ra những chuyện như vậy - không khác mấy việc ai đó chụp ảnh hoặc sao chép các bản thiết kế hay một bản tài liệu giấy".
Các hồ sơ pháp lý cho biết Sun, vốn không thừa nhận phạm tội, sắp sửa phải thay đổi lời khai của mình thành có tội theo một thỏa thuận với Bộ Tư pháp. Anh này sẽ xuất hiện trước tòa vào ngày 14/2 tới đây.
Tham khảo: Quartz