Ông Negishi Shigeichi, vị kỹ sư người Nhật nổi tiếng với việc phát minh ra máy hát karaoke, đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 100 tuổi.
Phỏng vấn con gái ông là cô Takano Atsumi, phóng viên Matt Alt từ The Wall Street Journal được biết rằng ông Negishi Shigeichi đã qua đời do tuổi cao vào ngày 26/1. Cô Atsumi cũng cho hay vị kỹ sư đã yếu hơn nhiều sau một cú ngã.
Theo cáo phó được Matt Alt đăng tải trên The Wall Street Journal, xuất bản hôm 14/3 vừa qua, ý tưởng về cỗ máy karaoke đầu tiên tới với ông vào năm 1967, khi đang làm việc với tư cách là kỹ sư lắp đặt hệ thống âm thanh ô tô ở Tokyo. Một đồng nghiệp đã đùa rằng giọng hát của ông Shigeichi rất tệ, và ông nghĩ, "Giá mà họ có thể nghe thấy giọng của tôi trên nền một bản nhạc đệm!".
Ông hướng dẫn một trong những nhân viên của mình lắp đặt một hệ thống gồm micro, loa, và máy ghi âm, rồi lưu vào đó bản nhạc không lời của một bài hát do ca sĩ Kodama Yoshio trình bày. Ấn tượng với kết quả thử nghiệm, ông đã mang nguyên mẫu về nhà để cho gia đình mình xem, qua đó vô tình khởi động buổi karaoke đầu tiên trong lịch sử.
Tuy vậy, ông không phải là cha đẻ duy nhất của thiết bị karaoke. Vốn dĩ, thuật ngữ “karaoke” - sự kết hợp của từ “kara - trống trải” và “oke”, viết tắt của “okesutora” nghĩa là “dàn nhạc” trong tiếng Nhật - cũng đã được sử dụng ở Nhật Bản để chỉ các ca sĩ sử dụng bản nhạc đệm trong biểu diễn.
Bên cạnh đó, trong lịch sử phát minh cỗ máy hát trứ danh, hai nhân vật thường được nhắc tới nhất là Inoue Daisuke - một nhạc sĩ người Nhật và Roberto del Rosario - một nhà phát minh người Philippines. Thế nhưng, kỹ sư Negishi Shigeichi cũng có công lớn trong quá trình phát triển và thương mại hóa thiết bị karaoke: máy của ông là thiết bị đầu tiên sử dụng băng 8 bài, vốn được sử dụng rộng rãi cho thiết bị giải trí tại gia và trên ô tô.
Chiếc máy hát đầu tiên được ông Shigeichi đặt tên là "Sparko Box" đã lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1967. Người ta kể rằng trong thời gian này, ông đã lái xe khắp Nhật Bản để giới thiệu thiết bị cho chủ sở hữu các quán bar, khách sạn, nhà hàng, “bất kỳ địa điểm nào mà khách hàng có thể tụ tập để nhậu nhẹt, thư giãn và ca hát”.
Mặc dù rất sáng tạo, Sparko Box không hề ăn khách. Máy yêu cầu một số lượng lớn băng nhạc không lời để hoạt động, và ông Shigeichi cũng đối mặt với sự phản đối từ các nhạc sĩ địa phương, những người cảm thấy rằng máy đang lấy đi nguồn thu nhập của họ tại các quán bar và câu lạc bộ đêm.
Phải tới năm 1970, karaoke mới trở nên phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản, thông qua sự xuất hiện của hàng loạt các quán hát tại thủ đô Tokyo, người tiêu dùng cũng dần làm quen với thú vui karaoke và mua máy về hát tại nhà.
Đã từ lâu, người ta cho rằng phát minh máy karaoke đầu tiên thuộc về Inoue Daisuke, tuy vậy Sparko Box của ông Negishi Shigeichi vẫn được Hiệp hội Công nghiệp Karaoke Toàn Nhật Bản công nhận là cỗ máy hát đầu tiên. Kỹ sư Negishi cũng chưa bao giờ xin cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình.
Ngày nay, karaoke phổ biến khắp thế giới và được coi là một trong những sản phẩm văn hóa được yêu thích nhất tới từ đất nước Nhật Bản. Được biết, toàn thế giới chỉ còn lại duy nhất một chiếc Sparko Box, được gia đình ông Shigeichi giữ lại làm kỷ niệm.