Kỹ sư Lê Văn Tạch: Thiết bị "biến hình" biển trắng sang biển xanh rất đơn giản!

Hoàng Đan |

Kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay, về mặt kỹ thuật, cơ cấu lật biển đối với các vụ xe "biến hình" từ biển trắng sang biển xanh rất đơn giản.

Vụ việc chiếc xe ô tô Land Cruiser chạy trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), đến một đoạn cua, biển kiểm soát của xe đột nhiên chuyển từ màu trắng 30F - 822.81 sang biển xanh 80A - 296.89 đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, qua tra cứu dữ liệu biển số xe, đơn vị xác định biển số 80A màu xanh gắn trên chiếc xe này là biển giả.

Trao đổi với PV, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết ông đã xem đoạn clip này và thấy, về mặt kỹ thuật, đối với cơ cấu lật biển như vậy rất đơn giản.

"Tôi không biết thiết bị này bán ở Việt Nam lâu chưa hay dễ mua không nhưng về góc độ kỹ thuật, việc làm cơ cấu lật biển như vậy rất đơn giản, chỉ cần gắn mô tô điện với bộ điều khiển và kết nối với nguồn điện là xong", kỹ sư Tạch nói.

Kỹ sư Tạch cho biết thêm, khi đã được kết nối đồng bộ, người điều khiến có thể thay biển đằng trước, đằng sau hoặc đồng thời chỉ bằng cái nhấn nút.

Ông Tạch và gara của mình chưa lắp thiết bị tương tự như thế này cho bất cứ xe nào nên không rõ giá cụ thể nhưng với cơ cấu đơn giản như vậy thì "giá sẽ rất rẻ".

Chủ một cửa hàng chuyên về phụ kiện ô tô ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết từng nghe thấy ở Việt Nam bán loại thiết bị lật biển số tự động này với giá vài triệu đồng, tuy nhiên hiện nay thiết bị này khó tìm bởi không ai dám sử dụng.

"Các đoạn clip được đăng tải rầm rộ lên mạng như vậy và các cơ quan chức năng vào cuộc thì chắc chẳng ai dám bán", vị này nói.

Liên quan tới vụ việc xe biển trắng đổi sang biển xanh, đại diện Cục CSGT cho hay đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, CSGT các địa phương tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp tài xế sử dụng biển số giả và gắn biển số sai quy định.

Cục CSGT đã chỉ đạo phòng CSGT Hà Nội xác minh vụ việc và xử lý tài xế về hành vi sử dụng biển số giả, khi có kết quả sẽ thông tin sớm.

Khoản 5 điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định người điều khiển ôtô (bao gồm cả rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ôtô vi phạm quy định về điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Bên cạnh đó, việc chủ xe có 2 biển số xe để sử dụng như vậy còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7 điều 30 Nghị định 46/NĐ-CP, mức phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại