Đến ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, chỉ cần hỏi nhà "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô (tự Rô máy cày), mọi người sẽ được nhận sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân nơi đây. Bởi hình ảnh lão nông không qua trường lớp nhưng đã chế tạo thành công 5 loại máy cày, trục đất trong 5 năm khiến nhiều người nể phục.
Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ông Rô nghỉ học khi chưa hết lớp 5, lớn lên ông làm thuê cho các xưởng cơ khí trên địa bàn để phụ giúp gia đình. Sau thời gian tích lũy, ông mở tiệm sửa máy nổ (phương tiện di chuyển đường thủy) để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Chứng kiến những trăn trở của người dân về phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, từ đó ông ấp ủ ý tưởng sáng chế máy cày.
Ông Rô điều chỉnh tăng đưa lưỡi cày hướng dẫn cho khách hàng
"Hàng xóm cho rằng tôi mơ tưởng viển vông, một nông dân không qua trường lớp thì sao làm được. Tuy buồn nhưng với niềm đam mê sáng tạo và mong muốn tạo ra sản phẩm gần gũi với nhà nông tôi đã đi nhiều nơi tìm mua vật liệu phục vụ sáng chế", ông Rô chia sẻ.
Sau hơn 3 tháng mày mò nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn, năm 2014, ông Rô chế tạo thành công máy cày đầm tôm công nghiệp trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Theo lời ông Rô, sản phẩm đầu tay được ông bán ra thị trường với giá 19 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đầu phần bánh lồng của máy cày được làm bằng phi sắt nên máy có trọng lượng khoảng 170kg và nhanh bị rỉ sét do tiếp xúc với môi trường nước mặn. Nhận thấy sáng chế còn những hạn chế như giá thành còn cao và trọng lượng lớn gây khó khăn cho người dân, nên ông suy nghĩ tìm cách cải tiến.
"Sau thời gian thử nghiệm, tôi quyết định chọn phi nhựa (loại dẻo) để thay thế phi sắt. Qua đó, giúp cân nặng của máy cày giảm từ 170kg xuống còn khoảng 110kg và giá bán cũng giảm do tiết kiệm được chi phí", ông Rô tâm sự.
Từ những cơ sở trên, ông Rô tiếp tục cho cho ra đời máy cày, trục đất vuông tôm (đất láng) và các sáng chế khác. Để cày, trục 1.000m2 đất người dân chỉ tốn khoảng 10.000 đồng tiền xăng, giảm gần phân nửa so với trước.
Ông hướng dẫn người dân trục trên đất nuôi tôm
Thông thường, môi trường đất trong vuông nuôi sau nhiều năm canh tác, độ màu mỡ, các loại thức ăn trong tự nhiên sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu đất được cày, trục, nạo vét kênh bằng cơ giới… môi trường thay đổi theo hướng tích cực. Lúc này, các thủy sinh có lợi cho tôm, cua trong tự nhiên phát triển mạnh giúp tôm nuôi lớn nhanh và ít bị bệnh.
Ông Nguyễn Văn Quận (60 tuổi; ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho hay khi mua máy cày, trục đất vuông của ông Rô về cải tạo vuông nuôi, các vụ nuôi thường đạt hiệu quả cao. Từ đó, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện và đầy đủ hơn.
"Thông thường, tôm nuôi sẽ đạt trong lượng khoảng 45 con/kg trong 4 tháng nuôi. Tuy nhiên, khi tôi cải tạo đất tôm phát triển nhanh hơn do có nhiều thức ăn và chỉ trong 3 tháng có thể đạt trọng lượng trên", ông Quận tâm sự.
Để khách hàng nắm vững quy trình sử dụng cũng như cách lắp ráp máy, ông Rô thường tự giao hàng để trực tiếp hướng dẫn cho người mua.
Do giá thành "vừa túi tiền" và đáp ứng được nhu cầu của người dân nên các sáng chế của ông Rô được nhiều người chọn mua và tin dùng. Trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 70 chiếc máy cày, trục đất với giá giao động từ 15 -17 triệu đồng/chiếc (tùy loại). Theo đó, sau khi trừ hết các phí ông thu lãi khoảng 2,5 triệu đồng/ chiếc máy.
"Tuy lợi nhuận từ việc bán máy cày, trục đất không nhiều, nhưng đối với tôi đó là niềm vui vì đã giúp được bà con và thỏa lòng với đam mê", ông Rô cười nói.
Trước những đóng góp trên, năm 2018, "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô được mời tham dự "Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và biểu dương tôn vinh các anh hùng, điển hình tiên tiến" diễn ra tại Hà Nội. Bên cạnh đó, trong năm 2019 ông còn nhận được giải nhất trong cuộc thi sáng tạo.