Kỹ năng hạ cánh dưới nước của DHC-6 Việt Nam

Đan Nguyên |

Trong huấn luyện, cất hạ cánh trên mặt nước là khoa mục khó, đòi hỏi sự hiệp đồng chính xác của các lực lượng, kỹ năng của phi công (tổ bay).

Kỹ năng không thể thiếu

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong huấn luyện, Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân đã tận dụng thời gian để tổ chức huấn luyện cất hạ cánh trên mặt nước cho phi công (tổ bay).

Khi đến vị trí định trước, máy bay bắt đầu hạ thấp dần độ cao, bay trên mặt biển nhẹ nhàng sà xuống mặt nước. Sau khi tiếp cận hoàn toàn mặt biển, phi công giảm ga, sử dụng lực kéo ngược, máy bay từ từ dừng lại và di chuyển trên mặt biển và trở về vị trí chuẩn bị cất cánh…

Sau khi tổ bay làm tốt công tác chuẩn bị, trên đài chỉ huy dải cất hạ cánh mặt nước, chỉ huy bay lệnh cho máy bay cất cánh. Tổ bay từ từ tăng ga chạy đà, máy bay lướt nhanh trên mặt nước, sau khoảng 1 km chạy đà trên máy bay bay là là và nhẹ nhàng tách khỏi mặt nước, lấy độ cao khoảng 800 mét, bay vòng kín và lại tiếp tục giảm độ cao hạ cánh xuống mặt biển.

Cứ như vậy, sau 5 chuyến cất hạ cánh đầu tiên, máy bay lại trở về vị trí sân đỗ. Lữ đoàn tổ chức giảng bình, trao đổi rút kinh nghiệm giữa chuyến bay, đổi kíp chỉ huy bay và phi công để tiếp tục huấn luyện các lượt chuyến tiếp theo.

Để có được những thao tác cất và hạ cánh trên mặt nước nghe có vẻ rất đơn giản này, các phi công và tổ bay đã phải trải qua quá trình huấn luyện đòi hỏi sự hiệp đồng chính xác của các ngành, các lực lượng, bản lĩnh, trình độ, kỹ năng của phi công (tổ bay).

 Kỹ năng hạ cánh dưới nước của DHC-6 Việt Nam  - Ảnh 1.

Thủy phi cơ DHC-6

Khả năng đặc biệt của DHC-6

Để thực hiện nhiệm vụ của mình trên biển, thủy phi cơ DHC-6 Việt Nam được trang bị loại radar và cảm biến tối tân do Israel cung cấp. Theo những thông tin được công khai, Việt Nam đã ký hợp đồng với Canada 6 chiếc thủy phi cơ lưỡng cư DHC-6-400 Twin Otter, với trị giá mỗi chiếc là 5,6 triệu USD.

Trong đó, ba chiếc được trang bị khả năng lưỡng cư có thể chuyển đổi nội thất bên trong để vận chuyển khách VIP, vận tải hàng hóa và thay đổi không gian linh hoạt. Ba chiếc máy bay còn lại sẽ được thiết kế thành biến thể Guardian 400 (Người bảo vệ), chuyên tuần tra giám sát hàng hải.

Ikhana có trụ sở tại Murrieta, là công ty chuyên chuyển đổi cấu hình cho các thủy phi cơ Guardian 400. Công ty này được trao một chứng chỉ bổ sung RWMI DHC-6-400RG, nhằm tăng cường trọng tải hoạt động tối đa cho thủy phi cơ Twin Otter từ 12.500 pound lên 14.000 pound (6,4 tấn) với hệ thống hạ cánh bằng lốp, hoặc 13.600 pound với phao lội nước.

Trong chương trình cung cấp 6 thủy phi cơ DHC-6-400 Guardian này, IKHANA đảm nhận việc tích hợp hệ thống radar giám sát hàng hải ELTA ELM-2022A cùng với một hệ thống cảm biến quang - điện - hồng ngoại (EOIR) MiniPOP do công ty ELTA Systems (ELTA) của Israel cung cấp.

Ngoài ra, không gian bên trong máy bay cũng được thay đổi để lắp đặt một trạm điều khiển/giám sát cảm biến và radar, tích hợp một buồng vệ sinh, một nhà bếp, một ghế mát-xa và cả hệ thống giám sát thời tiết nâng cấp.

Mặc dù không nêu chi tiết về khả năng các thủy phi cơ DHC-6-400 của Hải quân Việt Nam, nhưng với hệ thống radar giám sát hàng hải ELM-2022A và hệ thống cảm biến quang điện - hồng ngoại MiniPOP cho thấy, khả năng hoạt động tuần tra của thủy phi cơ Twin Otter sẽ không thua kém so với những máy bay tuần tra hải quân chuyên dụng trên thế giới hiện nay.

IKHANA nói rằng ELM-2022A là hệ thống radar được Hải quân Việt Nam đặc biệt quan tâm. Radar này có khả năng quét và theo dõi đồng thời lên tới 256 mục tiêu trên biển với hiệu suất đã được đánh giá là "tuyệt vời". 

Tuy nhiên, nó sẽ gặp phải thách thức thực sự khi hoạt động trên Biển Đông - một vùng biển vốn được đánh giá là "đông đúc" và "tấp nập" bậc nhất trên thế giới.

Radar ELM-2022A đã mở rộng tầm giám sát hàng hải lên tới 200 hải lý (với mục tiêu cỡ lớn), và được ELTA nhấn mạnh vào đặc điểm tương đương với hệ thống radar điều khiển hỏa lực EL/M-2032 (được trang bị trên nhiều máy bay chiến đấu hiện nay), cho phép hoạt động cả ở chế độ không - đối - không.

Trong khi đó, MiniPOP là một hệ thống quan sát ngày/đêm với độ phân giải cao, cung cấp hình ảnh thời gian thực, khả năng tự động ghi hình ảnh về mục tiêu, định vị trí mục tiêu với độ chính xác cao cho các nền tảng cỡ nhỏ tham gia tấn công như máy bay không người lái, các phương tiện bọc thép, phương tiện không người lái mặt đất và các tàu chiến hải quân.

Ngoài ra, MiniPOP sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho radar ELM-2022A trong việc xác định chính xác từng mục tiêu trong hàng trăm phương tiện quân, dân sự đang hoạt động trên biển. MiniPOP được thiết kế với kiến trúc mở để có thể mang tới 4 cảm biến.

Một cấu hình hệ thống cơ bản có thể phóng đại ảnh màu liên tục bằng một camera ban ngày và một camera ảnh nhiệt. Một con trỏ laser, máy ghi hình tự động và đầu dò laser có thể hoạt động kết hợp để tạo ra thêm nhiều chức năng. 

Hệ thống cảm biến này thường được sử dụng để theo dõi và dẫn đường tấn công cho tên lửa Helfire trên các phương tiện quân sự của Mỹ và NATO hiện nay.

Máy bay DHC-6 Việt Nam huấn luyện cất/hạ cánh trên mặt nước

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại