Kỷ luật nhiều lãnh đạo vụ Trịnh Xuân Thanh: Hiếm xảy ra nhưng nghiêm minh, mạnh mẽ

Hoàng Đan |

"Kết luận cho thấy, Đảng đang rất quyết tâm đấu tranh phòng chống tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa...", ông Thuận nói về việc kỷ luật nhiều lãnh đạo vụ Trịnh Xuân Thanh.

Từ ngày 28 đến 30/11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 8 và tiến hành xem xét, xử lý, đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ Đảng viên cao cấp, tổ chức Đảng liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 2/12, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã bày tỏ hoan nghênh việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý hàng loạt các cán bộ cao cấp của Đảng liên quan tới vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo ông Thưởng, trong lịch sử Đảng ta từ trước đến nay, việc xử lý cán bộ đương nhiệm là bình thường còn đối với cán bộ về hưu là chưa có tiền lệ và mới bắt đầu từ việc xử lý trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương.

"Cá nhân tôi rất hoan nghênh việc xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tôi cho rằng, đây là sự việc rất hiếm khi xảy ra vì số lượng cán bộ bị xử lý như vậy là rất nhiều", ông Thưởng nói.

Nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cũng đánh giá, với cách xử lý như vừa qua đối với các cán bộ cao cấp có liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh đã tương đối nghiêm minh.

Đồng thời, ông cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ và nếu tiếp tục phát hiện các cán bộ liên quan tới sai phạm thì cần phải xử lý tiếp với tinh thần phát hiện đến đâu, xử lý đến đấy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhận định, việc xem xét, đề nghị xử lý kỷ luật thêm một số cán bộ đương nhiệm, nghỉ hưu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thể hiện sự nghiêm minh, mạnh mẽ, kiên quyết.

Kỷ luật nhiều lãnh đạo vụ Trịnh Xuân Thanh: Hiếm xảy ra nhưng nghiêm minh, mạnh mẽ - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Thuận.

"Sau kết luận kiến nghị xử lý đối với các sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng thì việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục có kết luận này đã thể hiện sự thực hiện nghiêm túc việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 Khóa 12 nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Qua đây cũng cho thấy, Đảng ta đang rất quyết tâm đấu tranh phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái tư tưởng chính trị, lối sống.

Tôi hy vọng với những biện pháp mạnh mẽ này, chúng ta sẽ giữ vững kỷ cương của Đảng và Nhà nước", ông Thuận nêu.

Ông Thuận cũng nhìn nhận, kết luận này lại cho thấy thêm một bài học đau xót về công tác cán bộ nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải làm, cương quyết thực hiện để tăng niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh, không có vùng cấm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Không riêng tôi mà nhiều người cũng mong các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn nữa, không có vùng cấm để làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, từ đó, có xử lý nghiêm minh, công khai.

Đồng thời, chúng ta cũng cần làm mạnh mẽ hơn để triệt tiêu, loại bỏ lợi ích nhóm, phần tử khu trú trong bộ máy Đảng, Nhà nước", ông Thuận bày tỏ.

Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân để có thể sớm phát hiện các sai phạm của cán bộ, tổ chức Đảng.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi vào chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đã nắm được thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo ông Tuấn, liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Bộ Nội vụ đã kiểm điểm trách nhiệm có liên quan.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ, tập thể Ban cán sự đều nghiêm túc, thẳng thắn nhìn vào trách nhiệm của mình, đảm bảo khách quan, đúng chức trách, trách nhiệm từng người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại