Mới đây, đoàn kiểm tra của Ủy ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (Cục Hải quan TP.HCM). Báo cáo của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nổi lên 2 vấn đề gồm nợ thuế khó đòi ngày càng tăng và công tác xử lý cán bộ vi phạm.
Liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, từ năm 2011-2015, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện hơn 25.600 vụ vi phạm, chuyển nhiều vụ việc sang cơ quan chức năng như Viện Kiểm sát, cơ quan Công an khởi tố, điều tra.
Trong số này, chiếm 80% vụ vi phạm liên quan tới thủ tục hải quan của DN; Số còn lại chủ yếu là vi phạm về thời hạn tạm nhập tái xuất, chất lượng hàng hóa, chứng từ lưu trữ....
Trong 5 năm qua, Cục Hải quan TP. HCM đã thu từ xử phạt vi phạm hành chính hơn 94.000 tỷ đồng, thu từ bán hàng tịch thu theo các Quyết định xử phạt hơn 26.000 tỷ đồng và thu từ bán hàng tồn đọng (riêng năm 2015) hơn 2.000 tỷ đồng.
Về công tác xử lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương công vụ, theo báo cáo của Cục Hải quan TP. HCM, từ năm 2011 - 2015, cục đã xử lý kỷ luật 17 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động hải quan.
Trong đó, có 57 cán bộ công chức không thực hiện đúng chức năng thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan đến nhiệm vụ, công vụ.
Việc phát hiện hành vi vi phạm phải chịu các hình thức kỷ luật này dựa trên các kết luận của cơ quan điều tra, bản án của Tòa án hoặc kết luận của đoàn thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, Cục Hải quan TP. HCM khẳng định: Các kết luận điều tra, bản án hoặc kết luận thanh tra không thể hiện có công chức nào có hành vi vi phạm để vụ lợi.
Chính vì vậy, xét theo quy định của luật, chưa đủ căn cứ để xác định có hành vi tham nhũng đối với hơn 57 cán bộ công chức của ngành này.
Cũng theo cục này, khi có vụ việc vi phạm, dù chưa có cơ sở xác định hành vi tham nhũng nhưng đơn vị đã xem xét kỷ luật 1 Phó Chi cục trưởng, 1 Đội trưởng và 1 Phó Đội trưởng vì thiếu nhạy bén trong chỉ đạo, chưa làm hết trách nhiệm để phát sinh vụ việc gây mất uy tín.