Vị hoàng đế này là Lý Cao Tông, tên thật là Lý Long Trát, còn có tên khác là Lý Long Cán, Lý Long Hãn, sinh ngày 25 tháng 5 năm Qúy Tị (1173), là con thứ 6 của Lý Anh Tông, mẹ là bà hoàng hậu Đỗ Thụy Châu (sau được phong là Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu).
Lý Cao Tông lên ngôi tháng 7 năm Ất Mùi (1175) khi đó mới hơn 2 tuổi, là một trong những vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử nước Việt.
Lúc còn nhỏ, Lý Cao Tông là người ngoan lành, lại được các trung thần tài năng như Tô Hiến Thành, Đỗ Kính Tu phù giúp nhưng khi lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi.
Là vị vua thích ưa thích phô trương, ông sai xây dựng và sửa chữa nhiều cung điện, lầu gác sao cho thật to đẹp, lộng lẫy như điện Vĩnh Ninh, gác Kính Thiên, cung Nghênh Thiềm, lại "xây và hành cung hơn 100 nơi" (Đại Việt sử lược).
Bên cạnh đó, Lý Cao Tông thường xuyên du ngoạn, thích thăm thú, đi chơi khắp nơi trong nước, lên phía Bắc thăm Sơn lăng, xuống phía Nam săn voi nhưng không phải để cổ vũ tinh thần thượng võ mà để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình.
Tượng Lý Cao Tông tại Đền Đô- Bắc Ninh. (Hình minh họa – Nguồn: baobacninh)
Ông cũng rất thích các trò phương thuật, nghe nói ai có tài gì ông đều bắt đến biểu diễn để mua vui hoặc xem có pháp thuật gì lạ không. Có lần vua sai mang hổ ra để cho một nhà sư làm phép giáng hổ, lần khác cho một sủng thần trổ tài trị sấm…
Để có tiền thỏa sức ăn chơi, Lý Cao Tông đã trở thành vị vua duy nhất của triều Lý công nhiên cho mua quan bán tước; tệ tham nhũng, hối lộ trong những năm cuối ở ngôi của ông diễn ra tràn lan.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục…".
Còn sách Đại Việt sử lược cho biết: "Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Hai người nào mà tranh nhau ruộng đất, sản vật, hễ một người đem dâng nạp rồi thì vua chẳng hỏi tình lý phải trái thế nào đều tịch thu sung công cả. Vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán".
Sử chép: "Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém" (Đại Việt sử ký toàn thư).
Chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến dân, sử chép rằng vào năm Bính Dần (1206) trong nước mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi khiến người chết rất nhiều còn vua thì vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài cung nhiều việc nhiễu nhương vẫn không để tâm lo lắng.
Một lần Lý Cao Tông ngự giá đi dạo trên hoàng thành bỗng khi ấy phía dưới chân tường xảy ra vụ cướp trắng trợn giữa ban ngày. Người mất của kêu la mong mọi người giúp đỡ nhưng vào thời buổi loạn lạc, người hay sợ kẻ gian nên chẳng ai dám làm gì.
Tiếng gào khóc cứ thế càng thảm thiết hơn, một đại thần trong đoàn hộ giá thấy cả vua và các quan đều chỉ chú tâm ngoạn cảnh mà lờ đi vờ như không nghe thấy tiếng kêu ai oán của dân mới tâu rằng: "Nay trộm cướp ngày càng nhiều, khắp nơi chúng ngang nhiên làm bậy. Xin bệ hạ cho người đi lùng bắt, dẹp bọn thảo tặc để dân chúng được nhờ".
Vua nghe thế không nói gì, phất tay áo ra hiệu cho đoàn rước tiếp tục đi đến điểm vui chơi khác.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại ngắn gọn việc này như sau: "Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp, lờ đi giả cách không biết".
Lời bình:
Nhà Lý sau một giai đoạn rất hưng thịnh với các thành tựu về văn hóa giáo dục, võ công oai hùng trước giặc ngoại xâm thì dần bước vào giai đoạn suy vi dưới thời gian trị vì của Lý Cao Tông. Ông lên ngôi khi tuổi còn rất nhỏ, được các trung thần tài đức tôn phù, bản thân vua thông minh đĩnh ngộ, thế nhưng...
Đến tuổi trưởng thành, những người giúp đỡ đều đã qua đời, tự mình nắm toàn quyền trị nước lại không phát huy được những thành tựu đã có mà lại bỏ bê triều chính, ham mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán.
Trong nước, giặc giã trộm cướp nổi lên khắp nơi, tại triều đình thì gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng. Những điều đó chính là nguyên nhân đưa triều Lý bước dần ra khỏi vũ đài chính trị, bị mất đế quyền vào tay họ khác.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký tiền biên (Các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóathông tin, 2011
2. Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê)-NXB Văn hóa thông tin, 2006
3. Đại Việt sử lược (Khuyết danh) - NXB TPHCM, 1993
4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triềuNguyễn) - NXB Giáo dục, 1998
5. Những điều thú vị về các vua triều Lý (Lê Thái Dũng) – NXB Laođộng, 2009
6. Thế thứ các triều vua Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần)- NXB Giáodục, 1998
7. Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ) – NXB Thanh niên, 2001