Có 1-0-2 trong lịch sử: Đi chơi đêm về muộn, vua Việt bị cướp mất cả ấn tín lẫn bảo đao

Lê Thái Dũng |

Nghe thì tưởng chuyện đùa nhưng thật sự, từng có 1 vị vua trong lịch sử bị cướp chặn đường lấy mất bảo bối. Quả đúng là câu chuyện có một không hai.

Vua đi chơi đêm, bị cướp mất biểu tượng uy quyền

Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 của nhà Trần, tên thật là Trần Hạo, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tý (1336), là con thứ 10 của Trần Minh Tông, thân mẫu là Hiến Từ hoàng hậu Trần Huy Thánh.

Mùa hạ ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341) Trần Hiến Tông băng hà, thọ 22 tuổi. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đưa người cho Trần Hạo kế vị anh trai vào ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341), khi mới 6 tuổi. 

Khi mới lên ngôi, Trần Hạo (Trần Dụ Tông) dùng niên hiệu là Thiệu Phong, niên hiệu này được sử dụng đến năm Đinh Dậu (1357), sau đó là niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369). 

Riêng có sách Đại Việt sử lược thì viết rằng trong thời gian ở ngôi, Trần Dụ Tông đặt 3 niên hiệu là Thiệu Hưng, Đại Tự và Thiên Định.

Vị vua này có hai thời kỳ trị vì, giai đoạn đầu làm được nhiều việc có ích, nhưng sau thì lười nhác chính sự, chỉ thích ăn chơi hưởng lạc nên khi viết về ông, sử sách vừa ca ngợi, vừa chê trách: 

"Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trần Dụ Tông cũng là người rất thích chơi bời, ông từng mở cuộc thi về các trò chơi vào năm Nhâm Dần (1362), hay rượu chè, từng thi uống rượu với một bề tôi là Bùi Khoan vào tháng 4 năm Giáp Thìn (1364); thích cờ bạc, thậm chí mở sòng bạc tại cung đình, sách Việt sử tiêu án có lời phê phán rằng: "Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ…thật đáng bỉ".

Có 1-0-2 trong lịch sử: Đi chơi đêm về muộn, vua Việt bị cướp mất cả ấn tín lẫn bảo đao - Ảnh 1.

Tượng Trần Dụ Tông tại Đền Trần- Nam Định.

Không chỉ vậy, độ ăn chơi của Trần Dụ Tông đến vua phương Bắc cũng không bằng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào háng 10 năm Qúy Mão (1363) vua sai "đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. 

Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. 

Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi". 

Sách Việt sử tiêu án bình rằng: "Chứa nước mặn, nuôi cá sấu lại là kỳ tưởng; vua Tùy Dưỡng Đế, Tống Huy Tông cũng có núi, có biển nhưng không được cái chân thú này như vua".

Trần Dụ Tông là ông vua chơi bời quá độ nên cơ nghiệp nhà Trần ngày càng suy thoái. 

Vào một đêm mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1366), sau khi đến chơi nhà Thiếu uy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở (nay thuộc Hưng Yên) đến canh 3 mới trở về kinh, khi đến sông Chử Gia (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên) "bị mất trộm ấn báu, gươm báu" (Đại Việt sử ký toàn thư). 

Sách Đại Việt sử ký tiền biên cũng viết: "Vua đến chơi hương Mễ Sở. Mễ Sở là nơi ở của Thiếu úy Trần Ngô Lang. Vua đi thuyền nhỏ đến nhà ông, tới canh 3 mới về kinh. Thuyền đi đến sông Chử Gia bị mất trộm ấn báu và kiếm báu".

Bộ sử thời Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép tương tự: "Nhà vua đi chiếc thuyền nhỏ, đêm đến chơi nhà riêng của Thiếu uý Trần Ngô Lang, nửa đêm đi về, khi đến bãi Chử Gia, bị kẻ trộm lấy mất cả ấn báu và gươm báu. Tự biết là điềm chẳng lành, nhà vua lại càng buông thả ăn chơi dâm dật".

Sử chép như vậy là để tránh một chuyện bi hài "độc nhất vô nhị" trong lịch sử Việt Nam, đó là chuyện vua bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn báu. 

Suy luận có thể thấy, Trần Dụ Tông đi thuyền nhỏ, tức là số người theo hầu không nhiều, lại đi bằng đường thủy thì trộm ở đâu mà bơi theo, đột nhập lên thuyền để lấy trộm. 

Nếu kẻ lấy cắp là người trong đám tùy tùng theo hầu thì muốn truy xét cũng rất dễ dàng, bởi với chiếc ấn và thanh gươm báu thì có lấy trộm được cũng chẳng có chỗ để mà cất giấu. 

Chính vì vậy tác giả sách Việt sử địa dư đã viết thẳng sự thật như sau: "[Trần Dụ Tông] niên hiệu Đại Trị năm thứ 9 (1366), vua đi chơi hương Mễ Sở, khi trở về đến bãi Chử Gia bị cướp, mất cả ấn báu và gươm báu".

Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1369) Trần Dụ Tông băng hà, thọ 33 tuổi; làm vua 28 năm. Đánh giá về vị vua này, sách Việt giám thông khảo tổng luận viết: "Dụ Tông tính rất thông mẫn, học vấn cao minh, sửa sang văn vũ, man di phục theo; vào thời Thiệu Phong, Đại Trị, chính sự đều được ban hành, dường như có phần khả thủ. 

Song về sau tin dùng Trâu Canh làm điều loạn luân, mở sòng đánh bạc, hoang dâm vô độ, đói kém xảy ra luôn, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần".

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký tiền biên (Các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóa thông tin, 2011

2. Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóa thông tin, 2006

3. Đại Việt sử lược (Khuyết danh) - NXB TPHCM, 1993

4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) - NXB Giáo dục, 1998

5. Những điều thú vị về các vua triều Lý (Lê Thái Dũng) – NXB Lao động, 2009

6. Thế thứ các triều vua Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần)- NXB Giáo dục, 1998

7. Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ) – NXB Thanh niên, 2001

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại