Làng tỷ phú tìm vợ cho con từ khi... 8 tuổi
Thời nay tuy đã khác, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái không còn khắt khe, câu nệ chuyện xa gần như trước nhưng khi đến làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ khi biết lệ làng: Con trai con gái thường không lấy vợ, lấy chồng thiên hạ mà "ưu tiên" lấy người trong làng.
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, một cao niên trong làng cho biết, trước đây chuyện cưới xin cho con cái là một tục lệ khá đặc biệt ở Đồng Kỵ. Gia đình nào cứ có con trai lên 8 tuổi là cha mẹ đã để ý nhắm tìm xem trong làng có cô gái nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ướm có tướng mắn con, gia đình lành lẽ.
Sau khi bàn bạc với ông bà nội, tham khảo thêm ý kiến của ông chú bà bác sẽ cho người mai mối, đánh tiếng để tính chuyện trăm năm cho con trai mình. Nếu thuận lợi, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt sửa soạn cơi trầu sang bên nhà gái nói chuyện cùng gia đình nhà gái, đợi đến khi cả hai trưởng thành sẽ cho đôi bạn trẻ kết duyên tơ hồng.
Làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) còn giữ lại khá nhiều nét độc đáo của các phong tục truyền thống xưa - Ảnh: GĐVN
Như thế là cả làng đã biết cô gái đó đã "có nơi có chốn" rồi và dẫu gia đình khác dù có "ưng" cô gái đó đến đâu nhưng đành coi như mình chậm chân và đi tìm cô gái khác cho con trai mình. Khi đã ngắm được gia đình "hợp" với nhà mình, họ cho hai con tìm hiểu nhau trong một thời gian gắn nếu hai bên ứng ý sẽ tiến hành hôn lễ, còn không cũng không bắt ép và lại tiếp tục tìm hiểu đám khác.
Theo nhiều cụ cao niên cho biết, trước đây ở Đồng Kỵ có quan điểm rằng con gái có độ tuổi từ 18 - 22 là độ tuổi xuất giá đẹp nhất và được các trai làng để ý, còn lớn tuổi hơn một chút thì xem như đã... ế. Hầu như con gái xinh xắn, ở độ tuổi cập kê thì con trai thiên hạ sẽ khó mà lấy được, chỉ có cô nào kém phần "nhuận sắc" hay quá lứa lỡ thì mới đi lấy chồng ở ngoài.
Ngoài ra, việc cưới xin ở đây cũng khá độc đáo khi vẫn giữ những nét chính của phong tục truyền thống từ xa xưa. Lễ cưới ở Đồng Kỵ cũng khá đặc biệt, trước hôm cưới nhà trai dâng đồ lễ cho nhà gái đủ làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Đồ dẫn cưới thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, trầu cau chè lá đủ dùng theo yêu cầu của nhà gái.
Ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị một tráp trầu têm sẵn, miếng cau trong tráp phải là nửa quả, đây là lệ Trầu Tráp rất quan trọng trong đám cưới ở Đồng Kỵ. Số cau trong tráp trầu đón dâu không bao giờ là số chẵn mà phải là số lẻ.
Số lượng tuy không quy định nhưng thường là 21 hoặc 23 miếng. Số trầu cau này sẽ được chia cho mỗi người một miếng, nhà gái đã tế nhị nhẩm đếm số người của cả hai họ có mặt trong đám cưới để mâm nào cũng có một đĩa bốn miếng tại mỗi mâm cỗ. Đến nay lệ trầu tráp vẫn được dân làng duy trì trong đám cưới, nghi lễ này được xem là một tục lệ mang tính văn hóa cao thể hiện truyền thống trọng lễ vốn có của người Kinh Bắc.
Theo các cụ cao niên trong làng, trước kia, việc ăn đám cỗ tại làng Đồng Kỵ cũng khá khắt khe theo một qui tắc nhất định khi gia chủ phải sắp xếp một mâm cỗ chỉ có 4 người. Lần lượt người ngồi ngoài cùng ít tuổi nhất gần chỗ đặt cơm canh để phục vụ người lớn tuổi hơn, nếu đến sau cũng phải tự ý vào chỗ đó, chứ tuyệt đối không được ngồi trong.
Đặc biệt không có chuyện người nhiều tuổi hơn lấy cơm, canh cho người ít tuổi. Bây giờ nề nếp ăn uống còn thoáng và thông cảm hơn nhiều, thậm chí trước kia người nhiều tuổi hơn ăn gì người ít tuổi hơn mới được gắp theo.
Đám cưới ở Hà Nội xưa - Ảnh minh họa
Con gái xinh, giỏi nhưng vẫn ế vì thách cưới
Trong cuốn Tục hay lệ lạ Thăng Long Hà Nội của NXB Phụ nữ 2016, ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1933, người làng Hoàng Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có nhắc đến một trong bốn điều không nên làm ở Ứng Hòa xưa. Đó là không nên lấy vợ ở làng Hoa Đình, theo VietNamnet.
Ông Thiêm cho biết, Hoa Đình gồm ba làng: Hoàng Xá, Đình Tràng và Lương Xá. Nay làng Hoàng Xá thuộc thị trấn Vân Đình, còn Đình Tràng, Lương Xá, thuộc xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Con gái làng Hoa Đình xưa nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang. Tuy nhiên, các chàng trai nơi khác chỉ có thể nhìn, ngắm chứ không dám cưới.
Lệ làng xưa, trai thiên hạ muốn lấy gái làng phải nộp cheo rất nặng. Mỗi khi có đám cưới, người ta sẽ vắt một dây mây qua nóc đình, một bên buộc một chiếc cối đá. Nhà trai phải mang tiền đồng tới treo vào đầu dây bên kia, sao cho nâng được chiếc cối lên cân bằng… mới coi là đủ lệ.
"Chiếc cối đá không quá to, nhưng để nâng được chiếc cối đó, nhà trai ít nhất cũng phải mất 18 quan tiền", ông Thiêm cười, nói.
Chỉ gia đình khá giả mới có thể cưới được con gái làng Hoa Đình, Ứng Hòa thời xưa - Ảnh minh họa
Cũng theo ông giáo Đặng Đình Thiêm, vào ngày đón dâu, cánh trai làng sẽ bày một cái bàn giữa đường, trên bàn có bát hương nải chuối. Sau đó, họ căng một sợi dây thừng ngang đường. Nhà trai gặp chặng đường ấy phải tới thương lượng, đưa cho trai làng số tiền theo yêu cầu, họ mới chịu rút dây cho đi qua.
Chính vì thế, nhiều chàng trai đất khách dẫu khát khao lắm… nhưng cũng đành chịu, nếu gia tư điền sản không nhiều hoặc bố mẹ không hào phóng lo liệu.
Với trai làng thì việc nộp cheo sẽ ít hơn, lại không phải bị cảnh đòi tiền mãi lộ nên dẫu không giàu có hoặc tài ba cũng thường có hai… ba vợ!
Hiện tại, lệ thách cưới, nộp cheo hay tục chăng dây đều đã bị xóa bỏ. Các đám cưới ở Hoàng Xá ngày nay được tổ chức rất đơn giản. Tuy nhiên, những tục lệ xưa đã được ông ghi chép lại một cách tỉ mỉ cho thấy nét văn hóa mà nhiều thế hệ trẻ không còn được biết đến.