Long Sơn là một xã đảo nơi ngọn núi Nứa hùng vĩ cất giấu bao chuyện kỳ lạ có quần thể di tích Nhà Lớn nổi tiếng với đạo ông Trần. Trong tâm thức người dân Long Sơn, những người theo đạo ông Trần vẫn giữ một phong tục lạ kỳ: "Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách": Dùng chung quan tài khi chết . Đằng sau tục lệ này là cả một câu chuyện dài và những bài học nhân sinh mà người đã tạo nên Nhà Lớn Long Sơn trao gửi cho thế hệ sau.
Tục lạ ở Nhà Lớn: Người chết dùng chung quan tài
"Nhất gia hữu sự, bá gia cùng lo"
Ở Nhà Lớn luôn có một quỹ dành riêng cho đám, theo tục lệ nơi này, mỗi khi có người mất, Nhà Lớn sẽ trích quỹ mua mang tặng nhà có đám 6 bó lá, 2 tấm đệm, 4.5m vải trắng, 4.5m vải đỏ cùng 1 bao gạo và một số nhu yếu phẩm khác để lo tang sự. Đây là những hiện vật được hỗ trợ, ngoài ra, mỗi nhà có đám còn được thêm một số tiền để thuê người xây mộ.
Tục lệ ở đây thật lạ lùng so với nhiều nơi khác, người đã mất đều dùng chung một quan tài, hay còn gọi là "lồng liệt". "Lồng liệt" này có nắp làm từ cây lồ ô, thân đan bằng tre tạo thành cái lồng (cái hòm), bên dưới đáy là một miếng gỗ phẳng. Khắp lồng được quét sơn đỏ, phía hai đầu vẽ hình bông sen vàng. Nói một cách dễ hiểu, chiếc "lồng liệt" để đặt và che xác chết lại. Ngay cạnh nhà để quan tài, là những bó lá dừa nước được buộc gọn gàng cùng những tấm cói được xếp lớp chuẩn bị sẵn khi có người mất.
Người xưa có câu "Sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách" ngụ ý nói khi còn sống, vợ chồng thì cùng giường, mọi người cùng làm việc, ăn chung, cho nên khi rời xa cõi trần gian cũng phải dùng chung một cái "lồng liệt" là vậy. Ý nghĩa nhân văn đằng sau tục lệ kỳ lạ này là sự bình đẳng, xóa tan khoảng cách giàu nghèo, không phân biệt người sang kẻ hèn, người chức sắc hay dân đen đến khi ra đi cũng chỉ cần một chiếc hòm như nhau mà thôi.
Chiếc quan tài đỏ dùng chung
Theo lời một dì ở Nhà Lớn cho biết, người mất được quấn trong 3 lớp vải. Lớp đầu tiên là 4.5m vải trắng, đến một đôi chiếu rồi đến 4.5m vải đỏ. Bọc bên ngoài là 5 ruột vải trắng dùng làm "võng thân", tức là cách dùng để đưa thi hài xuống huyệt. Sau đó, người mất mới được đặt vào chiếc áo quan đỏ.
Nghĩa địa ở khu Nhà Lớn cũng rất đặc biệt và khác lạ. Sau khi huyệt được đào, dưới đáy được đặt sẵn hai cái đệm, một đôi chiếu, người dân sẽ đặt các tấm lá dừa đã được bện sẵn xếp vào huyệt. Những tấm lá dừa này xưa kia dùng để lợp mái nhà, giờ đây người ta cũng xếp mỗi bên huyệt 3 tấm, khum lại mô phỏng hình nóc nhà 2 mái. Dù còn sống hay đã mất, người dân Long Sơn vẫn có ý niệm không muốn người thân đã xuống hoàng tuyền cô đơn, hoang lạnh, "không chốn dung thân".
Tang lễ của người Nhà Lớn
Với ý niệm "Nhất gia hữu sự, bá gia cùng lo" - một nhà có việc quan trọng, trăm người ở Nhà Lớn sẽ cùng chung tay giúp đỡ, tang lễ của người theo đạo ông Trần cũng rất gọn gàng, không bày vẽ. Nói khách quan, tang sự ở đây đã lược bỏ được sự rườm rà, tốn kém, thậm chí có nhiều điểm tiến bộ.
Khác với phong tục ở nhiều nơi, khi nhà có đám tang sẽ làm cỗ đãi khách 1 ngày, thậm chí vài ngày thì ở đây, nhà có người qua đời không làm cơm đãi khách đến viếng. Thi thể người mất cũng không để tại nhà quá 1 ngày. Nếu mất buổi sáng, buổi chiều đã đưa đi chôn. Nếu mất buổi chiều hoặc tối thì chôn vào buổi sáng ngày hôm sau. Nghi thức tang lễ tuân theo chủ trương 4 không: Không kèn trống, không tụng kinh, không vang ồn tiếng khóc và không phúng điếu.
Điều đặc biệt, người ở Nhà Lớn không có các khái niệm giờ tốt giờ xấu hay "trùng tang", người mất ở đây không cần chọn giờ làm lễ nhập quan hay di quan và đặc biệt khi mất đi sẽ trở về với đất mẹ, không dùng quan tài.
Điều này được giải thích rằng, theo Ông Cố Trần thì con người sinh ra, trưởng thành nhờ đất, nước, không khí, sống lành nhờ mẹ thiên nhiên,... đến khi mất đi cũng nên trở về với cội nguồn là vậy. Việc không dùng quan với mục đích cho thân xác nhanh được tiêu hủy, sớm "siêu thoát" và ít tốn kém áo quan.
Bên cạnh đó, tục xả tang cũng được thực hiện ngay tại mộ. Khi hạ quan và đắp mộ, chiếc "lồng liệt" - áo quan màu đỏ son ấy lại được đặt về chỗ cũ ở Nhà Lớn. Ngoài ra, nếu như một ngày, trong khu vực có nhiều người mất thì cũng sẽ được phân chia cách giờ để chôn cất.
Thêm một điều đặc biệt trong tang lễ của người Nhà Lớn, sau khi đắp mộ xong sẽ không dựng bia khắc chữ. Điều này giống như việc bình đẳng khi dùng chung một chiếc áo quan vậy. Được biết, sau một thời gian chiếc áo quan cũ kỹ, hỏng hóc quá nhiều sẽ được tiêu hủy và làm lại cái mới. Lâu lâu, khi áo quan bạc màu, Nhà Lớn sẽ sơn lại, hàn vết nứt để làm mới áo quan, để những người sang thế giới bên kia được đưa một chặng đường lành lặn, trọn vẹn.
Bí ẩn xây dựng Nhà Lớn - nằm trên núi Nứa, nơi án ngữ bên vịnh Gành Rái và phía Nam rừng Rác qua bao thế hệ vẫn là câu đố đầy thách thức cho những tâm hồn yêu thích khám phá và muốn tìm hiểu về những truyền thống văn hóa phong phú của vùng đất này. Và tại sao vùng đất này lại có tục lạ như vậy có lẽ cần tìm hiểu sâu hơn về chủ đầu của Nhà lớn Long Sơn: ông Trần.
Di tích Nhà Lớn Long Sơn và Đạo ông Trần
Ông Trần là ai?
Ông Lê Văn Mưu, sinh năm 1855, người dân xã đảo Long Sơn thường gọi là ông Trần, ông cố Trần hay ông Nhà Lớn là người của vùng Hà Tiên cũ. Ông là một tín đồ của đạo Từ ân hiếu nghĩa và từng tham gia khởi nghĩa chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Ngô Lợi thất bại ở Mỹ Tho, chạy Pháp xuôi về Thất Sơn (còn gọi là Bảy Núi) ở An Giang sáng lập nên đạo Tứ ân hiếu nghĩa. Tứ ân hiếu nghĩa là việc hiếu, hiếu thảo với ông cha, tổ tiên, với nghĩa vụ đất nước và cả đồng bào. Còn việc học Phật là học những điều được Phật giáo hóa chúng sinh.
Năm 1885, ông Mưu tìm đến Thất Sơn xin được là đồ đệ của Ngô Lợi và cũng tham gia phong trào chống Pháp. Khi Ngô Lợi mất năm 1890, cuộc khởi nghĩa của ông cũng dần tan. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông Lê Văn Mưu đã đưa người thân về lánh nạn ở Rạch Dừa nhưng cũng bị gây khó dễ, sau này mới đến ở núi Nứa, khai hoang làm muối, đánh bắt hải sản, lập ấp Bà Trao, hiện nay là xã Long Sơn.
Cuộc sống của ông cùng gia quyến, và cả những người theo ông ngày càng khấm khá nhưng ông cũng chẳng lập đền chùa, miếu mạo gì, cũng không kinh kệ, chuông mõ. Ông vẫn mộc mạc đi chân đtấ, khi ở trần, khi mặc áo bà ba đen, không rượu chè, chỉ chăm chỉ làm việc. Chính vì ông có công mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân bấy giờ, nên người ta dần quên mất cái tên Lê Văn Mưu, mà chỉ gọi là ông Trần.
Cho đến khi, ông Trần xây dựng Nhà Lớn - một quần thể kiến trúc đan xen nhà lầu lẫn nhà trệt làm nơi cho dân đảo thờ cúng tổ tiên lẫn Thần Phật, cũng chính là nơi mọi người ăn nghỉ và có chỗ trú chân cho người đến thăm hỏi và lễ bái.
Người ta theo ông lập ấp, sinh sống và làm ăn thành làng thành xã. Đến khi ông mất vào năm 1935, người dân lập đền trong Nhà Lớn nên có thêm một khu vực nữa gọi là đền ông Trần, dân gian hình thành nên đạo ông Trần. Ngày vía ông được tổ chức vào 20/2 Âm lịch và ngày Trùng Cửu (9/9 Âm lịch) hàng năm. Vào những ngày ấy, Nhà Lớn tổ chức lễ lớn thu hút du khách thập phương về tham dự, chủ yếu là người dân các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.
Đạo ông Trần thường dạy về ngũ thường đó là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Chủ yếu, ông Trần được cư dân trên đảo noi theo cái tốt đẹp của đạo Tứ ân hiếu nghĩa như không nặng hình thức tu tập, không cần "ly gia cắt ái", không cần nặng giáo lý, không ép buộc ăn chay mà cần chú trọng đến thờ ông bà tổ tiên. Việc "tu nhân" - làm người vẫn là nền tảng.
Theo đạo ông Trần, những việc quan trọng của đời người như cưới hỏi hay tang ma cũng không cần chọn ngày. Tuy nhiên, đạo quy định chỉ thực hiện ngày cưới theo 4 ngày trong tháng (ngày 30, mùng 1, ngày Rằm và ngày 16 âm lịch) - theo PGS, Tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng.
Thời gian vật đổi sao dời, Nhà Lớn vẫn giữ được khuôn viên nguyên vẹn cùng những phong tục của đạo ông Trần. Khác biệt với dòng tín ngưỡng hay đạo khác thường có văn tự, kinh kệ, nhưng đạo ông Trần không chuông, không mõ, không ăn chay cũng như các hình thức mê tín dị đoan mà chỉ có lời dạy truyền miệng. Bên cạnh đó, những tín đồ theo đạo ông Trần ngày nay vẫn giữ được đặc trưng mặc áo bà ba đen, tóc búi tó.
Nhà Lớn Long Sơn có gì đặc biệt?
Tọa lạc trên núi Nứa với diện tích gần 10.000m2, Nhà Lớn là địa điểm tâm linh được nhiều du khách tìm đến không chỉ là những tín đồ hay người ngưỡng mộ đạo ông Trần mà nơi đây còn thu hút người ta bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Núi Nứa dài hơn 6km, nằm ở đoạn cuối dãy Phước Hòa nhô ra biển. Nơi đây không chỉ có cột đá chọc thẳng lên trời mà còn có 3 đỉnh (Bà Trao - 183m, Núi Rồng - 120m, Hố Vọng - hơn 100m). Trên đỉnh Bà Trao có cột đá cao được gọi là Hòn Một cùng hai khối đá nằm ngang như con tàu biển, gọi là hòn Tàu.
Ngay chân núi Nứa có hồ nước ngọt Mang Cá trồng nhiều hoa sen, khi đến mùa nở rộ, du khách có thể tận hưởng không khí tuyệt vời của cảnh sắc núi non cùng mùi hoa thơm ngát.
Quần thể kiến trúc Nhà Lớn được xây dựng năm 1910 và hoàn thành 9 năm sau đó. Ông Trần cũng xây thêm nhiều dãy phố cho dân ngụ cư đến đảo lập nghiệp, rồi cả trường học, kho thóc, bể nước rồi cả nhà chợ nữa. Với quần thể như vậy, dân xã đảo đều gọi là Nhà Lớn, ở đó có mọi dịch vụ cho cuộc sống của họ.
Nhà Lớn được trùng tu vào năm 1991 đồng thời được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa tâm linh cùng năm. Với diện tích khoảng gần 10.000m2 được chia làm 3 khu, Nhà Lớn là một trong những di tích bằng gỗ cực đồ sộ pha trộn nhiều kiến trúc theo tín ngưỡng dân gian như Nho giáo, Đạo giáo.
Nhà Lớn được chia làm 3 khu, khu đền thờ hướng về phía Đông có cổng Tam quan, vườn hoa Bát quái, nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật với hệ thống nhà gỗ hai tầng tám mái chạy dài. Nhà Lớn Long Sơn không chỉ thờ một vị Tiên Thánh mà ở đây thờ nhiều vị tiên nhân của Đạo giáo, Nho giáo, ông Trần và cả những người trong gia tộc họ Lê. Có lẽ, điều người ta ấn tượng nhất vẫn là kiến trúc Nhà Lớn không theo bất cứ chuẩn mực nào.
Nhà Lớn hiện nay vẫn còn giữ được 33 chiếc tủ thờ bằng gỗ quý cẩm lai và gõ đỏ, ngoài ra còn nhiều cổ vật được ông Trần sưu tầm khắp miền đất nước. Đặc biệt và giá trị nhất có lẽ là bộ bàn ghế bát tiên khắc hình 8 vị tiên cẩn hoa cương và khảm xà cừ mà vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh.
Đến thăm Nhà Lớn, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến những kiến trúc đặc trưng Nam Bộ xưa mà còn được thưởng thức một số món ngon đặc trưng của Long Sơn như khoai mì hấp nước dừa, bánh ít trần, bánh bò bông,...