Chỗ ngủ hàng ngày của ông bên ngoài cửa một tiệm bán đồ ăn. Ảnh: SCMP
Theo bài viết trên tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), chỗ ở về đêm của ông Lee hiện nay là gần một tiệm bán đồ ăn vặt gần Công viên Victoria.
Mặc dù sống như một người vô gia cư song ông Lee không để cho hoàn cảnh sống ảnh hưởng tới sự tương tác của bản thân đối với xã hội.
Mỗi ngày ông đều tìm đến Thư viện Trung tâm gần đó ở Vịnh Causeway - một cơ sở hạ tầng công cộng được sử dụng miễn phí. Tại đó, ông chăm chú viết blog miêu tả chi tiết cuộc sống khiêm tốn của mình.
Mặc dù không có một cuộc sống thú vị hay hào nhoáng như nhiều blogger khác, song các bài viết của ông thu hút hàng nghìn độc giả.
Người đàn ông có bằng cử nhân này hiện tại vẫn độc thân và cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với gia đình kể từ khi buông bỏ mọi thứ ra ngoài đường sinh sống.
Ông sống qua ngày với đồ ăn thừa từ cửa hàng thức ăn nhanh McDonald mở 24/7 và trợ giúp từ một ngôi đền.
“Tôi nghĩ tôi thực sự tiết kiệm tài nguyên cho xã hội này. Tôi không sử dụng tiền, nên tôi cũng không phải kiếm tiền.
Tôi không chạy theo hào quang hay vật chất. Mọi người thường nghĩ người vô gia cư là bẩn thỉu, bất lịch sự. Nhưng họ có cách sống của họ. Chúng tôi cũng có thể có một cuộc đời ổn định”, ông Lee chia sẻ.
Theo con số chính thức thống kê, có 1.127 người Hong Kong ngủ trên phố trong hai năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, con số mà nhân viên xã hội ước tính lên tới ít nhất 2.000 người.
Khoảng 35% người vô gia cư cho biết họ không thể thuê nổi một chỗ để sống vì họ thất nghiệp. Hơn nửa trong số đó ngủ trong công viên, sân chơi hoặc chỗ đỗ xe ô tô.
“Trong nhiều năm kể từ khi sống cuộc đời này, tôi chưa bao giờ gặp một người vô gia cư nào tự chọn cách sống như thế. Tôi thực sự là ngoại lệ”, ông Lee điềm tĩnh nói.
Người đàn ông này có bằng cử nhân hóa học và đã từng có một công việc văn phòng ổn định. Đến năm 1997, ông đã nghỉ việc và chuyển tới Macau.
Tại đây, ông có 7 năm làm gia sư dạy học cho trẻ nhỏ. Năm 2004, ông nghỉ làm gia sư và chuyển tới thành phố Châu Hải (Trung Quốc) được 2 năm, trước khi quay trở lại Macau.
“Đầu tiên, tôi nghĩ tôi sẽ mở lại công việc dạy học, nhưng lúc đó sòng bạc bắt đầu phát triển tại đây, và họ đều cho ăn miễn phí”, ông Lee nhớ lại.
Kể từ đó, ông ngủ ngoài đường và sống nhờ thức ăn sòng bạc thải ra cho đến năm 2010, giới chức Macau trục xuất ông.
Quay trở lại Hong Kong, người đàn ông ở tuổi ngũ tuần này phụ thuộc vào chương trình trợ cấp và sống trong một chỗ ở cho người vô gia cư công cộng 5 tháng.
Không thích cuộc sống mà xung quanh mọi người thường xuyên cãi lộn, ông quyết định ra công viên ngủ và sống tiếp như một người vô gia cư.
“Đối với tôi, đó là sự tự do. Tôi không trả tiền thuê nhà, tôi không phải mua nhà, tôi có thể ngủ ở bất kỳ đâu.
Việc ngủ ngoài đường giải quyết được nhiều vấn đề của tôi”, ông Lee giải thích. Mặc dù hiện tại ông không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ chính quyền song ông khẳng định vẫn sống khỏe.
Khi phóng viên tờ SCMP gặp ông trong một ngày động lạnh giá, ông mặc một chiếc áo khoác sáng màu dày cộp sau khi trải qua một đêm lạnh thấu người.
Phần lớn quần áo ông mặc đều là do nhân viên xã hội từ thiện hoặc nhặt trên đường phố.
“Hong Kong có rất nhiều người giàu và họ rất lãng phí. Luôn có một thứ gì đó người khác vứt đi rồi tôi có thể sử dụng”, ông Lee cho biết.
Khi nói về gia đình, người đàn ông gầy gò này bày tỏ tất cả mối quan hệ đều là nguồn cơn cho những nỗi đau và sự lo lắng.
Mối quan hệ của ông với bố mẹ, với hai em trai luôn như vậy kể từ khi ông còn nhỏ. “Nếu tôi có thể lảng tránh nỗi đau này, tại sao tôi lại phải đi và tìm kiếm nó? Tôi không ghen tị với ai, tôi luôn độc lập.
Mấy năm trước tôi ngừng nói chuyện với người nhà và cho đến giờ, tôi chưa từng hối hận”.
Ông Lee tin rằng công việc viết blog hiện của ông sẽ khuyến khích mọi người sống vui vẻ hơn, ngừng chạy theo hào quang, nổi tiếng, tiền bạc hay đòi hỏi quá nhiều từ những mối quan hệ.
Ông khuyên mọi người đừng lo lắng về ngày mai, khi điều quan trọng nhất là tận hưởng hiện tại. “Tôi sẽ để số phận quyết định điều gì xảy đến với mình”, ông trả lời với nụ cười mãn nguyện.
Quan điểm sống của ông Lee đã thu hút được nhiều người Hong Kong, với hơn 6.000 người theo dõi ông trên Facebook.