Kỳ lạ hòn đảo mang vẻ đẹp nên thơ nhưng hiếm người dám đặt chân lên: Lý do phía sau vô cùng đáng sợ

Nguyệt Phạm |

Hòn đảo này mang trong mình một quá khứ ám ảnh.

Cách bờ biển Ross-shire (thuộc quần đảo Inner Hebrides, phía tây Scotland) một đoạn ngắn bằng thuyền, hòn đảo Gruinard dài khoảng 2 km hiện ra lặng lẽ, hoang vắng. Dù có vẻ ngoài thơ mộng với những bãi đá và thảm thực vật tự nhiên, thế nhưng, trong suốt hơn 50 năm qua, hòn đảo này không có người sinh sống và hầu như không có rất ít đặt chân đến.

Kỳ lạ hòn đảo mang vẻ đẹp nên thơ nhưng hiếm người dám đặt chân lên: Lý do phía sau vô cùng đáng sợ - Ảnh 1.

Hình ảnh hòn đảo Gruinard. (Ảnh: BBC)

Quá khứ đáng sợ của hòn đảo Gruinard

Nguyên nhân là bởi quá khứ đáng sợ của hòn đảo này. Sự hoang vắng đã biến Gruinard thành địa điểm lý tưởng cho những cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học ngoài trời đầu tiên của Vương quốc Anh.

Nỗi lo sợ về việc Đức Quốc xã sử dụng vũ khí hóa học ngày càng tăng trong lòng người Anh khi Thế chiến II bùng nổ. Người Đức đã đi tiên phong trong việc sử dụng khí mù tạt trong Thế chiến I, và ngành công nghiệp hóa chất của họ đã phát triển thành lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học tại Porton Down, phòng thí nghiệm tối mật của quân đội Anh, được giao nhiệm vụ tìm hiểu sâu hơn về vũ khí hóa học và sinh học để đối phó với mối đe dọa này.

Họ đặc biệt quan tâm đến bệnh than, một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh than thường xuất hiện ở vật nuôi và động vật hoang dã, nhưng cũng có thể lây nhiễm sang người. Khi hít phải, ăn hoặc chạm vào bào tử bệnh than, người bệnh sẽ nhanh chóng bị sốt cao, ớn lạnh, ho, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều và mệt mỏi cực độ. Căn bệnh nguy hiểm này có thể dễ dàng gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Kỳ lạ hòn đảo mang vẻ đẹp nên thơ nhưng hiếm người dám đặt chân lên: Lý do phía sau vô cùng đáng sợ - Ảnh 2.

Chính phủ Anh đã thử nghiệm vũ khí sinh học trên đảo Gruinard. (Ảnh: Wiki)

Đến năm 1942, sau khi đã thực hiện đủ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, chính phủ Anh quyết định chuyển sang thử nghiệm bệnh than trong môi trường thực tế. Đảo Gruinard, nằm ở một trong những góc hoang vắng nhất của Vương quốc Anh, được chọn làm địa điểm lý tưởng.

Trong thử nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã buộc khoảng 80 con cừu ở nhiều khoảng cách khác nhau từ một hộp chứa bệnh than, sau đó cho nổ bằng thuốc nổ. Những con cừu nhanh chóng bị bệnh và chết. Trong các thử nghiệm khác, máy bay ném bom được điều khiển bay qua đảo để thả bom chứa bệnh than. Kết quả là rất nhiều động vật khác đã chết. Sau đó, các nhà khoa học mặc đồ bảo hộ HAZMAT quay trở lại đảo để phân tích và mổ xẻ xác cừu nhằm tìm hiểu tác động của bệnh than.

Chính phủ Anh tuyên bố chính thức rằng các thí nghiệm trên đảo Gruinard hoàn toàn vì mục đích phòng thủ và chuẩn bị cho những cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học có thể xảy ra. Tuy nhiên, Anh cũng đã vạch ra các kế hoạch lý thuyết về cách sử dụng vũ khí này đối với kẻ thù. May mắn thay, họ đã không cần sử dụng vũ khí bệnh than trong cuộc xung đột.

Kỳ lạ hòn đảo mang vẻ đẹp nên thơ nhưng hiếm người dám đặt chân lên: Lý do phía sau vô cùng đáng sợ - Ảnh 3.

Vi khuẩn than đã làm ô nhiễm đất và biến Gruinard thành một trong những nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất. (Ảnh: BBC)

Nhưng vi khuẩn than vẫn tồn tại trên đảo. Vi khuẩn đã làm ô nhiễm đất và biến Gruinard thành một trong những nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất.

Sau chiến tranh, chính phủ Anh đã cố gắng khử trùng hòn đảo nhưng không thành công. Gruinard vẫn bị ô nhiễm bệnh than và được coi là quá nguy hiểm cho con người sinh sống. Vì thế, hòn đảo này bị cấm hoàn toàn, ngoại trừ một số nhóm nhà khoa học đến để kiểm tra mức độ ô nhiễm của đất.

Nhiều người còn gọi hòn đảo là "một con quái vật nhiễm độc". Đến những năm 1980, nhận thức được vấn đề sẽ không tự biến mất, chính phủ đã khởi động một cuộc làm sạch triệt để. Các nhà khoa học được tiêm phòng bệnh than và mặc quần áo bảo hộ đã quay trở lại hòn đảo để khử trùng khu vực bằng cách phun nước biển và 280 tấn formaldehyde lên lớp đất mặt, với 50 lít dung dịch cho mỗi mét vuông đất.

Vào mùa hè năm 1987, một đàn cừu được đưa lên đảo Gruinard và không có dấu hiệu bị bệnh. Năm 1990, Bộ Quốc phòng Anh chính thức tuyên bố hòn đảo là "an toàn". Hòn đảo sau đó được bán lại cho những người thừa kế của chủ sở hữu ban đầu với giá 500 bảng Anh. Tuy nhiên, Gruinard vẫn không có người ở.

Kỳ lạ hòn đảo mang vẻ đẹp nên thơ nhưng hiếm người dám đặt chân lên: Lý do phía sau vô cùng đáng sợ - Ảnh 4.

Vào năm 2022, toàn bộ đảo Gruinard từng bị cháy. (Ảnh: BBC)

Vào năm 2022, toàn bộ đảo Gruinard từng bị cháy. Những người dân chứng kiến cảnh tượng này đã miêu tả hòn đảo như chìm trong "lửa tận thế".

Hòn đảo này tiếp tục trở thành chủ đề gây tò mò vào năm 2023, khi YouTuber Dara Tah quyết định ở lại qua đêm trên đảo Gruinard và lấy một ít đất để xét nghiệm bệnh than.

Mặc dù hòn đảo này được cho rằng không còn ô nhiễm, Tah và bạn của mình vẫn mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn khi quay video.

Kỳ lạ hòn đảo mang vẻ đẹp nên thơ nhưng hiếm người dám đặt chân lên: Lý do phía sau vô cùng đáng sợ - Ảnh 5.

YouTuber Dara Tah quyết định ở lại qua đêm trên đảo Gruinard và lấy một ít đất để xét nghiệm bệnh than. (Ảnh: Youtube)

May mắn thay, các mẫu mà cặp đôi này lấy từ hòn đảo không có bệnh than, điều đó có nghĩa là nơi đây an toàn để ghé thăm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cho rằng họ chưa sẵn sàng đặt chân tới hòn đảo này để tham quan.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại