Kỳ lạ em bé ở Brazil sinh ra có đuôi dài 12 cm
Em bé chào đời gây sửng sốt cho chính cha mẹ bé và những bác sĩ trong bệnh viện. Báo cáo đăng trên tạp chí y khoa cho thấy em bé mới chào đời Bệnh viện Nhi đồng Albert Sabin ở thành phố Fortaleza, Brazil có một chiếc đuôi dài kỳ lạ dài khoảng 12 cm.
Các bác sĩ cho biết bé trai sinh ra có phần phụ dài 12 cm được gọi đó là đuôi người. Chiếc đuôi dài bất thường có một phần tròn giống quả bóng có đường kính khoảng 4 cm. Cậu bé bị sinh non ở tuần thứ 35 và may mắn không có biến chứng gì khác.
Sau khi kết quả siêu âm cho thấy không có mối lo ngại nào liên quan giữa phần đuôi và hệ thần kinh của em bé, các bác sĩ phẫu thuật đã quyết định cắt bỏ phần phụ. Đây là tình trạng lần đầu tiên được ghi nhận ở Brazil, là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp.
Humberto Forte, bác sĩ nội trú nhi khoa cho biết: "Sau khi phân tích lâm sàng và kiểm tra hình ảnh, chúng tôi xác định không có bất kỳ sự liên quan đến hệ thần kinh nào, điều này khiến ca phẫu thuật cắt bỏ giảm bớt tính phức tạp".
Chiếc đuôi dài 12 cm và có khối tròn giống quả bóng đường kính 4 cm
Có một thực tế là trẻ sơ sinh phát triển một cái đuôi khi còn là phôi thai trong bụng mẹ vào khoảng thời điểm thai kỳ từ 4 đến 8 tuần. Nhưng sau đó, nó được tái hấp thụ trở lại cơ thể, cuối cùng dẫn đến sự hình thành của xương cụt. Nhưng trong trường hợp hiếm hoi của em bé sinh ra ở Brazil, chiếc đuôi vẫn tiếp tục dài ra.
Điều thú vị là trong suốt quá trình người mẹ mang thai, thăm khám thai kỳ, các bác sĩ không phát hiện ra chiếc đuôi cho đến khi đứa trẻ chào đời.
"Sự hiện diện của đuôi người ở trẻ sơ sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp và cần điều tra thông qua các cuộc kiểm tra thể chất và hình ảnh X-quang một cách toàn diện", bài báo cho biết.
Trong một số tín ngưỡng và nền văn hóa, người sinh ra có đuôi được coi là linh thiêng và được tôn thờ.
Chỉ có khoảng 40 trường hợp đã được ghi nhận về những đứa trẻ sinh ra với chiếc đuôi thật, không xương trong lịch sử. Năm 2019, một bé gái ở Bangladesh đã chào đời với chiếc đuôi dài 16cm, là trường hợp dị tật cột sống chẻ đôi đầu tiên được ghi nhận ở đất nước này. Sau đó các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ chiếc đuôi tại bệnh viện Al-Karim, tại Dhaka.