Kỳ 2: Ra khơi mùa “biển độc“: Vướng nợ vì biển giả

Lâm Xuân Thơ |

“Biển bạc không còn như xưa nữa. Biển đang dần trở thành biển giả*. Ngư dân bị giằng mất miếng cơm manh áo, tới đây không biết lấy gì để sinh sống” - anh Hồ Văn Lạng - người thuyền trưởng 37 tuổi, nhưng đã có đến hơn 20 năm đi biển, chua chát nói.

Biển vắng

Tôi lên tàu cá của ngư dân Cửa Việt, ra khơi mùa “biển không lành”, cứ mãi đau đáu dáng ngồi bệt, hai chân thõng xuống bãi cát trắng giữa trưa của lão ngư Trương Xuân Thiệt (thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bên đống lưới được vo tròn, vứt chỏng chơ cạnh những chiếc thuyền úp.

Đã ở tuổi lão làng, hằng ngày ông Thiệt vẫn ra khơi trên chiếc thuyền nhỏ, trừ những lúc sóng to gió lớn, ông mới chịu nằm bờ. Nhưng bây giờ, biển gần bờ không còn cá tôm gì nữa sau thảm họa cá chết, ông úp thuyền, vứt lưới và chỉ biết ngồi im trên bãi cát, nhìn xa xăm.

Đánh bắt gần bờ thì thế này, còn xa bờ sẽ ra sao? - tôi hỏi ông Thiệt. Ông trả lời: “Tàu xa bờ bây giờ kiểu như con cá bị trúng độc. Không bơi thì chìm, mà bơi thì vô phương vô hướng. Ra khơi mà không đủ tiền dầu, tiền bạn, đi cho khỏi nhớ biển thôi”.

Gần 15 giờ ngày 6.5, tàu cá xa bờ mang số hiệu QT-99399 xuất bến tại cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh), thẳng tiến ra vùng biển ở đảo Cồn Cỏ. Tính cả tôi, trên tàu có 14 người với đầy đủ nhiên liệu, thức ăn phục vụ cho chuyến đi biển tầm 5 ngày đổ lại.

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng là anh Hồ Văn Lạng (37 tuổi, trú tại thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) không mấy phấn khởi trước chuyến đi, bởi giá cả các loại cá vừa được cập nhật vẫn rớt tận đáy.

Tàu của anh Lạng vỏ gỗ, có công suất 410 CV được gia đình đóng mới vào năm 2015. Thời điểm ấy, giá cả các loại cá và ngư trường ổn định, nên tháng nào đi biển, tàu của anh Lạng cũng có đồng ra đồng vào.

Nhưng từ khi bắt đầu xuất hiện cá chết trắng dọc bờ biển miền Trung, những tàu xa bờ như anh Lạng đều lâm vào cảnh khốn khó. “Tàu mới đi biển lại mấy hôm nay thôi, lúc cá bắt đầu chết là nằm bờ cả, vì có bắt được cá cũng không tiêu thụ được” - anh Lạng, nói.

Biết là khó khăn và khả năng vướng nợ sau mỗi chuyến ra khơi là rất lớn, nhưng món nợ ngân hàng hơn 1,5 tỉ đầu năm 2016 anh Lạng vay để nâng cấp máy thôi thúc anh phải tiếp tục bám biển. Chiều tháng 5, nắng rát mặt kèm theo vị mặn mòi của biển táp vào những ô cửa kính để mở trên boong tàu, biển êm ả nên chiếc tàu lướt nhanh.

Chỉ mỗi anh Lạng giữ bánh lái và thường xuyên liên lạc qua bộ đàm với tàu bạn, các thuyền viên còn lại ngủ lấy sức. Anh Lạng kể, nếu thời tiết như thế này, bình thường là đông nghịt tàu giã cào*, tàu câu mực, nhưng nay không có một mống. Từ 3 hải lý đến 15 hải lý, đúng là không có tàu nào neo đậu để đánh bắt, biển vắng vẻ kỳ lạ.

Sau 2 giờ đồng hồ, đảo Cồn Cỏ lờ mờ xuất hiện trên biển cùng một số tàu đánh cá nhỏ. Tàu QT-99399 tiếp tục rẽ sóng cách đất liền 22 hải lý thì neo lại trên biển đúng lúc trời sẩm tối.

Bữa cơm được các thuyền viên nhanh chóng chế biến có đủ thịt, cá, rau xanh được dọn ra dưới boong tàu. Để bắt được cá cơm và cá nục, toàn bộ dàn đèn chiếu sáng có công suất lớn được bật sáng để hút cá tập trung về đây.

Sau bữa cơm tối, mỗi thuyền viên chọn một góc trên tàu, buông cần câu mực kiếm thêm thu nhập. Câu được con mực ống lớn, thuyền viên Phạm Đình Viện (25 tuổi, trú tại Gio Hải, Gio Linh) hét toáng lên khoe với tôi, nhưng ngay sau đó lại im bặt.

Viện ngậm ngùi, trước đây cứ rê câu xuống là kéo mực lên. Bây giờ thì họa hoằn lắm mới trúng được mực lớn. “Những chuyến trước kia, một tối tranh thủ là kiếm được cả chục lô (1 lô/kg), đếm không hết.

Còn chừ thì được mỗi từng này, đếm hết đầu ngón tay và ngón chân thôi” - Viện chỉ vào một dây mực thưa thớt giăng trên cột buồm, nói. Càng về khuya, ánh sáng ở các tàu cá phát ra càng mạnh nên dễ dàng nhận biết số tàu cá đang đánh bắt ở vùng biển này không nhiều.

Thất thểu trở về

Tàu của anh Lạng tiếp tục neo lại giữa biển, đến 4 giờ sáng 7.5 thì máy dò phát tín hiệu cá tập trung dưới ánh điện. Lúc này, thuyền trưởng Lạng chỉ đạo các thuyền viên đặt thúng kéo theo một chiếc đèn rất lớn thả xuống biển, các bóng đèn trên tàu được tắt hết.

Sau khi xem lại máy dò phát hiện vị trí đàn cá, vàng lưới vây mùng được các thuyền viên thả xuống biển ít phút rồi được kéo dần lên tàu.

Biển lúc này bắt đầu nổi gió nồm, các thuyền viên phải mang áo mưa để tránh dầm nước. Từng đoạn lưới được kéo lên tàu, mãi đến 5 giờ 30, mẻ cá đầu tiên mới được vớt lên tàu. Không được may mắn cho lắm, vàng lưới chỉ thu được tầm 300kg cá nục gai và nục suôn, nên tàu phải tiếp tục lênh đênh trên biển thêm ít nhất là 1 ngày nữa.

Thuyền viên Trần Đình Hồng (55 tuổi, trú tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh) lớn tuổi nhất trên tàu QT-99399 nhận định, luồng cá ở vùng biển này không còn nhiều nữa, cá cũng không có giá trị, nên phải đến vùng biển khác. 6 giờ 30, tàu nhổ neo, tiếp tục rẽ sóng thêm 30 hải lý nữa thì neo lại. Khác với vùng biển gần đảo Cồn Cỏ, nơi này chỉ lác đác vài ba chiếc tàu đánh cá trơ trọi giữa biển.

Các hoạt động trên tàu diễn ra bình thường như đêm đầu tiên ở ngư trường gần đảo Cồn Cỏ. Viện lại chọn góc gần cột buồm để câu mực, nhưng hôm nay sóng lớn nên chỉ ngồi được một lúc, phải chui ngay vào cabin để tránh bị say sóng.

Tờ mờ sáng 8.5, mẻ lưới lại được thả xuống và kéo lên, nhưng lần này chỉ thu được chưa đến 100kg cá nục loại nhỏ. Thuyền trưởng Lạng ngồi trong cabin, buồn thiu nhưng vẫn động viên anh em cố gắng.

Dự định là tàu sẽ di chuyển sang một vùng biển khác để kiếm đủ tiền dầu mới trở về, nhưng gió nồm bắt đầu mạnh lên, nước bắn mạnh lên boong tàu liên tục, nên thuyền trưởng Lạng quyết định trở về.

Gần trưa 8.5, tàu QT-99399 mới cập bến, chị Nguyễn Thị Tuyền (vợ anh Lạng) đã đợi ở cảng từ lúc nào. Qua điện thoại, biết tàu của anh Lạng chỉ bắt được cá nục, nên thương lái lờ đi. Do tâm lý của người dân không dám ăn cá, vì vậy dù cá nục đánh bắt ở ngoài khơi, nhưng thương lái cũng bỏ chạy, vì mua về là lỗ chổng vó.

Số cá trên tàu nhanh chóng được đưa lên bờ, cân đo đong đếm được 400kg, tính ra tiền chuyến này tàu anh Lạng chỉ thu được 3 triệu đồng. “Thương lái không thu mua, chúng tôi bán cá này cho các lò hấp, nên giá rất rẻ. Trước đây giá từ 15 - 30 nghìn đồng/kg, nay bán 8.000 đồng/kg” - chị Tuyền ngao ngán.

Chỉ tính riêng chi phí cho 2 đêm đánh bắt trên biển, anh Lạng phải bỏ ra 10 triệu đồng, nhưng thu lại vỏn vẹn được 3 triệu. Tôi hỏi anh Lạng có tiếp tục ra khơi không? Anh bảo “Nghỉ một ngày rồi đi lại để mong bù vốn. Kiếm tiền mà trả nợ ngân hàng nữa”.

Cùng lúc đó, tàu QT93127 của anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, trú tại KP1, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) ra khơi 3 đêm cũng vừa cập bến. Tàu này khấm khá hơn, vì đánh bắt được gần 2 tấn cá nục suôn. Nhưng với giá 8.000 đồng/kg, anh Bình cũng chỉ thu được 15 triệu đồng. Tính hết chi phí cho chuyến đi mỗi thuyền viên trên tàu được chia... 100.000 đồng.

Chuyện lời lãi, chi phí cho chuyến đi vào thời điểm này đã ngột ngạt như vậy, nhưng vừa bước xuống thuyền chưa ráo chân, anh Lạng và anh Bình đã nghe thông báo, giá dầu vừa tăng thêm 600 đồng/lít.

Và “đại” tiểu thương Trung Quốc bấy lâu nay thu mua cá nục suôn hấp của người dân, nay bỗng... dừng thu mua. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, các lò cá hấp sẽ đầy hàng, hoạt động mua bán đình trệ chỉ trong nay mai...

Tôi tạm quên đi cơn say sóng đang nôn nao trong dạ dày, nhìn theo dáng đi thất thểu của các thuyền viên sau chuyến khơi xa. Những ngư dân tàu xa bờ này, cũng chẳng khác mấy cái dáng ngồi bệt bất lực của lão ngư đánh bắt gần bờ Trương Xuân Thiệt...

* Biển giả: Là từ địa phương, có nghĩa là biển không còn yên ả bình thường, không cho ngư dân miếng cơm manh áo.

* Tàu giã cào: Tàu có công suất từ 90CV, khai thác thủy sản bằng cách thả lưới có 3 lớp xuống tận đáy biển rồi bắt hết từ cá lớn đến cá nhỏ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại