"Tâm sự rút ruột" của nữ doanh nhân sau chỉ đạo của Thủ tướng

Doanh nhân Ashley Ngô |

Nữ doanh nhân có tiếng của ngành kính mắt đánh giá cao tư tưởng “Chính phủ phục vụ” của Thủ tướng và bà cho rằng, bao năm qua, để doanh nhân “làm người tốt” không hề dễ.

Chúng ta mang tiếng là "xứ sở của hàng giả" đến bao giờ?

Một doanh nhân tốt là một doanh nhân đem những sản phẩm chất lượng đến cho người dân và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Điều đó có vẻ hơi sách vở nhưng là sự thật, khi mà giờ đây, để làm được cả hai điều trên không hề dễ dàng.

Lần đầu tiên nghe về tư tưởng: “Nhà nước kiến tạo, Chính phủ phục vụ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi lấy làm vui mừng và đánh giá rất cao điều này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ hiểu rõ hơn những khó khăn từ phía doanh nghiệp chúng tôi.

Tôi muốn được nhìn thấy sự hành động từ chỉ đạo này mặc dù tôi biết, để mọi thứ trở nên đâu vào đấy, chúng ta cần thời gian. Thủ tướng giải quyết mọi thứ theo từng phần và quan trọng, những người thực hiện điều này cũng phải là những người tâm huyết.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4/2016. Ảnh: Chinhphu.vn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4/2016. Ảnh: Chinhphu.vn.

Trở về Việt Nam đã 20 năm sau một thời gian dài học tập ở xứ người, kinh doanh trong ngành mắt kính đã 16 năm, một quãng thời gian dài để tôi đủ hiểu những ngọt ngào và đắng cay của thị trường này ở Việt Nam.

Tôi còn nhớ rõ ngày ấy, tôi đi một vòng các tiệm mắt kính ở Sài Gòn, thị trường mắt kính lúc đó còn sơ khởi lắm. Người ta đo và khám mắt khá sơ sài, chỉ cần một bộ thử là có thể đọc độ mắt và cắt kính, một sự “đơn giản” đến đáng sợ đối với đôi mắt của người dân.

Đó là lý do tôi phải làm. Tôi muốn mang tất cả những công nghệ tiên tiến và những sản phẩm chất lượng của nước ngoài về để phục vụ cho người dân của nước mình.

Bởi bạn biết, với đôi mắt, dùng kính giả là một cách khiến đôi mắt chết dần, trong khi người dân họ không hề ý thức được điều này. Còn những người kinh doanh không có tâm thì vì hám lợi mà bất chấp việc bảo vệ cộng đồng mình.

Tôi cũng thẳng thắn rằng, ở Việt Nam, những người bất chấp cộng đồng như thế này thì nhiều lắm. Tôi chỉ lấy ví dụ trong ngành mà tôi đang kinh doanh, hầu hết hơn 80% kính mắt đang được bày bán trên thị trường là hàng giả, hàng nhái.

Làm hại người dân là một chuyện, họ làm hại đến nguồn thu của nhà nước, đồng thời giết chết những doanh nghiệp muốn làm ăn chân chính và lương thiện. Mặt khác, họ làm xấu đi hình ảnh quốc gia trong mắt những bạn bè nước ngoài.


Ảnh: Đào Quyên.

Ảnh: Đào Quyên.

Khi tôi làm việc với nhiều hãng lớn trên thế giới, nhắc đến thị trường Việt Nam, họ đều có một suy nghĩ rằng đây là xứ sở của hàng nhái, hàng giả.

Dù lòng tự trọng dân tộc bị tổn thương nhưng chúng ta không thể không thừa nhận điều này để rồi chứng minh điều khác đi bằng những hành động nhỏ.

Hàng giả, hàng nhái là một hình thức ăn cắp trí tuệ, hủy hoại môi trường kinh doanh chân chính, làm tổn hại đến kinh tế của đất nước. Để chúng tồn tại chẳng khác gì chúng ta đang cổ xúy cho điều đó.

Điều này là không thể chấp nhận được, đối với một quốc gia muốn hướng tới một môi trường kinh doanh văn minh và lành mạnh.

Tôi trưởng thành ở Mỹ, làm việc nhiều với người Nhật, tôi hiểu tại sao người ta đánh giá cao người Mỹ và tại sao người ta tôn trọng người Nhật.

Phải chăng, đất nước của họ trở thành hai cường quốc mà cả loài người ngưỡng mộ, nó được bắt đầu từ sự thông minh và văn minh như Mỹ và chữ tín được đề cao, làm những việc vì cộng đồng như Nhật?

Ở Mỹ và Nhật, buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ phải bị ngồi tù. Từ những điều cấm cụ thể, đã mang đến cho những doanh nhân chân chính các nước này một môi trường kinh doanh tuyệt vời và đàng hoàng.

Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng tôi muốn có một môi trường làm ăn chân chính như người Mỹ, người Nhật, thực sự không dễ dàng.

Những người như chúng tôi nhập hàng đúng giá, chính hãng, tất cả mọi thứ chấp hành nghiêm pháp luật thì vật vã trên thương trường. Trong khi những kẻ buôn gian bán lậu, bán hàng nhái, hàng giả thì lại sống khỏe.

Một sự bất công khó có thể chấp nhận trong một xã hội muốn vươn tới sự công bằng và văn minh.

Tại sao luôn nghĩ ra nghiệp vụ với các doanh nghiệp làm ăn chân chính

Quay lại với chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, không chỉ tôi mà là rất nhiều doanh nhân khác rất cảm kích về điều này.

Nếu mọi chỉ đạo biến thành hành động, thì chắc chắn chúng tôi sẽ đồng hành cùng Chính phủ một cách bền bỉ vì một đất nước phát triển.

Nhiều người rất than phiền về thủ tục hải quan, nhưng suốt 16 năm qua, tôi không gặp bất cứ một trở ngại gì.

Về thuế cũng không gặp trở ngại gì. Ở đâu cũng thế, mình kinh doanh thì phải đóng thuế. Nói chung cứ làm cho đúng luật, chẳng ai có thể phiền toái hay làm phương hại đến bạn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít rắc rối. Vốn là nhà phân phối, chúng tôi luôn có một đội sales toàn quốc mang sản phẩm đi chào hàng các đại lý khắp cả nước.

Và chúng tôi đã gặp không ít phiền toái từ đội quản lý thị trường của địa phương, nhất là ở các tỉnh miền Bắc.

Họ ách xe chúng tôi lại, kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, chúng tôi luôn có. Họ bắt chúng tôi phải đưa giấy tờ hải quan ra. Lần nào cũng thế. Thậm chí, có lần xe bị giữ lại ở đội suốt mấy ngày để chờ công ty gửi các chứng từ ra.

Chúng tôi phân phối cho hàng trăm hãng, có hợp đồng phân phối, họ bắt phải có giấy hải quan cho từng thương hiệu.

Tôi không biết họ hiểu luật như thế nào, nhưng những giấy tờ này, chỉ có doanh nghiệp, hải quan và thuế nắm. Và đó cũng là bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mà hễ cứ thấy xe chúng tôi là họ chặn lại. Cuối cùng thì cũng cho đi nhưng luôn bị gây khó dễ "bằng rất nhiều cách mà chúng ta đã biết". Thực sự, những địa phương này, chúng tôi không muốn phát triển thị trường ra đó nữa.

Tại sao các anh ấy không nỗ lực cao nhất, triệt để nhất bắt những xe hàng nhập lập đang chở hàng nhái hàng giả nhan nhản vào thị trường mà luôn nghĩ ra các biện pháp nghiệp vụ với những doanh nghiệp làm ăn chân chính?

Cũng ngành đó nhưng ở phía Nam thì khác, họ rất hiểu luật và rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Hay như ở Long Xuyên, họ còn nhờ chúng tôi giúp họ nhận định hàng giả, hàng nhái để họ xử lý khi bắt các xe hàng lậu.

Chúng tôi nhập đàng hoàng, đâu phải đi “mua đường” để được đi trơn tru như nhập lậu. Nhưng ngược lại, ở dưới Long Xuyên thì đi lùng bắt hàng lậu, họ lại tin tưởng nên nhờ chúng tôi hợp tác để bắt hàng lậu.

Tôi cũng rất mừng khi Thủ tướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ. Có lẽ một điều cần các cơ quan quản lý hiểu chúng tôi hơn, đó chính là chính sách khuyến mãi.


Doanh nhân Ashley Ngô

Doanh nhân Ashley Ngô

Ở các nước phát triển, mỗi khi hàng hết mùa, doanh nghiệp được phép xả hàng với bất kỳ mức khuyến mãi nào miễn là họ có chứng từ đầy đủ và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ.

Ở Việt Nam, mỗi khi hàng lỗi mùa, chúng tôi chỉ được chiết khấu tối đa 50%. Hơn là bị phạt. Hơn là phải đi xin xỏ đủ thứ, bị phiền hà đủ thứ. Khâu thanh lý hàng gặp khá nhiều phiền toái. Tại sao lại thế?

Hàng qua mùa, hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp được xả và dân có cơ hội để dùng hàng thật được nhiều hơn. Cấm cản như vậy cũng đâu có ích gì.

Cái cần cấm, là cấm hàng giả hàng nhái. Như thế, vừa đỡ tổn hại cho dân, đỡ tổn hại cho doanh nghiệp chân chính và đỡ tổn hại cho Nhà nước.

Hãy cố gắng làm tốt dù bạn ở bất cứ hoàn cảnh nào

Nhiều người vẫn dùng câu “dòng đời xô đẩy” để minh biện cho những việc làm xấu. Và họ cho rằng, khó khăn là rào cản lớn nhất để họ có quyền được “xấu”.

Nếu bạn tốt thì xin hãy tốt trong bất cứ mọi hoàn cảnh và vượt qua các nghịch cảnh để tốt. Mà muốn làm tốt thì trước hết hãy làm cho đúng dù có thể, ở một mặt nào đó, khi bạn làm đúng, bạn sẽ gặp không ít rắc rối và mệt mỏi.

Nói thật, khi nhìn thấy tỷ lệ cận thị học đường lên đến gần 50%, khí hậu biến đổi, tia cực tím xâm nhập đang làm hại mắt của người dân như thế nào, chúng ta không thể chỉ có nói mà không làm, chỉ có muốn mà cứ để thời gian trôi qua, rồi lại chỉ dừng lại ở điều mình muốn.

Bằng việc bán những sản phẩm chất lượng, xây dựng hệ thống cửa hàng kiểu mẫu quốc tế gồm hàng hóa chuẩn, máy móc công nghệ chuẩn và bác sĩ chuẩn quốc tế.

Những doanh nghiệp chân chính muốn chứng minh cho bạn bè nước ngoài thấy, người Việt Nam có thể làm những điều đẹp đẽ. Điều đó sẽ xóa đi phần nào hình ảnh “xứ sở hàng giả” trong mắt họ.

Và nhiều người chứng minh được điều đó, chắc chắn đồng bào mình có lợi, đất nước mình có lợi và hình ảnh Việt Nam sẽ đẹp hơn nhiều trong mắt thế giới, để xóa đi những hình ảnh xấu mà chúng ta đã để lại trong họ như buôn lậu và phá hủy môi trường.

Chúng tôi chúc Thủ tướng và các cộng sự của ông, luôn chỉ đạo điều hành tốt để bộ máy kiến tạo và phục vụ tối đa cho những doanh nghiệp, doanh nhân chân chính muốn đóng góp trí tuệ và sức lực của mình cho đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại