KTS Trịnh Hiếu đã có hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc. Ngoài ra, anh còn là Founder của một trong những đơn vị kiến trúc nổi tiếng tại Hà Nội - LEAF atelier. Hành trình làm nghề của KTS Trịnh Hiếu có rất nhiều câu chuyện thú vị sẽ tạo cảm hứng cho những người trẻ muốn theo đuổi con đường kiến trúc. Bên cạnh đó, những chia sẻ thẳng thắn và mang tính chuyên môn của KTS Trịnh Hiếu chắc chắn sẽ giúp bạn có thêm cái nhìn đa chiều hơn trong quá trình xây dựng, thi công ngôi nhà của mình.
Profile KTS Trịnh Hiếu
- Họ tên: Trịnh Trung Hiếu - 34 tuổi
- Hiện là Founder công ty kiến trúc và nội thất LEAF atelier
- Một số công trình nổi bật: Nội thất chung cư Platium Residence, KX house, Chả cá Thăng Long
Kiến trúc sư là bạn đồng hành, không phải "cha mẹ" để ép khách hàng nghe theo
PV: Điều gì khiến anh từ một KTS đơn thuần trở thành Founder của LEAF atelier?
Khi làm việc cá nhân, mình hoàn toàn có thể làm được những công việc của một KTS chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi làm các công trình lớn cần chi tiết và thời gian thì nhất định phải có một đội ngũ mạnh.
Kiến trúc không phải là công việc mà một người có thể làm toàn bộ. Nó không giống như hoạ sĩ hay ca sĩ - có thể sáng tác cá nhân. Kiến trúc là bộ môn phức tạp và cần nhiều người cùng tham gia đóng góp ý kiến để công trình đạt chất lượng tốt nhất có thể.
Kỳ vọng khi làm kiến trúc của mình không chỉ làm những căn nhà nhỏ mà còn muốn thực hiện các công trình lớn, đủ sức nặng để vừa có ý nghĩa với bản thân, công ty và rộng hơn là cho toàn xã hội. Ngoài ra, mình mong muốn các thiết kế được tạo ra bởi LEAF atelier luôn gói gọn trong 2 tiêu chí là tinh giản và bản địa. Tinh giản là khi các chi tiết thừa sẽ lược bỏ chỉ để lại cái cốt lõi. Bản địa là mọi công trình luôn phù hợp với vị trí, con người và giữ được bản sắc riêng của từng khu vực.
PV: Vai trò một KTS cần đảm nhiệm là gì?
Nghề KTS được định nghĩa là những người làm nhà, làm không gian và các công trình lớn. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn nhầm lẫn 2 khái niệm KTS và NTS (nội thất sư). NTS là người chuyên về căn hộ, nội thất và không liên quan đến kết cấu, phần thô hay nói rõ hơn thì họ là người sắp đặt, stylist cho ngôi nhà. Còn KTS là người làm về mặt không gian, kết cấu và thường đảm nhận những công trình lớn, thi thoảng sẽ phải chạm đến mảng nội thất.
Ở nước ngoài, KTS và NTS là 2 mảng riêng biệt. Ở Việt Nam, vì mọi người đều muốn mọi thứ là ‘‘trọn gói’’ nên thường gom kiến trúc, nội thất hay cả thi công vào làm một.
PV: Phong cách thiết kế cá nhân có giúp KTS tạo nét riêng biệt? Và phong cách thiết kế của anh là gì?
Theo quan điểm của mình, KTS không nhất thiết phải "đóng đinh" bản thân trong một phong cách nào. Cách làm việc của mình là đồng hành cùng với khách hàng để cùng tạo ra ngôi nhà ưng ý. KTS sẽ đứng trên khía cạnh là người tư vấn và người bạn đồng hành, chứ không phải tự thiết kế hay bắt người khác nghe theo thiết kế của mình.
Ngôi nhà xây lên không phải cho mình ở mà khách hàng mới là người sống trong ngôi nhà đó. Thế nên, khi làm việc với khách hàng, mình chỉ hướng dẫn sao cho căn nhà đó đúng, an toàn và vận hành tốt.
Tiền bạc, thời gian, chất lượng - Bạn chỉ có tối đa ⅔ lựa chọn
PV: Trong suốt 11 năm làm nghề, hẳn anh đã gặp những vị khách khó tính và yêu sách. Cách giải quyết để "dĩ hòa vi quý" của anh là?
Với mình, không có khách hàng khó tính hay dễ tính, mà mình quan tâm đến độ tâm huyết của khách hàng với công trình của họ.
Nếu khách hàng quan tâm đến ngôi nhà thì đề bài đưa ra rất kỹ và họ sẵn sàng đi cùng mình từng bước, từng quy trình nên khả năng thay đổi thiết kế là không có. Những khách hàng này cũng sẽ nắm được rằng giai đoạn nào là thời điểm quan trọng để chốt phương án, giai đoạn nào không được thay đổi. Ngược lại, những vị khách thờ ơ hơn thì sẽ hay thay đổi thiết kế hơn. Lúc này, người KTS sẽ đóng vai trò là người tư vấn để hỗ trợ khách hàng tìm ra thứ mà họ thích.
PV: Theo anh, cái khó của một KTS là gì?
Cái khó thứ nhất là việc xác định chủ đầu tư của dự án. KTS phải tìm được người quyết định và chỉ làm việc với một mình họ trong suốt quá trình để tránh thông tin bị lẫn lộn cũng như giúp đạt hiệu quả tốt hơn.
Cái khó thứ 2 là phải hiểu đúng, hiểu trúng ý khách hàng.
Trong kiến trúc có 3 đại lượng không thể song hành là thời gian, chi phí và chất lượng. Khách hàng chỉ có thể lựa chọn 2 trong 3 chứ khó đạt được 3 tiêu chí cùng một lúc.
Ví dụ, khách hàng muốn có nhà đẹp và chất lượng thì bắt buộc phải tốn thời gian, muốn đẹp và nhanh thì phải chấp nhận chi phí cao. Trong trường hợp khách hàng chưa biết họ cần gì, thích gì thì mình cần thực hiện khảo sát, từ đó sẽ có được chân dung khách hàng tốt hơn, rồi mới đi đến làm việc.
Không có định nghĩa ngôi nhà đẹp, chỉ có định nghĩa ngôi nhà tốt
PV: Anh định nghĩa thế nào về 1 ngôi nhà đẹp?
Đẹp chỉ mang tính thẩm mỹ, mà thẩm mỹ mỗi người khác nhau nên rất khó có thể định nghĩa đúng thế nào là đẹp. Do vậy, với mình không có định nghĩa về 1 ngôi nhà đẹp mà coi đó là một ngôi nhà tốt thì đúng hơn.
Với những khách hàng mình gặp, mình luôn hướng họ đến một ngôi nhà hiệu quả, thân thiện và tốt. Ngôi nhà đó sẽ đáp ứng được hết các yêu cầu về công năng và hiệu quả. Tính hiệu quả ở đây chính là với số tiền mà khách hàng bỏ ra, họ thu lại được cái mà họ kỳ vọng. Cho nên, một ngôi nhà tốt là ngôi nhà đủ công năng, hiệu quả, thân thiện, thoải mái, bền bỉ và sau đó mới đến thẩm mỹ.
Và mình cũng khuyên rằng, khi xây dựng nhà cửa mọi người nên có cái nhìn tổng quát và rộng hơn về ngôi nhà của mình thay vì chỉ nghĩ về việc xây nhà đẹp, nhà to.
PV: Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi chọn lựa đơn vị thiết kế để phù hợp với nhu cầu và ngân sách không?
Thông thường mọi người sẽ nói là tìm một đơn vị uy tín, nhưng quả thực rất khó để xác định rằng thương hiệu đó có uy tín hay không. Vậy nên theo mình, một trong những yếu tố hàng đầu mà mọi người nên quan tâm khi tìm đơn vị thiết kế chính là lựa chọn nơi có thể cam kết đồng hành với khách hàng đến cuối cùng, trao cho họ niềm tin để họ yên tâm và không bị bỏ rơi giữa chừng.
PV: Làm thế nào để tạo niềm tin cho khách hàng?
KTS rất cần có thái độ làm việc chuyên nghiệp để tạo niềm tin cho mọi khách hàng.
Với mình, sở thích cá nhân cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành thái độ làm việc với nghề. Bản thân mình rất yêu thích thể thao, đặc biệt là đá bóng và chạy bộ. Mình từng chạy full marathon 2 lần. Theo mình, một cuộc chạy đua marathon cũng giống như việc thực hiện một dự án kiến trúc mà người vận động viên chính là một KTS. Trước cuộc đua, bạn cần tập luyện và tích luỹ kiến thức trong thời gian dài. Trong cuộc đua thì luôn phải duy trì trạng thái bền bỉ, và đặc biệt là không được phép bỏ cuộc giữa chừng mà phải theo sát và đồng hành đến cùng.
Ngoài ra, sở thích sưu tầm mô hình ô tô cũng dạy mình tính cẩn thận, tỉ mỉ để luôn sát sao đến những chi tiết nhỏ nhất. Ở văn phòng, mình trồng rất nhiều cây xanh vì bản thân quan tâm đến môi trường, sự bền vững và cả sức khoẻ của con người.
PV: Hiện nay, nhiều bạn trẻ đến với nghề này với suy nghĩ: KTS có thu nhập tốt, dễ giàu. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
KTS chỉ là một nghề bình thường và không phải là những người nghệ sĩ. Tuy nhiên cái khác ở đây là KTS sẽ nhạy cảm hơn, có chuyên môn về mặt xây dựng và có thẩm mỹ hơn. Ngoài ra, công việc kiến trúc là cả một quá trình, vì vậy người KTS không được phép tự ý làm việc theo cảm xúc, cảm hứng của bản thân hay thoải mái sáng tạo quá đà.
Ví dụ trong 1 dự án, việc làm theo cảm hứng chỉ diễn ra trong 1 giai đoạn ngắn thôi, đó là giai đoạn concept. Cho nên, các bạn trẻ cần phải có những suy nghĩ thực tế hơn về công việc này.
Về khía cạnh giàu hay nghèo thì còn liên quan đến khả năng của mỗi người. Như mình nói trước đó, KTS chỉ là 1 nghề nghiệp thông thường nên ở những level (trình độ) khác nhau thì mọi người sẽ có thu nhập khác nhau. Những người beginner (mới bắt đầu) thì không thể đòi hỏi mức lương quá cao được. Nếu nói về giàu có thì mình nghĩ không giàu được. Nghề này không giống buôn bán, thu nhập của KTS chỉ đơn thuần là đủ sống, đôi khi có thể là nhỉnh hơn so với mặt bằng chung một chút chứ không thể nói là giàu.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh Trịnh Hiếu!