Kinh tế Việt Nam lấy lại phong độ, GDP quý 2 tăng trưởng vượt kỳ vọng, một lĩnh vực gây ngạc nhiên cho chuyên gia quốc tế

Hoàng Nguyễn |

Trong báo cáo mới đây của HSBC với tiêu đề "Lấy lại hào quang", các chuyên gia phân tích cho biết, Việt Nam khép lại Quý 2/2024 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%.

Kinh tế Việt Nam lấy lại phong độ, GDP quý 2 tăng trưởng vượt kỳ vọng, một lĩnh vực gây ngạc nhiên cho chuyên gia quốc tế- Ảnh 1.

Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất

Trong báo cáo mới đây của HSBC với tiêu đề "Lấy lại hào quang", các chuyên gia phân tích cho biết, Việt Nam khép lại Quý 2/2024 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%. Không chỉ gói gọn trong các các chỉ số chính, sự phục hồi của Việt Nam đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu lan tỏa.

Theo đó, các chuyên gia HSBC nhận định, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hồi đầu năm chưa được như kỳ vọng, nhưng sang đến quý 2/2024 tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong hai năm đổ lại đây.

"Lâu rồi nền kinh tế Việt Nam chưa có cú hích mạnh mẽ nào và thời khắc được mong đợi đó cuối cùng cũng đã tới. Thậm chí, kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong quý 2 vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Cộng thêm điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của Quý 1/2024, kết quả này đưa tăng trưởng của sáu tháng đầu năm lên 6,4% so với cùng kỳ", báo cáo cho hay.

Không chỉ có kết quả tăng trưởng đầy thuyết phục, theo các chuyên gia của HSBC, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng ở các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Quý 2, đạt 15% so với cùng kỳ. Mặc dù xu hướng phục hồi không đồng đều trong lĩnh vực thương mại vẫn còn tiếp tục, nhưng các ngành hàng khác ngoài điện tử cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, xuất khẩu dệt may và da giày, vốn bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, cũng phục hồi trở lại và chứng kiến tăng trưởng ở mức hai con số trong Quý 2.

photo-1721962646184

Không chỉ có mảng điện tử, một số mặt hàng khác cũng đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi về xuất khẩu. Nguồn: HSBC

Cũng có quan điểm tương tự, ông Micheal Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả tăng trưởng cao hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, động lực chính đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam đến từ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

"Nếu năm 2023, động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam đến từ sự phục hồi của lĩnh vực du lịch thì sang năm 2024, lĩnh vực sản xuất sẽ là động lực chính hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam", ông Micheal Kokalari nhấn mạnh.

"Khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của sản xuất có nghĩa là lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất sẽ có xu hướng giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất sẽ phục hồi vào nửa cuối năm", vị chuyên gia của VinaCapital phân tích thêm.

Song song với tình hình thương mại tươi sáng, theo các chuyên gia HSBC, tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ. Cụ thể, PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua.

"Điều đáng khích lệ là tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao so với những tháng gần đây, là "bảo chứng" cho triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam", báo cáo nhận định.

Theo HSBC, mặc dù thương mại ngắn hạn giờ mới bắt đầu cất cánh, triển vọng FDI dài hạn vẫn luôn là một điểm sáng. Mặc dù đã giảm so với đỉnh của năm 2017, FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tất nhiên, lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn với vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2024 (4% GDP). Mặc dù phần lớn vốn hướng về sản xuất, lĩnh vực bất động sản cũng đang nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm năm ngoái.

photo-1721963027586

Dòng vốn FDI tiếp tục là một điểm sáng đối với Việt Nam. Nguồn: HSBC

Trong khi đầu tư từ Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc thường thu hút sự chú ý nhiều nhất, đầu tư từ các nước ASEAN, đặc biệt là từ Singapore cũng đang có xu hưởng chảy vào Việt Nam. Trên thực tế, Singapore đứng đầu các nước cung cấp FDI nhiều nhất cho Việt Nam. Chẳng hạn, CapitaLand đang có kế hoạch đầu tư 110 triệu USD ở Việt Nam nhằm giúp hỗ trợ sự chuyển dịch trong các chuỗi cung ứng sản xuất. Một diễn biến quan trọng đáng quan tâm chính là dự thảo kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ ngày 5/7 đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu 15% trong năm nay.

Bên cạnh thương mại, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực. Điều này lý giải vì sao các ngành như vận tải và lưu trú tiếp tục tỏa sáng. Chỉ trong nửa năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 8,8 triệu lượt khách, vượt mức của năm 2019. Đặc biệt, ngay cả chưa có cơ chế miễn thị thực, lượng du khách Trung Quốc trở lại đã đạt 80% so với thời điểm đó.

"Mặc dù Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024, chúng tôi vẫn thấy có dư địa để cải thiện hơn nữa, bao gồm mở rộng danh sách miễn thị thực", báo cáo đánh giá.

Khác với các lĩnh vực bên ngoài, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ trước đại dịch. Theo ước tính của HSBC, chỉ số này vẫn còn thiếu hụt một mức đáng kể tương đương 10% so với xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa rồi cũng sẽ tác động đến lĩnh vực trong nước, nhưng ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong Quý 4/2024.

Mặc dù vậy, chính phủ vẫn có các chính sách để hỗ trợ cho kinh tế trong nước. Quốc Hội mới đây đã đồng ý kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đến hết năm, đồng thời giảm một số loại phí đối với một số ngành, nhiều khả năng sẽ phần nào giúp nâng đỡ cho kinh tế trong nước.

Việt Nam có cơ sở để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2024?

Các chuyên gia HSBC đánh giá, nếu tình hình phục hồi tiếp tục được duy trì và lan rộng, Việt Nam vẫn sẽ chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024. Dựa trên kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5%.

"Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024", báo cáo nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, mức độ ổn định trong phục hồi thương mại và mức độ lan tỏa của sự phục hồi này sang lĩnh vực trong nước là các yếu tố cần theo dõi chặt chẽ. Đồng thời, các chuyên gia của HSBC cũng giữ nguyên quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong năm nay bất chấp những quan ngại chưa dứt về ngoại hối có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất.

"Tuy nhiên, tăng lãi suất không nằm trong viễn cảnh dự báo của chúng tôi", báo cáo cho biết.

Còn đối với VinaCapital, các chuyên gia tại đây vẫn giữ nguyên mức kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,5%. Cụ thể, trong nửa cuối năm 2024, VinaCapital kỳ vọng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Đánh giá này dựa trên cơ sở tốc độ xuất khẩu của Việt Nam tăng 15% trong nửa đầu năm 2024, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 9%.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại