Bloomberg hôm 9/7 đưa tin, ít nhất 12 doanh nhân Nga đã nhận được hơn 1 nghìn tỷ rúp (tương đương 11,4 tỷ USD) cổ tức cho cả năm 2023 và quý đầu tiên của năm 2024. Hãng tin này tính toán dựa trên số liệu được công bố công khai.
Theo Bloomberg, trong số những tài phiệt Nga nhận được khoản cổ tức này, có người đã bị phương Tây trừng phạt.
Những người nhận được nhiều tiền nhất từ việc chi trả cổ tức là các nhà xuất khẩu hàng hóa được hưởng lợi từ việc Nga chuyển hướng thương mại về phía đông, sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác ở phía nam bán cầu. Khách hàng chính của họ trước đây đến từ châu Âu.
Theo Bloomberg, người hưởng lợi lớn nhất là Vagit Alekperov - một cổ đông quan trọng và cựu chủ tịch tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga. Ông này đã nhận được 186 tỷ rúp (hơn 2,1 tỷ USD) tiền cổ tức. Tuy nhiên, Alekperov cũng đã bị Anh và Australia trừng phạt.
Alexey Mordashov - chủ tịch và cổ đông chính của công ty thép Severstal (Nga) - đã bỏ túi 148 tỷ rúp (gần 1,7 tỷ USD) tiền cổ tức. EU và các nước Mỹ, Anh đã đưa Mordashov vào danh sách trừng phạt.
Trong khi đó, Vladimir Lisin - chủ tịch công ty thép Novolipetsk Steel của Nga - thu về 121 tỷ rúp (gần 1,4 tỷ USD) tiền cổ tức.
Các khoản thanh toán này cho thấy cách các công ty lớn nhất của Nga vẫn thu được lợi nhuận bất chấp sự cô lập của phương Tây đối với nền kinh tế nước này, khi lợi nhuận đã tăng 5,4% trong quý đầu tiên của năm nay so với một năm trước đó.
Nga trở thành quốc gia có thu nhập cao
Theo tờ Business Insider, nền kinh tế do chiến tranh thúc đẩy của Nga tăng trưởng nóng đến mức, trong Bảng xếp hạng thu nhập quốc dân hàng năm được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào đầu tháng 7, Nga đã thăng tiến từ hạng "trung bình khá" lên hạng "cao".
Hãng thông tấn RT đưa tin, WB thống kê tổng thu nhập quốc dân (GNI) dựa trên phương pháp có từ năm 1989 và cập nhật bảng xếp hạng vào ngày 1/7 hằng năm, dựa trên GNI bình quân đầu người của năm dương lịch trước đó. Mức thu nhập được tính bằng USD.
Cụ thể, tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở Nga là 14.250 USD. Để được coi là có thu nhập cao, một quốc gia phải có GNI trên 14.005 USD, tăng từ mức 13.845 USD của năm tài chính trước đó.
Roman Marshavin - Giám đốc điều hành của Nhóm Ngân hàng Thế giới đại diện cho Nga và Syria - nói với hãng thông tấn Tass rằng: "Bước đi này của WB đồng nghĩa với việc tổ chức toàn cầu có uy tín công nhận sự thành công về chính sách kinh tế của chính quyền Nga trong thập kỷ qua, bất chấp các hạn chế tài chính và thương mại bất hợp pháp nhằm vào chúng tôi."
Một bài đăng trên blog của WB viết: “Hoạt động kinh tế ở Nga bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng lớn trong hoạt động liên quan đến quân sự vào năm 2023, trong khi tăng trưởng cũng được thúc đẩy nhờ sự phục hồi trong thương mại (+6,8%), lĩnh vực tài chính (+8,7%) và xây dựng (+6,6%)... Những yếu tố này đã dẫn đến sự gia tăng GDP, đồng thời GNI Atlas bình quân đầu người của Nga tăng 11,2%".
Việc phân loại thu nhập được cho là phản ánh mức độ phát triển của một quốc gia, sử dụng GNI làm “chỉ số sẵn có về năng lực kinh tế”.
Tuy nhiên, tờ Kommersant (Nga) ngày 8/7 đưa tin, Trung tâm Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Dự báo Ngắn hạn - một tổ chức tư vấn quan trọng của Nga – đã cảnh báo nền kinh tế nước này có thể hạ nhiệt và rơi vào khủng hoảng trong nửa cuối năm nay nếu Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã phát tín hiệu về việc tăng lãi suất trong ngắn hạn do lạm phát cao hơn dự kiến.
Lãi suất cơ bản của Nga đang ở mức 16% để hạ nhiệt lạm phát, nhưng lạm phát đã chạm mức 8,3% trong tháng 5 - cao hơn nhiều so với mục tiêu công bố ban đầu là 4%.