Bỗng 1 ngày xe buýt ngừng hoạt động
Vào một buổi sáng đầu tháng Tư, khi cái rét đầu xuân không khác gì mùa đông ở khu vực lạnh nhất của Trung Quốc, người dân xuống đường đi làm mà không biết rằng một điều phiền toái đang đợi mình ở phía trước.
Tại các bến xe buýt khắp Nộn Giang, một thành phố 400.000 dân thuộc vành đai rỉ sét phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang, xuất hiện những thông báo tuyên bố "tất cả các tuyến xe buýt đô thị đều bị đình chỉ".
"Các đơn vị vận hành xe buýt đã phải chịu tổn thất nặng nề do việc điều chỉnh trợ cấp xe buýt của chính phủ, tăng giá xăng dầu, tăng lương tài xế và dân số giảm" là nội dung thông báo lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Đây là ví dụ về một thành phố Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn tài chính nghiêm trọng giữa bối cảnh kinh tế giảm tốc sau đại dịch, khủng hoảng bất động sản và nợ nần chồng chất.
Mặc dù những gián đoạn như vậy được giải quyết nhanh chóng, với cam kết can thiệp từ chính quyền địa phương bằng nguồn tài chính khẩn cấp, những sự việc như vậy được coi là dấu hiệu cho thấy khả năng tài chính địa phương suy yếu.
Những dấu hiệu khác bao gồm mức lương thấp hơn, hoặc thậm chí là tình trạng nợ lương với công chức và người lao động tại các cơ quan công; sự tăng vọt trong việc vay mượn của địa phương; và những khoản phạt lớn đối với các công ty.
"Khả năng kinh tế của chính phủ [Trung Quốc] trong việc thực thi quản lý xã hội và hành chính đã bị suy yếu đáng kể", Zhou Tianyong, giáo sư của Đại học Tài chính và Kinh tế Đông Bắc cho biết, "Việc giảm thuế và phí, dù là tương đối hay tuyệt đối, là hậu quả của tình trạng kinh tế giảm tốc, làm căng thẳng nguồn thu và chi ngân sách và sau đó dẫn đến việc suy yếu khả năng quản lý kinh tế".
Hệ thống tài chính - thuế 30 năm của Trung Quốc
Có một số nguyên nhân gây ra khó khăn tài chính cho cấp địa phương, bao gồm sự chậm lại của nền kinh tế do đại dịch, và tình trạng giảm sút từ thuế bất động sản, cùng với doanh thu từ việc bán đất.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng đề cập tới hệ thống tài chính và thuế đã tồn tại suốt 30 năm qua của Trung Quốc. Họ cho rằng hệ thống này phân bổ phần lớn nguồn thu ngân sách cho chính phủ trung ương, dẫn đến một lượng lớn vay mượn không được quản lý và bán đất điên cuồng ở cấp địa phương nhằm tài trợ cho các hoạt động và phát triển kinh tế.
"Cải cách tài chính và thuế khoá 30 năm trước chưa được thực hiện triệt để. Những vấn đề chồng chất làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, và đi tới tình trạng buộc phải thay đổi", Tang Dajie, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Doanh nghiệp Trung Quốc nhận định.
Bắc Kinh đã đưa ra các cải cách từ ba thập kỷ trước để tập trung lại nguồn thu ngân sách, và trong năm đầu tiên thực hiện 1994, thu ngân sách trung ương đã tăng gần gấp ba lên 290,7 tỷ nhân dân tệ, trong khi thu ngân sách địa phương giảm gần một phần ba còn 231,2 tỷ nhân dân tệ, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Ngày nay, đa số các tỉnh thành ở Trung Quốc phải gánh vác nhiều khoản chi tiêu - từ tiền lương cho công chức, hoạt động giao thông công cộng cho tới xây dựng bệnh viện, trường học và phát triển đô thị cơ bản.
Và nhiều nơi đang phải dựa vào nguồn thu ngoài ngân sách - như từ việc bán đất và các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương - để đáp ứng khoảng cách tài chính mặc dù đã được phép phát hành trái phiếu đô thị từ năm 2015.
Nợ địa phương chất đống và hồ sơ tín dụng xấu đi đã trở nên rắc rối đến mức một số khu vực buộc phải nhờ Bắc Kinh giúp đỡ.
Quả bom nợ đang tích tụ
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, tính đến tháng 4/2024, nợ chính quyền địa phương cán mốc 41,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 5.75 nghìn tỷ đô la Mỹ), nhưng các tổ chức thị trường đang theo dõi một cách căng thẳng tình trạng có thể coi là một quả bom nợ đang tích tụ.
Đó là nợ ngầm địa phương tích lũy qua các phương tiện tài chính, doanh nghiệp nhà nước hoặc các thực thể khác - một khoản nợ nhiều khả năng là lớn hơn và nguy hiểm hơn.
Trong khi thuế thu được và doanh thu từ đất đai giảm, nhiều chính quyền cấp thành phố và huyện ngày càng phụ thuộc vào chính phủ trung ương. Các khoản thanh toán chuyển giao từ Bắc Kinh đã đạt mức cao kỷ lục là 10,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, chỉ ít hơn một chút so với doanh thu tài chính địa phương là 11,7 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Trong khi đó, thu nhập không từ thuế – bao gồm phí hành chính, quỹ chính phủ, thu nhập từ đất đai, tiền phạt và tài sản tịch thu – tiếp tục tăng lên. Trong năm 2023, có 16,4% doanh thu tài chính của Trung Quốc đến từ các khoản không thuế.
“Sự mất cân đối cấu trúc theo chiều dọc giữa chính quyền trung ương và địa phương trong hệ thống tài chính là nguyên nhân gốc rễ tạo ra những hạn chế đối với sự phát triển khỏe mạnh và bền vững của hệ thống tài chính”, Viện Quốc gia về Tài chính và Phát triển Trung Quốc (NIFD) nhận định trong một báo cáo.
Trung Quốc vẫn chưa phát triển một khung pháp lý cụ thể để xác định quyền lập pháp về thuế giữa chính phủ trung ương và chính quyền địa phương. Quốc vụ viện đã dựa vào các quy tắc bằng văn bản để điều chỉnh thu thuế và thu nợ, còn các chính quyền địa phương được cảnh báo không vi phạm những quy định ấy.
Chính phủ trung ương Trung Quốc chịu trách nhiệm về các khoản chi liên quan đến quốc phòng và ngoại giao, còn chính quyền địa phương có trách nhiệm ngày càng cao với các khoản chi liên quan đến khoa học và công nghệ, cũng như các vấn đề điều tiết tài chính.
Các địa phương cũng gánh vác chi phí liên quan đến giáo dục, văn hóa và truyền thông, an sinh xã hội và việc làm, y tế và chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, và bảo vệ môi trường.
Trong năm 2023, 99,8% chi tiêu cho hoạt động cộng đồng đô thị và nông thôn đến từ ngân sách của chính quyền địa phương, NIFD cho biết.
Kỳ vọng ở Hội nghị Trung ương 3
Nhiều chuyên gia cho rằng các vấn đề hiện hữu cho thấy hệ thống tài chính của Trung Quốc cần được cải cách cấp bách đến mức nào.
Và mặc dù Bắc Kinh có thể chọn tăng cường hỗ trợ, đồng thời cung cấp nhiều hơn những phao cứu sinh tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - sự kiện mang tính bước ngoặt để Trung Quốc đề ra các chiến lược kinh tế trong 5 đến 10 năm tới, các nhà phân tích không kỳ vọng nhiều.
"Vòng cải cách thuế mới không phải là một cuộc đại tu toàn diện hệ thống thuế hiện tại, mà dựa trên khuôn khổ chính của hệ thống đã được thiết lập," Yue Shumin, giáo sư tài chính của Đại học Nhân dân (Trung Quốc) đánh giá.
"Những trở ngại đối với cải cách thuế tương tự như những trở ngại đối với việc cân bằng lại nền kinh tế từ đầu tư sang tiêu dùng," Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group của Mỹ nói, "Ý định thay đổi hệ thống thuế sẽ đi đôi với nỗ lực cố gắng cân bằng lại nền kinh tế - nhưng hiện tại điều đó không rõ ràng".
Một số chuyên gia thì mong đợi những kết quả dễ đạt được, như việc mở rộng phạm vi thuế thu nhập cá nhân để giải quyết bất bình đẳng thu nhập, hoặc đơn giản hóa các mức thuế giá trị gia tăng (VAT) - nguồn thu nhập hàng đầu của chính phủ Trung Quốc.
"Tôi không nghĩ rằng Hội nghị Trung ương 3 sẽ có thể hoàn toàn giải quyết các vấn đề đã nảy sinh trong quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội của Trung Quốc chỉ trong một bước, nhưng chắc chắn sẽ mở ra những tiềm năng mới", Jia Kang, nguyên lãnh đạo viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc nhận định.