Sông Rhine đoạn chảy qua Duesseldorf, miền Tây Đức bị cạn một phần, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải, ngày 25/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Biến đổi khí hậu khiến tháng 7 năm nay trở nên nóng và khô hạn hơn, làm tăng nguy cơ nền kinh tế Đức rơi vào tình trạng “mắc cạn” khi mực nước sông Rhine xuống mức thấp gây khó khăn cho việc vận tải hàng hóa trên sông.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tình trạng khô hạn nghiêm trọng kéo dài càng khiến các phương tiện giao thông đường thủy, vốn đang ùn tắc dọc sông Rhine những ngày qua, càng gặp khó khăn. Việc này đang ảnh hưởng mạnh tới nỗ lực của Đức trong việc nhập khẩu năng lượng của Nga khi than được coi là hàng hóa chính vận chuyển qua tuyến đường thủy này.
Ông Roberto Spranzi, chủ của doanh nghiệp vận tải thủy DTG, cho biết mực nước sông Rhine xuống thấp bất thường khiến lượng hàng hóa chuyên chở bị hạn chế rất nhiều. Hiện mực nước ở lối vào cảng Duisburg ở miền Tây nước Đức, đo được chỉ còn 1,7 mét, thấp hơn nhiều so với mức bình thường là hơn 2 mét.
Ông Spranzi chia sẻ để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa, phải dùng 3 đến 4 tàu thay vì chỉ cần một chiếc như trước đây. Xa hơn nữa, ở đoạn Kaub, khu vực “thắt cổ chai” trong hành trình di chuyển của tàu thuyền, nơi sông Rhine chảy hẹp và nông, mực nước còn được dự báo sẽ giảm xuống dưới 40 cm vào cuối tuần và việc vận chuyển hàng hóa qua đây được cảnh báo còn ách tắc hơn nhiều.
Hiện có khoảng 4% lượng hàng hóa của Đức được chuyên chở qua các tuyến đường thủy, trong đó có sông Rhine, đi từ Thụy Sĩ, dọc theo biên giới với Pháp, qua trung tâm công nghiệp của Đức và Hà Lan ra biển.
Trong bối cảnh Berlin chuyển một phần sang sử dụng điện than để bù vào sự thiếu hụt khí đốt của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, sông Rhine trở thành tuyến đường thủy huyết mạch quan trọng đối với việc vận chuyển than.
Tuy nhiên, mực nước quá thấp đã khiến các nhà cung cấp năng lượng cảnh báo họ có thể phải hạn chế sản lượng. Mực nước sông Rhine thấp có thể khiến 2 nhà máy điện than ở Đức rơi vào hoạt động cầm chừng trong tháng 9 tới.
Những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa trên sông Rhine càng làm gia tăng tình trạng khan hiếm và gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia nhận định không chỉ than, mực nước thấp trên sông Rhine còn khiến việc vận chuyển các sản phẩm quan trọng từ dầu mỏ như xăng, dầu diesel hoặc dầu sưởi trên tuyến đường thủy này không thể hoạt động bình thường.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Đức, năm 2018, đợt hạn hán nghiêm trọng khiến mực nước sông Rhine ở đoạn Kaub giảm xuống mức thấp nhất là 25 cm, đã làm giảm 0,2% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Đức trong năm đó. Nhà kinh tế Marc Schattenberg của ngân hàng trên cho biết mực nước thấp đã xuất hiện sớm hơn nhiều trong năm nay. Với những gì đang xảy ra so với năm 2018, thì tổn thất về giá trị kinh tế có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều.