Kinh tế 2021: Chặng đua nước rút

Hà Nguyễn |

Chỉ còn 15 ngày nữa để nỗ lực, làm sao tăng trưởng kinh tế đạt được mức cao nhất có thể.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải làm sao duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra của năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải làm sao duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra của năm 2021.

Đua nước rút

Nền kinh tế đã bước vào chặng đua nước rút. Tới thời điểm này, trong các mục tiêu về kinh tế, gần như chắc chắn, mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ đạt được, khi 11 tháng dừng ở con số 1,84%. Trong khi đó, mục tiêu về tăng trưởng GDP còn trông chờ vào những nỗ lực cuối cùng của nền kinh tế.

"Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 64% kế hoạch. Trong đó, có tới 34/50 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 55%. Thậm chí, có 3 cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Đó chính là lý do các đoàn công tác của Chính phủ trong tuần qua rất rốt ráo và quyết liệt trong việc đốc thúc các địa phương này tăng tốc giải ngân. Rất nhiều vướng mắc, khó khăn đã được báo cáo để tìm giải pháp khắc phục. Không ít cam kết cũng đã được các lãnh đạo địa phương đưa ra.

"Tính đến ngày 9/12, chúng tôi đã giải ngân được gần 71% vốn kế hoạch. Chúng tôi phấn đấu đến hết tháng 1/2022 (thời điểm kết thúc niên độ ngân sách 2021), có thể giải ngân được 102,3% kế hoạch", ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Trong khi đó, Gia Lai dự kiến đạt trên 103% kế hoạch. Các địa phương như Bình Định, Đắk Lắk, Phú Thọ, Hà Giang… cũng cam kết đạt mức giải ngân 84-85% kế hoạch.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tích cực, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Trong khi đó, với hai động lực khác, là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, tình hình cũng khá khả quan. Xuất nhập khẩu sau 11 tháng đã gần chạm ngưỡng 600 tỷ USD, trong khi tiêu dùng nội địa đang được kỳ vọng sẽ dần phục hồi khi các kỳ nghỉ Tết sắp đến gần. Hiện nay, khi cả nước đã xác định "thích ứng linh hoạt với dịch bệnh", các hoạt động dịch vụ, du lịch cũng đang bắt đầu khởi động trở lại, tác động tích cực tới nền kinh tế.

Chuẩn bị cho kế hoạch 2022

Ít ngày trước, khi ký ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải làm sao duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra của năm 2021, đồng thời tạo nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế năm 2022.

Như vậy, các nỗ lực trong hiện thời không chỉ là để cho năm 2021, mà còn là sự chuẩn bị cho cả năm sau - năm được xác định là sự khởi đầu cho sự phục hồi kinh tế.

Để làm được điều đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo một loạt giải pháp quan trọng, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng chống dịch, bãi bỏ các biện pháp chống dịch trái quy định ở các địa phương; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu; kích cầu du lịch và tiêu dùng…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, dễ bị lợi dụng để cản trở, sách nhiễu, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bảo đảm nhanh chóng và thuận lợi, nhất là đối với việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 1/2022.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế năm 2022, để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong những ngày đầu của năm, tạo nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng đang được hoàn thiện.

"Đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp", chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại