Điểm rơi khi CEO bán cổ phiếu?

Vũ Hoài |

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người thân đồng loạt rao bán cổ phiếu ảnh hưởng đến tâm lý nhiều nhà đầu tư.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Có thể nói, 2021 là năm của những kỷ lục khi chỉ số VN-Index công phá thành công 1.200 điểm và đã cán mốc 1.500 điểm hồi tháng 11/2021. Không những vậy, thanh khoản trên thị trường cũng liên tục bùng nổ, có những phiên giao dịch khớp lệnh lên tới 40.000 tỷ đồng, thậm chí là 50.000 tỷ đồng.

Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng liên tục lập kỷ lục. Trong tháng 11/2021, có tới hơn 220.600 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới, một kỷ lục được thiết lập của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng phá kỷ lục về điểm số và giá trị giao dịch, thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cũng liên tục phá đỉnh. Trong khi VN-Index ghi nhận mức tăng gần 34% trong 11 tháng năm 2021 thì rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá tính bằng lần. Theo đà tăng mạnh của giá cổ phiếu, lãnh đạo tại hàng loạt doanh nghiệp cũng "đua nhau" bán ra.

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần CMVietnam (mã CMS), ông Phạm Minh Phúc tiếp tục đăng ký bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu CMS theo phương thức khớp lệnh để "phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân". Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 10/12/2021 đến 7/1/2022.

Điểm rơi khi CEO bán cổ phiếu? - Ảnh 1.

Trước đó, ông Phúc cũng đã bán thành công hơn 1,6 triệu cổ phiếu CMS từ đầu tháng 12. Bên cạnh ông Phúc, nhiều cổ đông nội bộ khác của Công ty cũng đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu CMS.

Hoạt động thoái vốn của vị Chủ tịch này cùng các cổ đông nội bộ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu CMS đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất lịch sử. Kết thúc phiên 8/12/2021, CMS đóng cửa ở mức giá 37.500 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 12 lần so với hồi đầu năm.

Tương tự, ông Trần Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần CENCON Việt Nam (mã CEN), vừa đăng ký bán hơn 2,5 triệu cổ phiếu CEN từ ngày 10/12/2021 đến 7/1/2022 cũng với lý do "nhu cầu tài chính cá nhân". Nếu thương vụ thành công, tỷ lệ sở hữu tại CEN của ông Sơn sẽ giảm xuống còn 17,5%.

Động thái thoái vốn này diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu CEN tăng mạnh. Kết thúc phiên 8/12, CEN đóng cửa ở mức giá 18.200 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 3 lần so với hồi đầu năm.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp ở sàn HNX hay UPCoM, mà trên sàn HOSE, lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp cũng bán ra cổ phiếu, như tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG). Lần đầu tiên sau nhiều năm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Tài đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu MWG. Giao dịch dự kiến diễn ra theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 3-31/12/2021.

Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Tài tại Thế Giới Di Động sẽ giảm xuống còn hơn 2,39%, tương đương hơn 17 triệu cổ phiếu.

Trước đó, Quỹ Từ thiện Mái ấm Thế Giới Di Động do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ, cũng đã bán thành công toàn bộ số cổ phiếu MWG mà đơn vị này nắm giữ. Cụ thể, Quỹ đã bán thành công 434.000 cổ phiếu MWG từ ngày 30/9 đến 8/10/2021 và hiện không còn nắm giữ cổ phiếu MWG. Kết thúc phiên 8/12, MWG đóng cửa ở mức giá 133.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 69,4% so với hồi đầu năm.

Ngân hàng LienVietPostBank (mã LPB) cũng ghi nhận sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông trong thời gian qua. Cụ thể, Công ty Cổ phần Thaiholdings (mã THD) đã bán toàn bộ 22,4 triệu cổ phiếu LPB và hoàn tất giao dịch vào ngày 1/12.

Điểm rơi khi CEO bán cổ phiếu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Thụy được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank từ tháng 5/2021. Được biết, để có chân trong Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, ông Thụy đã thôi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Thaigroup, Thaiholdings, Công ty Du lịch Kim Liên và Công ty Enclave Phú Quốc.

Theo thông tin được công bố, ông Thụy hiện là cổ đông lớn của Thaiholdings và sở hữu hơn 34,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,85% vốn tại ngân hàng này.

Việc lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu là điều khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn. Không ít người cho rằng "đây là dấu hiệu giá cổ phiếu đã tới điểm rơi".

Tuy nhiên, theo ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SGI, trong ngắn hạn có vô vàn thông tin có thể tác động đến giá cổ phiếu trong ngày hôm nay và ngày mai. Theo vị chuyên gia này, nếu nhà đầu tư tiếp tục chú trọng vào những thông tin mang tính chất ngắn hạn, rất khó để có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp và hưởng được những thành quả đầu tư xứng đáng.

"Nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố nội tại của doanh nghiệp có những chuyển biến gì, hơn là những biến chủng virus nào xuất hiện trong tương lai", ông Phúc nói.

Việc lãnh đạo và người thân bán ra lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp của mình là hiện tượng bình thường và không phải lúc nào cũng khiến cổ phiếu rớt giá. Ngược lại với việc bán cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư cũng phải trả giá khi mua cổ phiếu được phím bởi chính lãnh đạo doanh nghiệp theo thuật ngữ "cú nảy của con mèo chết" (dead cat bounce).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại