"Sau khi tốt nghiệp liền chuyển ngành sang làm kế toán, làm việc đã được 7 năm, không phải dân chuyên ngành, học lực cũng giỏi, cảm thấy bản thân không có đột phá gì quá lớn, vừa chuyển sang công việc thương mại điện tử xuyên quốc gia không lâu, cảm thấy có rất nhiều đồng nghiệp thu nhập nhiều hơn mình, lại trẻ tuổi hơn mình.
Có một chút cảm giác gì đó hơi thất bại.
Không biết nên bắt đầu nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình từ đâu để có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính."
Đây là một chia sẻ của một cư dân mạng.
Nếu nói khoảnh khắc bất lực và khiến tôi hoang mang nhất thì đó chính là năm 2012, khi mới trở về từ Châu Phi và tham gia một buổi họp lớp với chúng bạn.
Khi đó tôi vừa xin nghỉ việc ở một xí nghiệp Quốc doanh ở Châu Phi, mơ hồ với tương lai, không biết tiếp theo nên làm gì, cũng không dám về nhà, chỉ đành ở lại nhà một người bạn ở thành phố.
Người bạn đó thấy tôi ủ rũ, nên đã rủ tất cả bạn bè, nhưng người đang lập nghiệp ở đây tụ tập lại, nói là muốn cho tôi "gột rửa hồng trần", nhưng bữa cơm ấy, từ đầu tới cuối lại giống như ngàn mũi kim đâm vào lòng tôi vậy.
Nguyên nhân rất đơn giản, bởi lẽ bữa cơm ấy bỗng nhiên khiến tôi cảm nhận được rằng, thì ra, mình đã bị bạn bè cùng tuổi bỏ xa như vậy rồi.
Đó là năm thứ 2 sau khi tôi tốt nghiệp đại học, các bạn lựa chọn học tiếp thì đã bắt đầu sang năm thứ hai, còn 1 năm nữa là có được bằng thạc sỹ.
Những người lựa chọn đi du học lại càng không cần nói, có những người thậm chí còn có bằng thạc sỹ luôn rồi, chuẩn bị học lên cấp cao hơn.
Những người lựa chọn đi làm, họ cũng đã nghênh đón lần tăng lương thứ nhất, thậm chí là thứ hai của mình, con đường sự nghiệp thuận lợi.
Còn một số người lựa chọn khởi nghiệp thì cuộc sống cũng đủ gọi là sung túc, ít nhất là vẫn hơn tôi.
Cái cảm giác mình cả đời chỉ có tầm thường, chỉ có thể bị bỏ lại, không biết nỗ lực ra sao, không biết tương lai như nào khi đó, tôi đều nhớ hết.
Hiện tại đã qua gần chục năm, tôi cũng đã đổi 6 công việc, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân, tôi đều đã trải qua hết, hiện tại đang là đối tác của một công ty khởi nghiệp.
Những người bạn năm đó quả thực có những sự phát triển khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Nhưng tôi của hiện tại, cũng vượt qua rất nhiều người trong số họ, trải nghiệm những việc mà họ chưa từng làm. Đây có thể gọi là "lội ngược dòng", và cú "lội người dòng" này có lẽ nên bắt đầu từ việc "tin vào sức mạnh của thời gian."
Tin vào sức mạnh của thời gian
Nên biết rằng, đối với phần lớn chúng ta mà nói, không có cái gọi là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó, càng rất hiếm người không học hỏi mà vẫn thành tài trong một ngành nghề nào đó.
Bất kể có là tiếp thị, chăm sóc khách hàng, kế toán hay mở rộng thị trường… một người có thể có được bao nhiêu thành tựu, cầm được mức lương bao nhiêu, về cơ bản đều được quyết định vào khoảng thời gian "có giá trị" mà họ đầu tư cho lĩnh vực đó.
Thế nào là thời gian có giá trị?
Rất đơn giản, đó không phải là khoảng thời gian lặp đi lặp lại một công việc đơn điệu như một cái máy, mà là khoảng thời gian mà bạn cảm thấy mình "học thêm được điều mới mẻ".
Tương tự, chỉ cần hôm nay bạn cảm thấy trong công việc, mình có thu hoạch lại được một cái gì đó mới mẻ, vậy thì ngày hôm đó là không lãng phí, bạn cũng không cần lo âu về nó.
Những người hơn bạn, rất đơn giản là vì trong cùng một khoảng thời gian, khi bạn đang chây ì, lười biếng, thì họ lại đang tập trung học hỏi, đào sâu nghiên cứu, đầu tư thời gian cho nghề nghiệp của mình, tạo ra nhiều giá trị hơn.
Xét cho cùng, cho dù bạn 25 hay 30 tuổi, cũng sẽ không có sự khác biệt nào trong mắt hầu hết các nhà tuyển dụng doanh nghiệp mới nổi, tất cả những gì họ quan tâm là bạn có bao nhiêu năng lượng trong ngành này.
Nếu muốn hơn người, bạn phải "trầm" lại, bắt đầu từ việc dành ra những khoảng thời gian "có giá trị", hãy học hỏi, tìm tòi những tri thức mà người khác chưa biết, ít nhất nó có thể giúp bạn đứng ở cùng một vạch xuất phát với họ, rồi nghĩ tới chuyện tiếp theo sau.
Năm đó, vì muốn theo kịp chúng bạn, vì lòng tự tôn, việc đầu tiên mà tôi làm chính là dành cả một tháng để "nhặt" lại tất cả những kiến thức, từ vựng tiếng anh mà tôi đã cho ra khỏi đầu trước đó.
Đi tìm ưu thế có một không hai của mình
Nếu bạn không đi tìm, hoặc tìm không ra, vậy thì với một người mới ra đi làm mà nói, bạn chỉ có thể đuổi theo người khác trong một thời gian rất dài.
Bạn chỉ có thể học thứ người ta đã học, chỉ có thể thấy thứ người ta đã thấy, muốn vượt qua người khác lại chỉ có thể ước mình có thiên phú gì hơn người.
Nói về thiên phú, tôi không tin, tôi tin vào phương pháp thực tế hơn.
Đơn xin học thạc sĩ trước đây của tôi đã nhận được tất cả các thư mời nhập học từ các trường ứng tuyển và học bổng toàn phần của chính phủ Pháp với tỷ lệ đậu dưới 1%. Tôi đã dựa vào điều gì?
Chính quãng thời gian làm việc ở Châu Phi đã giúp tôi.
Trong kế hoạch học tập, tôi đã viết về phát triển kinh tế ở Châu Phi, khi phỏng vấn tôi cũng đã đề cập tới việc đất nước mình và Pháp cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho Châu Phi.
Ở câu hỏi cuối cùng, thầy phỏng vấn hỏi tôi: "Bạn làm sao đảm bảo rằng mình có thể hoàn thành tốt quá trình du học tại Pháp?"
Câu trả lời của tôi là: "Tôi đã sống sót trong môi trường khắc nghiệt như Châu Phi, không lẽ du học Pháp có khắc nghiệt hơn ư?"
Lần xin học bổng ấy, vì thời gian gấp gáp, tôi không hề thắng về mặt ngôn ngữ, cũng không viết ra được một lá thư xin học bổng quá hoàn hảo, nhưng tôi lại thắng nhờ cái phần "độc nhất vô nhị" ấy.
Trong công việc cũng vậy, nếu bạn cũng nghiêm túc ở công việc trước, nó nhất định sẽ đem lại cho bạn một tài sản quý giá nào đó, và món tài sản ấy, cũng rất có thể là một quân át chủ bài giúp bạn có được vị trí như mình mong muốn trong công việc tiếp theo.
Đừng bao giờ xem nhẹ tâm thái
Có một điều mà chúng ta không thể không thừa nhận đó là bất kể là thành công, hay những người sớm đã tự do tài chính, đều không thiếu được sự may mắn.
Bối cảnh như nhau, cùng làm gần như một việc, nhưng vài năm sau lại cách nhau một trời một vực, những câu chuyện như vậy xung quanh chúng ta có lẽ cũng không hiếm.
Và thêm một điều nữa mà chúng ta cần chấp nhận đó là dù lý tưởng có cao hơn trời thì phần lớn chúng ta tới cuối cùng cũng chỉ có thể sống một cuộc sống bình thường.
Cũng chính vì vậy, mà càng muốn thành công, càng muốn có thành tựu, càng không muốn mình bị những tháng ngày tầm thường dày vò, càng phải coi trọng tâm thái.
Chúng ta cần không ngừng bồi dưỡng cho mình tâm thái: muốn thắng thì không được sợ thua, muốn giàu thì đừng sợ nghèo.
Khi còn làm việc ở Châu Phi, tôi đã từng làm phiên dịch viên cho một người giàu trong danh sách của Forbes trong vài ngày.
Lý do tôi quen với ông ấy là vì ông ấy muốn phát triển một mảng khoáng sản ở Châu Phi với công ty tôi làm việc vào thời điểm đó, đó là một dự án hàng tỷ đô la.
Ông ấy 70 tuổi, có sản nghiệp ở rất nhiều nơi trên thế giới, tiền kiếm được để mấy đời cũng chẳng tiêu hết.
Nhưng ông ấy vẫn một năm 365 ngày thì có tới hơn nửa số ngày rong ruổi trên máy bay, hơn nữa nếu không cần thiết, ông ấy sẽ không ngồi khoang hạng nhất.
Ông ấy lúc nào cũng chỉ xuất hiện với bộ đồ công sở thường thấy, một chiếc vali nhỏ, và đi xử lý tài sản của mình trên khắp thế giới.
Sau này, khi ông ấy tới nước mình làm việc, tôi một lần nữa có vinh hạnh được làm phiên dịch cho ông ấy.
Cá nhân tôi từng hi vọng có thể tới làm việc cho vị tỷ phú này. Đối với tôi mà nói, đây giống như chiếc thảm đỏ trải đường tới thành công vậy.
Vậy là, nhân cơ hội lần này, mỗi ngày tôi đều mặc vest chỉnh tề, tràn đầy năng lượng trong mỗi ngày phiên dịch, thậm chí để khiến vị tỷ phú này vui lòng, tôi còn bỏ ra cả nửa tháng lương thuê tài xế lái xe riêng cho ông ấy, tiện thể đưa ông ấy đi tham quan thành phố.
Cuối cùng sau khi hội nghị kết thúc, tôi tiễn ông ấy ra sân bay. Trên đường đi, tôi lấy hết dũng cảm mở lời: Ngài xem liệu tôi có thể làm việc cho Ngài hay không?
Vị tỷ phú cười cười nói: Không được, còn sớm quá.
Tôi nghe xong rất hoang mang, hỏi: Tại sao lại sớm quá?
Vị tỷ phú nói: Tôi nói tất cả những điều này anh đều làm sớm quá, anh còn chưa sẵn sàng mặc những bộ vest mà anh mặc mỗi ngày, anh còn chưa thể tận hưởng chiếc xe mà anh thuê, anh còn chưa tổ chức được mấy hội nghị bên ngoài, vì vậy, tạm thời anh vẫn chưa thể làm việc cho tôi.
Anh sợ tôi nhìn ra được anh là một người mới đi làm chưa được bao lâu, và với người trẻ thì đây chính là vấn đề lớn nhất.
Thấy tôi im lặng không nói gì, vị tỷ phú đưa cho tôi một phong bì, bên trong là số tiền mà tôi tiêu cho ông ấy trong mấy ngày này.
Tôi từ chối không nhận, ông ấy liền đặt phong bì xuống ghế.
Tôi lại lấy hết can đảm ra hỏi: Vậy khi nào thì tôi có thể?
Vị tỷ phú lại cười: Đợi anh điềm nhiên đưa tôi đi dạo một vòng thành phố bằng tàu điện ngầm là được.
Chớp mắt câu chuyện xảy ra đã vài năm, những năm nay, tôi vẫn luôn tự hỏi mình, nếu vị tỷ phú ấy xuất hiện trước mặt tôi lần nữa, liệu tôi đã có thể bình thản nói chuyện nhân sinh với ông ấy hay chưa?
Có khi tôi cho là mình được, nhưng cũng có khi tôi lại thấy mình vẫn chưa đủ.
Còn cụ thể chỗ nào vẫn chưa được, chắc có lẽ chỉ có thể đợi vị tỷ phú kia quay lại, hoặc đợi cơ hội ưu tú tiếp theo xuất hiện trước mặt, có lẽ tôi sẽ có đáp án…
Đây chẳng phải là sức mạnh và sự quyến rũ của thời gian ư?