Nhiều phụ huynh có thói quen cùng con làm bài tập về nhà, kiểm tra xem con làm có gì sai sót gì không, đồng thời hướng dẫn trẻ sửa nếu làm sai.
Tuy nhiên, theo bà Mộc Miên (Trung Quốc), một bà mẹ đồng thời là một chuyên gia giáo dục con có hơn nửa triệu người theo dõi thì: Nếu cứ như vậy, thời gian trôi qua, trẻ sẽ hình thành những thành kiến về nhận thức: Bài tập về nhà của mình được viết cho cha mẹ và giáo viên. Mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ hình thành tâm lý luôn làm kiểu chiếu lệ, xong vội vàng, dù đúng hay sai bố mẹ cũng sẽ kiểm tra giúp!
Ảnh minh họa
Bà Miên nói: "Cách đây vài năm, có một người mẹ hỏi ý kiến tôi. Chị nói: Kết quả học tập của con gái rất tốt, đặc biệt là làm bài tập về nhà đầy đủ nhưng lại không đạt điểm cao trong các kỳ thi.
Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi phát hiện ra bài tập về nhà của cô bé thường được mẹ kiểm tra. Từ lớp một đến lớp ba, cô bé viết bài tập ngày càng nhanh, cứ thế đưa cho mẹ. Tôi nói với người mẹ rằng sau này chị nên để con học cách tự kiểm tra bài tập về nhà. Kiểm tra chỗ thiếu sót và tự sửa sai là một khả năng mà mỗi đứa trẻ nên có. Cho dù đó là viết bài tập về nhà hay tham gia vào công việc sau này, mối liên kết giữa hai điều này là không thể thiếu, và đó là một mắt xích rất quan trọng".
Để trẻ hoàn thành bài tập về nhà một cách độc lập
Khi con bạn về nhà, chúng nên có một lịch trình cụ thể những việc cần làm tại nhà. Trẻ em cần biết rằng chúng có thời gian để ăn, có thời gian để làm bài tập về nhà và cũng có thời gian rảnh rỗi. Thời gian rảnh chỉ bắt đầu sau khi làm xong bài tập về nhà. Đồng thời, cha mẹ phải học cách buông bỏ việc làm bài tập về nhà hay sửa bài giúp con.
"Trẻ còn nhỏ, chưa đọc được kĩ câu hỏi, làm sao có thể làm được nếu không có người lớn theo dõi?"; "Con tôi mới vào lớp một, bài tập này không làm được, tôi phải đứng ngoài nhìn sao?"... Chúng ta luôn cảm thấy con mình còn nhỏ, không nỡ để con tự lập. Nhưng trên thực tế, cần rèn luyện cho trẻ thói quen hoàn thành bài tập về nhà một cách độc lập ngay từ khi còn nhỏ. Ngay cả khi trẻ viết kém hoặc viết sai, hãy cố gắng để trẻ tự làm.
Khi chúng ta cùng con làm bài tập, thấy sai chỗ nào liền hét lên: Ôi, không đúng, viết không phải như vậy! Nếu trẻ đang trong trạng thái tập trung, trẻ sẽ bị ngắt quãng, cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Kết quả cuối cùng là trẻ không dám viết dù biết viết vì sợ bị mắng nếu viết sai.
Vì vậy, mặc dù giáo viên yêu cầu phụ huynh giám sát bài tập về nhà của con nhưng chúng ta phải học cách buông bỏ từ từ. Thay vài đó, chỉ đóng vai trò giám sát và trau dồi khả năng tự hoàn thành bài tập về nhà của trẻ.
Để trẻ tự kiểm tra bài tập về nhà
Cha mẹ nên rèn luyện cho con khả năng tự kiểm tra bài tập về nhà. Thời gian đầu có thể trẻ chưa hiểu rõ, nhất là đối với trẻ lớp 1, cha mẹ có thể hướng dẫn con vài lần.
Nên dặn con: Con có thể học cách kiểm tra bài tập về nhà trước, so sánh với bài học, tự xem xét kỹ lưỡng, xong rồi hẳn đưa mẹ. Điều này sẽ giúp con bạn có trách nhiệm với bài vở của chúng chứ không ỷ lại, làm qua loa rồi "thảy" cho cha mẹ. Sau đó, bạn có thể thiết lập hệ thống thưởng và phạt cho con mình: Nếu tỷ lệ sai sót cao thì phải học thuộc lòng một số bài thơ, nếu tỷ lệ sai sót thấp có thể thưởng cho trẻ một món quà nhỏ.
Nếu con bạn lười học, bị điểm kém, đó là hậu quả tự nhiên cho hành vi của chúng, vì thế bạn không nên can thiệp và cố gắng yêu cầu giáo viên của con bạn thay đổi điểm số.
Việc học là việc cả đời và cũng là việc riêng của trẻ, là cha mẹ, chúng ta không nên can thiệp quá nhiều.