Đầu tháng 7, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã thoái vốn khỏi 2 công ty con. Đó là công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xây dựng đầu tư phát triển Nhà Hưng Thịnh và công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Nhà Quốc Cường. Đáng chú ý, Nhà Quốc Cường hiện đang là đơn vị có vướng mắc kiện tụng với khách hàng trong vấn đề bàn giao nhà.
Gần hai năm trước, hàng chục khách hàng mua căn hộ của công ty này đã đồng loạt gởi đơn kiện vì công ty chậm giao nhà và giao nhà không đúng nội thất. Kết quả, tòa án nhân dân quận 3, TP.HCM mới đây tuyên án, Nhà Quốc Cường phải trả phạt 258 triệu đồng cho khách hàng vì những sai phạm kể trên.
Sau khi thua kiện, lãnh đạo Nhà Quốc Cường tuyên bố sẽ kháng án. Tuy nhiên, giữa lúc chờ kháng án, QCG đã rút lui khỏi Nhà Quốc Cường. Không có thông tin tiết lộ về phía bên mua cũng như giá trị thương vụ thoái vốn.
Nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, cuối năm ngoái, QCG vẫn còn nắm tới 90% vốn ở 2 công ty con này, với tổng vốn góp là 90 tỷ đồng. Sau đợt thoái vốn, QCG chỉ còn nắm vốn ở 5 công ty con và 3 công ty liên kết.
Báo cáo thường niên ghi rõ, QCG tham gia góp vốn vào Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh từ năm 2006. Trong 6 công ty con mà QCG góp vốn tính đến cuối năm 2012, trừ công ty Bến du thuyền Đà Nẵng là chưa được góp vốn, đây là hai đơn vị có số vốn ít nhất.
Nhà Hưng Thịnh hoạt động trong lĩnh vực mua bán thiết bị vệ sinh và trang trí nội thất cũng như kinh doanh nhà và môi giới bất động sản, còn Nhà Quốc Cường chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực quản lý chung cư - nhà cao tầng, môi giới bất động sản.
Trên thực tế, những dự án mà các công ty này quản lý cũng đã xong giai đoạn bàn giao. Đơn cử, dự án căn hộ Quốc Cường Gia Lai mà Nhà Quốc Cường quản lý đã được bàn giao từ quý IV/2011. Vì thế, việc QCG chọn cách thoái vốn khỏi hai đơn vị này được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp.
Song, vấn đề gây chú ý ở chỗ QCG thoái vốn khỏi Nhà Quốc Cường vào thời điểm nhạy cảm, khi tranh chấp giữa Nhà Quốc Cường và khách hàng vẫn còn. Do đó, dư luận ít nhiều cho rằng, QCG rút khỏi Nhà Quốc Cường để tránh rắc rối.
Trong trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch QCG, đã lên tiếng phản bác: Đây là số tiền quá nhỏ so với quy mô vốn của công ty, không thể là lý do để QCG thoái vốn. Công ty thoái vốn ở công ty con là theo kế hoạch đặt ra từ trước.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2013, QCG chỉ có 2,4 tỷ đồng tiền mặt, giảm mạnh so với đầu năm. Tuy nhiên, trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của QCG lại có sự gia tăng khoản phải thu và hàng tồn kho. Đơn cử, khoản phải thu trong quý I/2013 của QCG đã tăng thêm hơn 150 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tăng khoản phải thu từ khách hàng và trả trước cho người bán. Điều này hàm ý, việc bán hàng và đầu tư vẫn đang diễn ra.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu bán hàng của QCG trong quý I/2013 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, chi phí hoạt động, chi phí lãi vay đều giảm mạnh giúp QCG ghi nhận lãi trong quý I/2013. Thêm nữa, QCG đã giảm được đáng kể chi phí lãi vay. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí lãi vay đã giảm còn bằng 1/5.
Một phần nhờ lãi suất cho vay hạ nhiệt, phần khác do QCG đã giảm được nợ vay. Hiện tại, tuy QCG vẫn là doanh nghiệp nợ hàng ngàn tỷ đồng, nằm trong top các doanh nghiệp địa ốc nợ "khủng". Nhưng theo báo cáo tài chính, mức độ vay nợ của QCG vẫn trong vòng kiểm soát. Nợ ngắn hạn đang bằng 40% tài sản ngắn hạn. Trong đó, khoản nợ ngắn hạn lớn nhất đến từ nợ người mua trả trước và các chi phí phải trả. Nợ vay ngắn hạn đã được QCG giảm đáng kể.
Tại đại hội cổ đông QCG năm 2013, bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ việc "QCG quyết tâm xóa nợ". Theo đó, QCG sẽ tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu từ các dự án, vận động cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu chuyển đổi trái phiếu cho VOF PE Holding 5 Limited với tổng giá trị 136,5 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, sáp nhập địa ốc Sài Gòn Xanh...
Nhưng vấn đề của QCG là phải thúc đẩy hơn nữa thanh khoản cho các danh mục đầu tư, giải phóng tồn kho, gia tăng dòng tiền. Dòng tiền cho đầu tư và dòng tiền từ tài chính ở QCG hiện đang âm. Trong khi QCG có nhiều dự án như 24 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM); dự án Lương Định Của (quận 2); dự án Phước Kiểng và các dự án tại Đà Nẵng... cần rót vốn đầu tư.
Danh mục đầu tư của QCG là rất lớn, trên cả ba lĩnh vực: bất động sản, cao su, thủy điện. Với bất động sản, QCG đang tham gia hơn 10 dự án. Theo Hội đồng Quản trị của QCG, trên cơ sở dự án đang triển khai dở dang, lợi nhuận trước thuế của QCG năm 2013 có thể đạt 50 - 60 tỷ đồng.
Tính toán từ công ty chứng khoán Bảo Việt cũng xác nhận, nguồn thu của QCG trong năm 2013 sẽ đến từ các khoản như: khoản thanh toán của công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom (530 tỷ đồng) cho phần dự án Giai Việt và của BIDV (khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay) cho phần dự án cao ốc Sài Gòn Plaza - Lê Thánh Tôn.
Riêng với các dự án bất động sản dang dở chiếm trên 3.830 tỷ đồng (57% tổng tài sản), theo giới quan sát, chỉ cần thị trường bất động sản ấm hơn, cơ hội cho QCG chuyển bại thành thắng vẫn lớn.