Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cơ hội vàng cho hàng nhập lậu?
Mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia và thuốc lá... Theo đó, từ ngày 1-7-2015, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 15-30% so với mức đang áp dụng. Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, dự thảo này đang gặp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp đồ uống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco chia sẻ: “Sẽ có lý khi cho rằng: tăng thuế thu nhập đặc biệt sẽ tăng ngân sách cho nhà nuớc, tuy nhiên, đó chỉ là ngắn hạn, còn về dài hạn, liệu ngân sách đó có tăng không, hay lại giảm - đây là bài toán tài khoá mà Chính phủ cần suy xét”.
Cũng theo ông Tuất, việc tuyên bố tăng thuế thu nhập đặc biệt lúc này là không đúng thời điểm. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra cú đấm về tái cơ cấu doanh nghiệp trong đó trọng tâm là việc cổ phần hóa, việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là hành động làm giảm đi tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do cổ tức giảm, trong khi đó, trên thực tế, thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ để kích thích đầu tư, làm tăng đầu tư cho thị trường trong nước.
Hơn nữa, ông Tuất cho rằng: đối với ngành bia – ngành có đặc điểm là biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp rất lệch nhau, có doanh nghiệp chỉ từ 2-3%, nhưng có nơi biên độ lợi nhuận lại lên tới 30, 40%. Khi tăng thuế thu nhập đặc biệt ở mức đều nhau thì những doanh nghiệp yếu thế sẽ bất lợi lớn, ngược lại, những doanh nghiệp có biên độ lợi nhuận cao sẽ rất an nhàn, thanh thản.
“Cuộc chơi này sẽ dẫn đến một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam đó là: các doanh nghiệp nhỏ của ngành ruợu, bia, nước giải khát trong nước sẽ chết trước, các doanh nghiệp lớn hơn cũng sẽ mệt mỏi còn các doanh nghiệp có biên độ lợi nhuận cao (chính là các doanh nghiệp nước ngoài) sẽ ung dung. Và sau vài năm nếu thực hiện biện pháp này, ngành đồ uống Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào tay nước ngoài” – ông Tuất nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo ông Tuất, đây là một vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta cần tính toán đến về lâu, về dài. “Khi các doanh nghiệp trong nước không còn nộp ngân sách nhiều nữa còn doanh nghiệp nước ngoài thì chuyển giá ra nước ngoài thì nguồn thu của Nhà nước sẽ tăng hay giảm?” - Chủ tịch Sabeco đặt dấu chấm hỏi.
Ngoài ra, không ít công ty bia, rượu trong nước cũng e ngại rằng: Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khuyến khích nhập khẩu, tạo một cơ hội vàng cho các mặt hàng nhập lậu. Từ đó, Chính phủ sẽ khó khăn, vất vả hơn nhiều trong việc kiểm soát. Nhà nước lại phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc kiểm soát hàng nhập lậu, tổng thu liệu có bù chi được hay không?!
Người tiêu dùng được lợi hay sẽ bị ảnh hưởng?
“Nếu tăng thuế thu nhập đột ngột như dự kiến thêm 15% vào năm 2015 thì sẽ tác động mạnh vào giá cả vì nó gây sức ép cho các doanh nghiệp tăng giá để bù đắp phần nào vào việc lợi nhuận bị giảm đi. Nếu một loạt hàng hoá chịu mức thuế thu nhập đặc biệt tăng như vậy, CPI sẽ bị ảnh huởng” – Tổng Giám đốc của một công ty bia nội địa danh tiếng băn khoăn.
Xa hơn một chút nữa, với kinh nghiệm 9 năm làm chính sách, ngẫm nghĩ về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất lại nhìn thấy một viễn cảnh không mấy tốt đẹp.Trong bối cảnh Asean thống nhất, các nước bạn không tăng thuế, nếu Việt Nam một mình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thì vô tình chúng ta lại tự làm khó mình. Việt Nam sẽ trở thành ốc đảo so với các nước bạn, cơ hội kinh doanh ít đi.
“Việt Nam tự nhiên sẽ trở thành một quốc gia khó chịu trong số các nước dễ chịu đối với nhà sản xuất. Như vậy, hàng hóa của các nước khác như Thái Lan sẽ vào rất nhanh khi thuế tiêu thụ đặc biệt của họ thấp hơn của ta. Tôi cho rằng, đây là một cuộc chơi dài hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt không nên nhìn nhận theo chính sách thu ngân sách trong ngắn hạn, nên nhìn nhận theo chính sách tài khóa, vĩ mô và dài hạn, đi tìm sự cân đối lớn cho nền kinh tế, chứ không phải để nhằm mục tiêu là để giảm tiêu dùng và để tăng thu ngân sách”, ông Tuất nêu ý kiến.
ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho biết: Hiệp hội đang kiến nghị với Chính phủ xem xét để không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách đột biến. (Ảnh: Phương Nhi)
Theo tính toán của vị Chủ tịch Sabeco, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 60% thì Sabeco sẽ không nộp thêm được đồng nào vào ngân sách, “Bởi vì khi thuế tiêu thụ tăng, thu nhập giảm và thuế thu nhập giảm xuống, rút lại là tổng thu không đổi” – ông Tuất nói.
Thực tế theo thống kê, năm 2013 lượng rượu bia tiêu thụ trên cả nước là 3 tỉ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, khiến VN trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu bia. Việc sử dụng quá nhiều rượu bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết…
Chính vì vậy, dự thảo của Bộ Tài Chính nhằm mục đích hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam lại cho biết: Hiệp hội đang kiến nghị với Chính phủ xem xét trong điều kiện thực tế hiện nay phải thay đổi tiến độ, lộ trình để không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách đột biến. Đồng thời đảm bảo sản xuất phát triển cũng như đáp ứng việc thu ngân sách của Nhà nước.
“Với tình hình kinh tế khó khăn, thuế đang thực thi có tác dụng khuyến khích cho sản xuất và hợp lý với điều kiện thực tế của Việt Nam nhưng với mức tăng đột xuất lên 15% sẽ gây khó khăn trong tiêu thụ, sản xuất cũng như giá bán và sẽ ảnh huởng trực tiếp tới người tiêu dùng và cả ngành bia, rượu, nước giải khát trong nước” – ông Việt bày tỏ sự lo lắng.