Ngày 14/5, tại buổi tọa đàm của Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam về Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương khẳng định theo đánh giá, Việt Nam đang có tới 120 cơ sở sản xuất bia, hơn 1.700 cơ sở sản xuất nước giải khát.
Theo ông Giám, rượu do các doanh nghiệp sản xuất khoảng 100 triệu lít một năm, nhưng rượu “quốc lủi” do dân tự sản xuất (không đăng ký chất lượng-pv) theo tính toán lên tới trên 350 triệu lít mỗi năm.
Ông Giám cũng cho biết đã có chuyển đổi tiêu dùng bia ở Việt Nam khi sản lượng bia hơi giảm nhẹ, bia chai tăng khá còn bia lon tăng rất mạnh.
“Điều này chứng tỏ đời sống tăng lên ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất, tiêu dùng”, ông Giám nói.
Đặc biệt, ông Dương Đình Giám cho biết theo quy hoạch phát triển ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2035 mà Viện ông được giao biên soạn, mục tiêu của Việt Nam là trong 5 năm tới (đến 2020), tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia của Việt Nam sẽ đạt 4,5 tỷ lít (tăng khoảng 1,3 tỷ lít so với hiện tại), rượu sẽ đạt khoảng 350 triệu lít, nước giải khát 8,8 tỷ lít.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương thì khẳng định ngành bia đã tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2005 - 2010, hiện nay tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 8 - 10% - mức bình thường như các ngành khác.
Ông Dũng tiết lộ công suất ngành bia theo đăng ký đã đạt 5,6 tỷ lít, tuy nhiên, có địa phương đăng ký nhưng không triển khai, nên công suất các nhà máy bia ở Việt Nam mới đạt chừng 5 tỷ một năm, công suất khả dụng khoảng 3,2 tỷ lít mỗi năm.
Tuy nhiên, riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, công suất bia thực tế đi vào sản xuất đã vượt xa tính toán, đạt tới 123% quy hoạch được phê duyệt.
Tốn 7.000 tỷ mỗi năm nếu dán tem bia
Tại tọa đàm, Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam tiếp tục có văn bản bày tỏ nỗi lo về “Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”, trong đó có quy định dán tem bia.
Theo hiệp hội này, nếu đề án này được thông qua với yêu cầu bắt buộc dán tem, thì chỉ riêng tiền đầu tư mua máy dán tem của các doanh nghiệp đã khoản 3.000 tỷ, trong đó Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn 645 tỷ, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội 495 tỷ, Heineken 240 tỷ...
Đó là chưa kể chi phí dán tem hàng năm (tiền mua tem) sẽ lên đến khoảng 2.000 tỷ nữa. Như vậy, tổng chi phí hàng năm nếu dán tem bia sẽ khoảng 7.000 tỷ. Và những chi phí trên sẽ phải tính vào giá sản phẩm.
Cho rằng việc dán tem rượu không có tác dụng trong quản lý nhà nước mà lại làm tăng chi phí sản xuất, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát cho rằng dán tem bia là không cần thiết, không hiệu quả và gây khó khăn cho doanh nghiệp...
>>> Đại gia Lê Ân vì sao không di chúc tài sản cho con trai cả?