Vì sao thương lái Trung Quốc 'lừa' được nông dân Việt?

Theo các chuyên gia nghiên cứu, việc thương lái Trung Quốc thu mua những sản phẩm mang tính "dị biệt" chỉ xảy ra tại Việt Nam.

Sự “đỏng đảnh” có chủ ý của thương lái Trung Quốc

Có vẻ như thương lái Trung Quốc đang chơi trò 'ú tim' với nông dân nhiều vùng chuyên canh của Việt Nam khi có lúc đẩy giá nông sản lên trời, có lúc lại ngoảnh mặt làm ngơ không thu mua khiến giá tuột dốc. Hay đằng sau những sự việc liên tiếp xảy ra trong mấy năm gần đây còn có 'hàm ý' khác?

Đã có nhiều bài học cho nông dân Việt Nam khi ham lợi trước mắt mà bán hàng cho thương lái Trung Quốc như mua râu ngô non, chè vàng, chè bẩn, sừng trâu, thậm chí là… đỉa. Sau “cơn sóng” chè bẩn hồi năm 2011 đến vụ thu mua đỉa làm đảo lộn nhiều vùng quê, đe dọa môi trường sinh thái, bây giờ, vùng trồng dứa, khoai lang, sầu riêng ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang sống dở chết dở vì sự “đỏng đảnh có chủ ý” của thương lái Trung Quốc

Cuối tháng 3/2014, hàng đoàn xe dưa hấu của thương lái trong nước nằm dài tại cửa khẩu Tân Thanh, sau khi bị thương lái Trung Quốc ép bán giá rẻ mạt.

Thật ra, người dân không phải không cảnh giác trước những chiêu trò thu mua nông sản của thương lái nước ngoài. Nhưng vì lợi nhuận cao, trong khi giá thu mua trong nước rẻ hơn, thậm chí có cả những mặt hàng tưởng không có giá trị cũng có thể bán, nên họ đổ xô đi bán mà không biết được những hệ hụy đằng sau đó.

Vì sao thương lái Trung Quốc lừa được nông dân Việt? - Ảnh 1
Không ít người nông dân phá cả ruộng sắn nhà mình đi, hái lá để bán nhưng thương lái Trung Quốc đã không quay lại lấy

Chiêu thức cung-cầu ảo

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng thực chất ở đây thương lái Trung Quốc đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị. Lý do là họ có thể thổi giá nguồn cung tùy ý vì không có giá trị như con đỉa thì làm sao xác định được giá nó là bao nhiêu, không ai biết nó có giá trị sử dụng thế nào. Khi đã thổi được giá, thao túng được thị trường thì họ… biến luôn.

Cuối cùng, người dân và thương lái nước ta lại mua chính hàng mình đã bán, hàng hóa không tiêu thụ mà chỉ chuyền tay qua lại và thương lái Trung Quốc kiếm lợi nhuận, còn ai ôm hàng thì mang nợ, nông dân thì làm hại ruộng vườn mình. Chiêu bài này họ làm hoài được vì lòng tham.

Và chiêu bài quen thuộc của những thương lái Trung Quốc vẫn là mua giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất, làm thương lái lẫn nông dân nước ta "ôm hận".

Bất ngờ hay có thể nói là bất thường, theo thông tin từ các cơ quan hải quan cửa khẩu đưa ra thì số lượng thực tế các loại nông sản “dị biệt” mà thương lái TQ thu mua không hề được xuất qua biên giới. Chỉ có rất ít các mặt hàng như rễ sim, cây ngâu,… được xuất sang, nhưng nếu so với số lượng mà thương lái TQ thu mua thì chênh lệch lớn.

Trường hợp lá khoai lang sẽ giống với trường hợp đọt và lá khoai mì năm 2013. Sau khi thương lái nước ngoài thu mua với giá cao, nông dân đổ xô mở rộng diện tích trồng khoai mì. Hậu quả đầu tiên là doanh nghiệp trong nước không mua được nguyên liệu khoai mì. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các chiêu bài dụ nông dân tập trung sản xuất loại nông sản đó dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ.

Khi nông sản của ta vào chính vụ, nông dân dồn hàng đưa lên biên giới để xuất sang TQ. Tại đây, các thương lái sẽ bày ra trò kiểm dịch nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả. Khi đã thống lĩnh thị trường, thương lái TQ có thể xây nhà máy, cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam để thu mua nguyên liệu giá rẻ và xuất về TQ.

Tuy nhiên với chiêu bài này, không thể trách nông dân mà trách chính doanh nghiệp trong nước. Nông dân họ mất niềm tin vào doanh nghiệp trong nước, thương lái mua giá cao thì dại gì họ không bán. Người nông dân làm ăn với doanh nghiệp trong hay ngoài nước - kể cả thương lái - cần thay đổi thói quen làm ăn, bán hàng phải có hợp đồng, nếu không chịu thiệt biết kêu ai.

Vì sao thương lái Trung Quốc lừa được nông dân Việt? - Ảnh 2
Cây tiêu trong mùa sinh trưởng từng bị tỉa rễ đem bán.

Thương lái Trung Quốc chỉ “lừa” tại Việt Nam: Lỗi tại ai?

Theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, việc mua lá cây điều, lá khoai lang hay mầm, rễ cây thảo quả là hành động phá hoại kinh tế, không phải hành động thương mại. Hành động thương mại tức là sự mua bán 2 bên cùng có lợi.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cần có một nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái Trung Quốc trên cơ sở đó, Bộ Công thương cần có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.

“Thương lái Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Các hành vi này chỉ mới thấy ở Việt Nam, chưa thấy ở các nước láng giềng khác”, TS Lê Đăng Doanh nói.

TS Lê Đăng Doanh cho biết, để tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, với nhiều mặt hàng khác nhau trong một thời gian dài một phần vì người dân hám lợi, thấy mua với giá cao ồ ạt đi trồng, thu mua, mong có thu nhập trước mắt. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.

Xem thêm clip: Lật mặt thương lái Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam

Mới đây, Bộ Công thương đã liên hệ với các sở Công thương và các sở chức năng tại các địa phương, chi cục Quản lý thị trường và cán bộ các Sở công thương đã trao đổi trực tiếp với nông dân các vùng miền.

Theo đó, yêu cầu việc mua đi bán lại với các thương lái phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua bán khi diễn ra việc mua nông sản, nhiều trường hợp khi được yêu cầu có đủ các điều kiện này, đã “lặn mất tăm”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại