>>> 2 người VN lọt vào danh sách siêu giàu của ngân hàng Thụy Sĩ
Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) vừa đưa ra báo cáo “Billionaire Census 2014”. Đây là lần thứ hai, Wealth-X và UBS công bố báo cáo điều tra tỷ phú USD. Năm nay lượng người giàu (có tài sản trên 1 tỷ USD) tăng thêm 155 người, lên mức 2.325 tỷ phú. Tổng tài sản mà họ nắm giữ đạt gần 7,3 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu đến tháng 6/2014.
Trong danh sách này, Việt Nam có 2 tỷ phú với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Wealth-X và UBS đã không đưau ra tên của hai vị tỷ phú Việt Nam nào trong danh sách tỷ phú này. Điều đó đã gây ra sự tò mò và không ít lời đồn đoán về hai cái tên bí ẩn này.
Cái tên đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến chính là tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, một đại gia thuộc nhóm “Đông Âu”, ông chủ Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng. Bởi lẽ, trong bảng xếp hạng hồi năm ngoái, ông chủ Vingroup là người Việt đầu tiên có tên trong danh sách với tài sản tính theo cổ phiếu VIC lên tới gần 18.000 tỷ đồng, và theo xếp hạng của Forbes là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 6/2014, số cổ phiếu VIC mà vị đại gia này nắm giữ là 423.233.803 cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 30/6/2014, cổ phiếu VIC đứng ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo giá thị trường, số cổ phiếu mà ông Vượng nắm giữ tương đương 27.087 tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên bìa tạp chí nhà giàu Forbes
Nhân vật thứ 2 thu hút sự chú ý của báo giới chính là ông Đoàn Nguyên Đức, bầu Đức, CTHĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tính đến hết ngày 30/6, cổ phiếu ông Đức đang nắm giữ là 342.765.533 cổ phiếu của HAG. Chốt giá giao dịch phiên cuối tháng 6, HAG ở mức 24.200 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, số tài sản trên sàn chứng khoán của ông Đức đang nắm giữ tương đương 8.295 tỷ đồng. Ông Đức là nhân vật đứng ở vị trí số 2 trong danh sách những người Việt siêu giàu do Wealth-X và UBS đưa ra hồi năm ngoái. Tuy nhiên, tổng số tài sản của ông Đức trên sàn chứng khoán chưa đạt đến con số 1 tỷ USD.
Ông bầu Đức, Đoàn Nguyên Đức
Nếu tính số tài sản trên sàn chứng khoán thì đây là hai nhân vật có “tiềm năng” nhất trong bảng xếp hạng, và đây cũng là hai nhân vật đứng đầu bảng xếp hạng của năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính tổng tài sản của hai đại gia này lại thì chỉ chưa đến 2 tỷ USD. Vậy ai mới thực sự là nhân vật được Wealth-X và UBS nhắc đến trong danh sách người giàu kia vẫn là một bí ẩn.
Ngoài 2 ứng viên đứng hàng đầu của bảng xếp hạng năm ngoái, các ứng viên sáng giá nhất được giới doanh nhân và truyền thông dự đoán có thể nằm trong danh sách năm nay bao gồm ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch tập đoàn Masan), bà Trần Thị Hường (Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu) và ông Dương Công Minh (Chủ tịch tập đoàn Him Lam).
Trong báo cáo này năm ngoái, số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu (có từ 30 triệu USD trở lên) hiện đã lên tới 195 người, với tổng giá trị tài sản 20 tỷ USD, tăng khá nhiều so với 170 người và 19 tỷ USD một năm trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có một đại diện duy nhất với quy mô tài sản 1 tỷ USD.
Báo cáo không đưa ra danh sách và cách thức thu thập thông tin để đánh giá, nhưng có thể các tổ chức nói trên thực hiện đánh giá của mình dựa trên các thông tin thu thập được trên TTCK, từ các ngân hàng và có thể từ chính báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm gần đây, một bộ phận doanh nhân cho dù chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán nhưng được đánh giá rất giàu, thậm chí giàu hơn những người có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.