Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch nhằm giải quyết sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, trong đó bao gồm cả việc nâng cao mức lương tối thiểu của họ .
Mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 40% so với mức tiền lương trung bình của người dân sống ở thành phố vào năm 2015. Các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phải tăng khoản lợi nhuận mà họ sẽ phải nộp lại cho chính phủ với mục đích tăng nguồn tài trợ cho an sinh xã hội.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở Trung Quốc đã làm bùng lên những lo ngại về tác động của nó đối với sự ổn định chính trị và xã hội.
Hệ số Gini của Trung Quốc được sử dụng như một thước đo cho sự chênh lệch thu nhập trong một quốc gia, đã tăng lên 0,474 vào năm 2012, cao hơn so với mức 0,4 vốn được các nhà phân đánh giá như là một ngưỡng cho tình trạng bất ổn xã hội tiềm năng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ rằng liệu các đề đề xuất đó có thể phát huy tác dụng được hay không. “Kế hoạch này cho thấy chính phủ đang coi trọng việc tăng trưởng thu nhập hơn là phân phối thu nhập", ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura, phát biểu.
Ông giải thích rằng đề xuất đã không được thiết lập một "mục tiêu rõ ràng" cho hệ số Gini nhưng lại chỉ đưa ra một mục tiêu là "giảm số lượng người nghèo trong xã hội và tăng số lượng người tham gia vào tầng lớp trung lưu”.
“Điều này chắc chắn có thể phản ánh những khó khăn mà chính phủ sẽ phải đối mặt trong việc giảm sự bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội và sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích”, ông phát biểu.
Ông Zhiwei bổ sung rằng chính phủ Trung Quốc đã từng công bố kế hoạch cải cách trong quá khứ nhưng việc thực hiện những kế hoạch đó đã không được hiệu quả.
Những đề xuất khác được công bố trong kế hoạch bao gồm các bước để tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện hệ thống chăm sóc y tế, tăng cường cung cấp nhà ở giá rẻ, trần về tiền lương của quản lý cấp cao tại các công ty thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường các quy định về thuế.
'Khó khăn và phức tạp'
Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến cho mức thu nhập của người dân tăng lên, đặc biệt là ở các khu vực đô thị, tạo ra một tầng lớp trung lưu giàu có.
Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, với nhiều người dân sống ở khu vực nông thôn vẫn đang sống dưới mức nghèo đói.
Theo nhật báo Nhân dân, gần 128 triệu người ở khu vực nông thôn thuộc diện nghèo đói, hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ít hơn 2300 nhân dân tệ (368 USD; 235 Bảng) trong năm 2011. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đòi hỏi chính phủ phải có những hành động nhanh chóng.
Từ lâu, các nhà phân tích đã cho rằng, tăng mức thu nhập ở khu vực nông thôn là chìa khóa không chỉ để giải quyết vấn đề ổn định xã hội mà còn cho những nỗ lực của Trung Quốc để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Trung Quốc đã cố gắng để thúc đẩy nhu cầu trong nước trong nỗ lực cân bằng lại nền kinh tế của mình và để bù đắp sự sụt giảm trong nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của họ, hiện đang bị ảnh hướng lớn bởi sự suy thoái của các thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu.
Chính phủ đã công bố kế hoạch mới nhất của họ trong việc giúp cho 80 triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo trước năm 2015. Kế hoạch của họ sẽ tập trung theo hướng tăng gấp đôi mức thu nhập trung bình thực tế của người dân ở nông thôn trước năm 2020 so với năm 2010. Tuy nhiên, để có thể giảm đáng kể khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội sẽ phải mất rất nhiều thời gian.
“Giải quyết triệt để vấn đề phân phối thu nhập là một dự án có hệ thống. Đó là một vấn đề khó khăn, phức tạp và liên quan đến việc tái phân bổ các nhóm lợi ích khác nhau”, Chính phủ tuyên bố.