Đa dạng trái cây khô nhập ngoại
Trái cây khô ngoại nhập được bán chủ yếu trong một số siêu thị như Ân Nam, Lotte, Citimart, khu chợ cũ Tôn Thất Thiệp (quận 1, TP.HCM), các cửa hàng chuyên bán bánh kẹo, rượu bia cao cấp khu Tân Định, Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM), Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM)…
Loại trái cây này cũng được bán nhiều qua các trang mạng. Nhiều loại nhập ngoại có giá ngất ngưởng, từ 500.000 đồng/kg trở lên.
Chà là giá gần 900.000 đồng/kg; quả nam việt quất, lý gai, sung Thổ Nhĩ Kỳ: 750.000 đồng/kg…
Trong khi đó, các loại trái cây, khoai sấy khô/sấy dẻo trong nước như mít, chuối, ổi, xoài, thơm, khoai lang, khoai môn, giá chỉ khoảng từ 130.000 - 300.000 đồng/kg.
Một phần sản phẩm được nhập từ các nước Âu - Mỹ với chỉ tiêu chất lượng, thành phần rõ ràng, bao bì đóng gói bắt mắt, còn lại phần lớn trái cây sấy được nhập từ Thái Lan.
Trong đó, ngoài dạng được đóng gói đúng chuẩn, còn có dạng nhà nhập khẩu Việt Nam mua nguyên liệu từ Thái Lan, tự đóng gói trong các bao ni lông trong suốt, hút chân không và in nhãn thông tin sản phẩm dán lên bao bì.
Một vài cửa hàng còn đóng gói dạng khay, phủ bề mặt bằng màng dẻo và dán tên cửa hàng lên chứ không nêu rõ xuất xứ sản phẩm.
Trong rất nhiều loại quả, nhà sản xuất cho thêm đường, đặc biệt đối với loại quả có vị chua. Ngoài ra, sản phẩm còn có chất bảo quản…
Chẳng hạn, quả mận bổ sung thêm 40-55% đường, xoài 36,6%, dâu 36,9%, cà chua 37%, đào 36,9%...
Lạ hơn, có loại dù ngoài bao bì ghi tên sản phẩm là quả việt quất sấy khô, nhưng trong thành phần lại bao gồm nham lê, nước, đường, nước nho, nước quả việt quất.
Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, nham lê là một dạng quả cùng họ với việt quất được dùng làm nhân rồi phủ đường và nước của một số quả khác, sau đó sấy khô.
Trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất còn có thêm thông tin, chỉ cần dùng một chén nhỏ việt quất khô đã đáp ứng được 25% nhu cầu trái cây cho mỗi người trong ngày.
Các nhà phân phối còn giới thiệu thêm nhiều ưu điểm “vượt trội” của trái cây khô: giúp ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa bệnh tim mạch...
Phần lớn vitamin bị mất khi sấy khô
Không ít người nhầm tưởng trái cây tươi tốt cho sức khỏe như thế nào thì trái cây khô cũng có tính năng như vậy.
TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM phân tích: “Thành phần chính trong trái cây nói chung là vitamin C, nước và chất chống oxy hóa cùng một số loại vitamin khác.
Các chất này sẽ bị mất nhiều khi sấy khô. Chất còn giữ lại chủ yếu là đường, một ít chất xơ, tinh bột và một vài khoáng chất”.
Điều này cũng được thể hiện ngay trên bảng thành phần dinh dưỡng thực tế (Nutrition facts) có trong hoa quả sấy mà nhà sản xuất đã thông tin trên bao bì sản phẩm.
Chẳng hạn, trên một túi trái cây sấy khô hỗn hợp 170 g gồm: việt quất, cherry, nho, nam việt quất được nhập từ Thái Lan ghi rõ “mỗi 30 g sản phẩm chứa 90-110kcal, protein dưới 1g, carbohydrate (gồm tinh bột, đường, chất xơ) từ 22,5-27,5g”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, một số loại trái cây Việt Nam sau khi sấy khô vẫn còn giữ được một số khoáng chất như: kali, magiê trong chuối; carotene, canxi, sắt trong dứa, ổi… với hàm lượng khoảng 1-3% trên mỗi 100g sản phẩm sấy khô.
Theo các chuyên gia, khi sấy khô, vitamin, nước mất đi, lượng đường trong mỗi loại quả được cô đặc lại tạo nên thành phần chính của sản phẩm.
Thành phần năng lượng của trái cây khô còn được gia tăng khi nhà sản xuất bổ sung đường để tăng độ ngọt, giữ cho sản phẩm không bị khô, luôn mềm, dẻo. đặc biệt, loại được phủ thêm nước trái cây cô đặc như đã nêu trên thì càng có nhiều đường hơn.
Nguyên do, để làm nước trái cây cô đặc, người ta cần dùng rất nhiều đường để chống lên men, chống mốc; cho thêm phụ gia màu và mùi để tránh bị xuống màu, mất mùi.
Đặc tính quan trọng nhất của các loại trái cây là cung cấp vitamin, nước, khoáng chất.
Trái cây sấy khô thì vitamin gần như bị mất đi hoàn toàn. Khi đó, thành phần chính của trái cây khô lại là năng lượng từ đường.
TS Phan Thế Đồng cho biết thêm, năng lượng từ đường trong trái cây sấy khô dễ tiêu hóa nên tạo ra năng lượng cho cơ thể người dùng rất nhanh.
Vì vậy, trái cây sấy chỉ phù hợp để giải quyết nhanh cơn đói hay dùng cho những người bị hạ đường huyết.
Vì sinh nhiều năng lượng nên nếu lạm dụng trái cây khô, cơ thể sẽ chuyển hóa nhanh năng lượng này thành chất béo.
Đặc biệt, những người bị tiểu đường càng phải chú ý, bởi loại trái cây sấy nào cũng có thể tác động làm tăng lượng đường trong máu rất nhanh, khó kiểm soát, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP.HCM) khuyến cáo, những người có cơ địa thể nhiệt có thể bị khô cổ, mắt đổ ghèn, mất ngủ, táo bón và nổi mụn nếu lạm dụng trái cây có hàm lượng đường cao.